10:02:36 | 11/11/2020
ASEAN ngày nay, mặc dù con đường phía trước còn nhiều gian nan nhưng đã trở thành một trong những hình mẫu hội nhập quốc tế quan trọng trong khu vực và thế giới. Năm nay 2020, Việt Nam đang kỷ niệm 25 năm tham gia ASEAN và giữ vị trí Chủ tịch của toàn khối ASEAN. Việt Nam với vai trò dẫn dắt ASEAN trong bối cảnh thế giới luôn đổi mới cũng như thách thức và cơ hội luôn đan xen, chúng ta cần phải khẳng định rõ vai trò của ASEAN trong chính sách ngoại giao toàn diện, định vị vai trò trung tâm của ASEAN trong hợp tác đa phương, phát triển hợp tác doanh nghiệp trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong thời kỳ mới nhằm hướng tới sự thịnh vượng và bền vững cho đất nước cũng như khu vực ASEAN.
1. ASEAN - Chiến lược HNKTQT đột phá của Việt Nam
Hình 1: Vai trò trung tâm của ASEAN
Hiện nay với dân số khoảng 650 triệu người, tổng GDP khoảng hơn 3 nghìn tỷ USD, tăng trưởng bình quân đạt 4,7%/năm (trước Covid) , ASEAN là một thị trường đầy thách thức, nhưng nó cũng hấp dẫn các doanh nhân và nhà cải cách. Khu vực này hiện là thị trường lớn thứ ba ở châu Á, sau Trung Quốc và Ấn Độ và là nơi sinh sống của 650 triệu người, thu nhập đầu người ngày một nâng cao. Vai trò trung tâm của ASEAN luôn được khẳng định trong các chương trình hợp tác chiến lược trong khu vực và trên thế giới (hình 1).
Năm 2020 là năm kỷ niệm 70 năm một số quan hệ truyền thống và đặc biệt kỷ niệm 25 năm các quan hệ thiết lập trong công cuộc đổi mới: Ngày 11/7/1995, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ; ngày 28/7/1995 Việt Nam đã gia nhập ASEAN và chính thức tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ 1/1/1996. Quá trình này đã giúp chúng ta thoát khỏi tư duy cũ “đồng sàng dị mộng” trong chính sách đối ngoại và có một tầm nhìn toàn diện hơn về một thế giới đa dạng. Đây cũng được coi là những bước đột phá về hành động trong tiến trình hội nhập kinh tế song phương (mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hóa tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ) và đa phương quốc tế của Việt Nam (Việt Nam hiện có 16 FTAvới 60 nền kinh tế). ASEAN được xem là thị trường đặc biệt quan trọng của Việt Nam và là thị trường đầu tiên cho các sản phẩm của Việt Nam thử sức cạnh tranh trước khi bước ra thị trường thế giới. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, năm 2019, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và các nước ASEAN đạt 57,6 tỷ USD, chiếm 12% trong tổng số kim ngạch thương mại của Việt Nam với thế giới. Trong quan hệ thương mại với ASEAN, Việt Nam luôn nhập siêu với kim ngạch nhập khẩu chiếm 55% tổng kim ngạch thương mại.
2. Phát triển hợp tác ASEAN
Trong một thế giới thay đổi, cùng với cơ hội hội nhập KTQT, phát triển công nghệ vẫn có những thách thức bệnh dịch, căng thẳng thương mại xen lẫn xu hướng bảo hộ quốc gia... Trong quá trình đó, nâng cao năng lực cạnh tranh và hợp tác là 2 giải pháp song hành. Đối với ASEAN cũng vậy, đặc biệt phải đề cao sự phát triển hợp tác với ASEAN.
Hình 2: ASEAN và Biển Đông
Tầm quan trọng của ASEAN luôn gắn liền tới biển Đông khi mà đa số các nước ASEAN nằm trong khu vực này (hình 2). Biển Đông là một vùng biển của Thái Bình Dương, bao gồm một khu vực từ eo biển Malacca đến eo biển Đài Loan rộng khoảng 3.500.000 km2. Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương, Châu Âu - Châu Á, Trung Đông - Châu Á. Đây được coi là tuyến đường vận tải quốc tế nhộn nhịp thứ hai của thế giới. Biển đông mang tầm quan trọng chiến lược to lớn: Hơn 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển và 45% trong số đó phải đi qua vùng Biển Đông với lượng thương mại trị giá gần 5,5 nghìn tỷ đô la mỗi năm. Nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Đông Á có nền kinh tế phụ thuộc sống còn vào con đường biển này như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và cả Trung Quốc. Đây là mạch đường thiết yếu vận chuyển dầu và các nguồn tài nguyên thương mại từ Trung cận Đông và Đông Nam Á tới Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; Nền tảng cơ bản của nghề thủy sản sinh lợi, rất quan trọng đối với an ninh lương thực của hàng trăm triệu người ở Đông Nam Á; Dự trữ dầu khí khổng lồ được cho là nằm dưới đáy biển (Theo đánh giá của Trung Quốc, trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng).
