15:21:00 | 29/4/2010
Vùng biển Khánh Hoà có dòng hải lưu Bắc – Nam Thái Bình Dương chảy qua, là vùng biển giàu tiềm năng đánh bắt và nuôi trồng thuỷ sản. Với hơn 520 km đường bờ biển và 135 km đường bờ ven đảo, hơn 72 hòn đảo lớn nhỏ, 1.658 km2 đất ngập nước, hơn 10.000 km2 thềm lục địa…
Qua thống kê cho thấy, biển Khánh Hòa có hơn 2.030 loài cá, trong đó 130 loài có giá trị kinh tế, 1600 loài giáp xát, 2.500 loài sò, trai,… và rất nhiều rong, chim biển. Nguồn lợi cá biển trong vùng đặc quyền kinh tế ước đạt trên 150.000 tấn/ năm và sản lượng khai thác bền vững là 70.000 tấn/ năm, đó là nguồn tài nguyên cho hoạt động đánh bắt thủy sản.
Theo báo cáo tình hình kinh tế xã hội năm 2008 của tỉnh Khánh Hòa, tổng sản phẩm trên địa bàn (GDP) theo giá 1994 được 10.072 tỷ đồng bằng 100,31% KH, tăng 11,34% so năm 2007, trong đó nông lâm nghiệp- thủy sản tăng 3%. khu vực kinh tế nông, lâm nghiệp- thủy sản có mức tăng khá, sản lượng khai thác thủy sản tăng 2,36%, sản lượng tôm thịt tăng 21,32%; giá trị sản xuất (GTSX) nông lâm nghiệp- thủy sản cả năm ước được 2.539 tỷ đồng, tăng 4,63% so năm 2007, trong đó GTSX nông nghiệp 1.159,6 tỷ đồng tăng 8,6%, GTSX thủy sản 1.339 tỷ đồng, tăng 2,36%, kim ngạch xuất khẩu thủy sản chiếm 60-65% toàn tỉnh và đứng thứ 5 so với cả nước.
Trong khai thác thủy sản, từ một nghề cá thủ công, quy mô nhỏ, hoạt động ở vùng gần bờ đã chuyển dịch thành một nghề cơ giới, tăng cường khai thác xa bờ, khai thác các đối tượng có giá trị kinh tế cao, phục vụ cho xuất khẩu. Song song với phát triển khai thác xa bờ tỉnh củng ổn định khai thác vùng ven bờ, vừa khai thác vừa bảo vệ và phát triển nguồn lợi, môi trường sinh thái. số lượng tàu thuyền máy tăng nhanh, thuyền thủ công giảm dần, năm 1991, tàu thuyền máy có 3.500 chiếc, thuyền thủ công 1.400 chiếc, đến năm 2009 tổng số thuyền máy là 10.363 chiếc, tổng công suất đã đạt tới 340.000 CV, gấp 6 lần so với năm 1991. Riêng tàu thuyền có công suất cao tăng khá nhanh, nhất là từ năm 1997 thời điểm bắt đầu triển khai chương trình vay vốn tín dụng đầu tư đóng tàu đánh bắt xa bờ, toàn tỉnh có khoảng 39 tàu đánh cá xa bờ, đến năm 2009 đã có 558 chiếc. Nhờ đó, tỷ trọng sản phẩm khai thác xa bờ đã tăng nhanh, sản lượng khai thác hàng năm đạt 65.000ấn đến 70.000 tấn/ năm.
Khánh Hòa được biết đến là tỉnh nằm trong vùng sinh thái khá đa dạng và thuận lợi cho việc phát triển các hình thức nuôi trồng hải sản, từ chỗ là nghề sản xuất phụ, mang tính tự cấp, tự túc đã trở thành một ngành sản xuất hàng hóa tập trung với trình độ kỹ thuật tiên tiến, phát triển ở tất cả các thủy vực nước ngọt, nước lợi, nước mặn theo hướng bền vững, bảo vệ mọi trường, hài hóa với các ngành kinh tế khác. Trong những năm qua, nghề nuôi trồng đã thật sự đa dạng hóa, đối tượng nuôi không chỉ tập trung vào con tôm sú, tôm hùm, cá mú, ngọc trai, cua, ghẹ, rong sụn như những năm trước đây mà còn được đầu tư phát triển mạnh ở một số loài thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá bớp, hải sâm, bào ngư, cá khoan cổ đỏ, cá chẻm, cá chim,…
Về lĩnh vực chế biến thủy sản, hiện Khánh Hòa đã có 44 xưởng chế biến xuất khẩu trong đó có 26 xưởng chế biến đông lạnh, 3 phân xưởng chế biến đồ hộp, 15 cơ sở chế biến thủy sản khô, 22 phân xưởng đạt tiêu chuẩn được cấp Code xuất khẩu vào thị trường châu Âu. Hầu hết các phân xưởng chế biến xuất khẩu đều có chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để chế biến thủy sản xuất khẩu của Khánh Hòa trở thành ngành sản xuất công nghiệp hiện đại, có đủ năng lực chủ động hội nhập và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu cho tỉnh nói riêng và cả nước nói chung.
Thanh Phương