Hình 3: ASEAN và Ấn Độ dương-Thái Bình Dương
ASEAN nằm trong các chiến lược hợp tác kinh tế mang tính toàn cầu như Châu Á - Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương,... với xu hướng chuyển dịch trọng tâm về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình dương (hình 3)
ASEAN luôn chú trọng trong hợp tác Doanh nghiệp trong khu vực, trong đó luôn coi rằng sản xuất công nghiệp là động cơ của nền kinh tế và cũng là chủ thể đồng thời là đối tượng của các cuộc cách mạng công nghiệp. Trong hợp tác ASEAN đã đưa ra chương trình hợp tác và phát triển 12 ngành ưu tiên: 1. Nông sản; 2. Du lịch hàng không; 3. Ô tô; 4. e-ASEAN; 5. Điện tử; 6. Thủy sản; 7. Y tế; 8. Sản phẩm cao su; 9. Dệt may; 10. Du lịch; 11. Sản phẩm gỗ; 12. Dịch vụ logistics
3. Sản xuất công nghiệp và chuyển đổi số - con đường thịnh vượng và bền vững của Việt Nam và ASEAN
Trong một thế giới vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, điều kiện tiên quyết là phải nâng cao năng lực nội tại. Để nâng cao các năng lực, cần có sự đột phá ở các lĩnh vực như sản xuất, dịch vụ và tài chính. Tuy nhiên, cần lựa chọn những ngành ưu tiên có thế mạnh đột phá và có tính lan tỏa với đảm bảo có thể kết hợp cộng hưởng cả 3 yếu tố : Quy mô, tốc độ và tối ưu hoá. Có thể lấy ví dụ như cách đây 40 năm, trong thời đầu của công cuộc đổi mới ở Việt Nam, Chỉ thị số 100 của Ban Bí thư trung ương Đảng ngày 13/1/1981 về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp đã tạo ra bước phát triển to lớn trong sản xuất nông nghiệp và là bước khởi đầu hình thành nền kinh tế thị trường ở nước ta. Sự đột phá và thành công của ngành sản xuất nông nghiệp đã kích thích và lan toản sang các lĩnh vực ngành sản xuất công nghiệp khác.
Quan hệ hữu cơ giữa sản xuất và công nghiệp và các cuộc cách mạng công nghiệp (hình 4) nhằm hướng tới một phương thức sản xuất ưu việt hơn.
Hình 4: Các cuộc cách mạng công nghiệp
Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên bắt đầu ở Anh vào cuối thế kỷ 18, với việc cơ giới hóa ngành dệt may. Những công việc trước đây được thực hiện một cách vất vả bằng tay trong hàng trăm ngôi nhà tranh của những người thợ dệt đã được tập hợp lại trong một nhà máy bông duy nhất, và nhà máy đã ra đời. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra vào đầu thế kỷ 20, khi Henry Ford làm chủ dây chuyền lắp ráp chuyển động và mở ra kỷ nguyên sản xuất hàng loạt. Hai cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên đã làm cho con người trở nên giàu có hơn và thúc đẩy đô thị hoá. Trong cuộc cách mạng thứ ba sản xuất được chuyển sang ứng dụng kỹ thuật số. Quá trình này có thể thay đổi không chỉ hoạt động kinh doanh mà còn nhiều điều khác bên cạnh đó. Số hóa sản xuất sẽ thay đổi cách sản xuất hàng hoá. Ví dụ như trong việc sử dụng lao động trong ngành sản xuất ở Hoa Kỳ, thường sử dụng khoảng 1/4 lực lượng lao động vào những năm 1950 so với chưa đến 9% hiện nay. Điều này cũng giải thích tại sao đại dịch Covid 19 virus lây từ người sang người lại góp phần thúc đẩy tiến trình cách mạng công nghiệp số.
Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư (hay Công nghiệp 4.0) là quá trình áp dụng tự động hóa liên tục các hoạt động sản xuất và công nghiệp truyền thống, sử dụng công nghệ thông minh hiện đại. Giao tiếp giữa máy với máy (M2M) và Internet vạn vật kết nối (IoT) quy mô lớn được tích hợp để tăng cường tự động hóa, cải thiện giao tiếp và tự giám sát, đồng thời sản xuất các máy thông minh có thể phân tích và chẩn đoán các vấn đề mà không cần sự can thiệp của con người. Có thể thấy các cuộc cách mạng công nghiệp luôn khởi đầu và nhằm đáp ứng 3 yếu tố nâng cao năng lực của lĩnh vực sản xuất là: tốc độ, quy mô và tối ưu hoá
Đối với nền kinh tế, vai trò của khu vực sản xuất như là một động cơ tăng trưởng. Tuy nhiên, để nắm bắt được những cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR) cũng như đối phó với tình trạng khẩn cấp về môi trường, xã hội; căng thẳng thương mại, chuyển dịch chuỗi cung ứng và bất ổn kinh tế ngày càng tăng, các nhà sản xuất phải phát triển các năng lực mới và thích ứng. Hơn nữa, các chương trình HNKTQT bao gồm cả ASEAN đều đòi hỏi năng lực sản xuất hàng hoá nội địa để hưởng thuế quan ưu đãi thông qua các quy định hàm lượng chế biến và tỷ lệ nguyên liệu xuất xứ của hàng hoá xuất khẩu.
Các nhà sản xuất công nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ và tiên phong một cuộc cách mạng bền vững trong thế giới kỹ thuật số. Các tập đoàn và doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có vị trí tốt nhất để điều hướng thành công cơn bão này là những doanh nghiệp tiên phong nắm lấy các công nghệ và giải pháp sản xuất tiên tiến trong các nhà máy và chuỗi cung ứng của họ, tạo ra giá trị và cải thiện hoạt động đồng thời tăng tính bền vững. Để thành công trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng của 4IR, các nhà máy của doanh nghiệp phải hoạt động theo một cách mới. Điều đó đòi hỏi sự tập trung mạnh mẽ vào việc xác định các vấn đề và sau đó tạo ra các giải pháp chứ không chỉ thêm các công cụ gia tăng vào các quy trình hiện có. Các nhà máy tạo ra hệ điều hành mới kết hợp với công nghệ theo cách tiếp cận nhanh và duy trì tính liên tục có thể tạo ra những cách thức mới để không chỉ nâng cao hiệu quả mà còn mở rộng quy mô các giải pháp mới trong doanh nghiệp. Những doanh nghiệp này có thể đưa ra những bài học quý giá cho những người có nguy cơ tụt hậu.
Trong ngành cần có tầm nhìn và sự lãnh đạo trong lĩnh vực sản xuất là rõ ràng: xác định và quy tụ các doanh nghiệp tiên tiến nhất trong nước và khu vực đang thể hiện sự dẫn đầu trong việc áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến, bao gồm AI, internet vạn vật kết nối và phân tích dữ liệu lớn, để thúc đẩy tác động tài chính và hoạt động trên quy mô lớn và chuyển đổi chuỗi giá trị từ đầu đến cuối.
Đối với các nhà hoạch định chính sách sản xuất, cần tận dụng 4IR để thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất công nghiệp nếu không thì khó có thể tăng trưởng nhanh GDP và giải quyết tốt việc làm. Quá trình phát triển sản xuất công nghiệp còn có thể đảm bảo việc an ninh, quốc phòng tốt hơn cho quốc gia.
Xu hướng chuyển đổi số sẽ đem lại cho ASEAN với cơ cấu dân số trẻ (60% dưới 35 tuổi) nhiều cơ hội để nâng cao năng lực trong sản xuất công nghiệp trong làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đang diễn ra trên thế giới. Theo các nhà kinh tế, trước mắt ASEAN nên tập trung hợp tác vào 4 chương trình:
1/Chính sách dữ liệu chung ASEAN: Trong kỹ thuật công nghệ, tiêu chuẩn là ưu tiên số 1 do đó cần xây dựng chính sách dữ liệu khu vực chung (đây cũng là một trong những nội dung hoạt động chính của tổ chức “ASEAN manufacturing Network” vừa mới được thành lập với sự bảo trợ của ASEAN BAC)
2/Đào tạo kỹ năng kỹ thuật số ASEAN: Bất kỳ giải pháp công nghệ nào cũng phải tính đến ảnh hưởng đến người lao động và đặt con người lên hàng đầu. Cần xây dựng cam kết chung để đào tạo kỹ năng kỹ thuật số cho lực lượng lao động ASEAN
Hình 5: ASEAN 2020 gắn kết và chủ động thích ứng
3/Ứng dụng trong doanh nghiệp: Sản xuất công nghiệp: Robot, IoT, AI, Big Data; Thương mại: E-commerce; Tài chính, ngân hàng: Fintech (Thanh toán điện tử ASEAN: xây dựng khuôn khổ thanh toán điện tử chung ASEAN)
4/An ninh mạng ASEAN: Tăng cường hợp tác và nâng cao năng lực trong lĩnh vực an ninh mạng ASEAN
Đến năm 2030, ASEAN sẽ là nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới, với dân số dự báo là 720 triệu người và GDP dự kiến là 7 nghìn tỷ USD. Chắc chắn chuyển đổi kỹ thuật số là một trong những xu hướng tốt nhất để giúp ASEAN cũng như Việt Nam thịnh vượng và phát triển bền vững. Với vai trò dẫn dắt của Việt Nam thông qua việc đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN năm nay sẽ góp phần hiện thực hóa nền kinh tế ASEAN Kỹ thuật số nhằm hướng tới ASEAN Việt Nam 2020 thực sự gắn kết và ứng phó (hình 5).
TS. Đoàn Duy Khương
Phó Chủ tịch VCCI,
Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Kinh doanh ASEAN (ASEAN BAC)
Nguồn: Vietnam Business Forum
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI