Thúc đẩy thực thi chính sách hiệu quả

14:22:28 | 10/12/2020

Covid-19 đã làm đứt gẫy các chuỗi cung ứng, thu hẹp cả tổng cung và tổng cầu, gia tăng rủi ro tài chính đưa kinh tế thế giới vào vòng suy giảm. Làn sóng phá sản doanh nghiệp đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới, với ước tính tỷ lệ doanh nghiệp có thể mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 35% trong giai đoạn từ năm 2019 đến 2021. Kéo theo đó là làn sóng mất việc làm của người lao động.

Phản ứng nhanh và mạnh mẽ

Ngay từ những ngày đầu bùng phát dịch trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã hành động nhanh chóng và quyết liệt để khống chế đại dịch. Các biện pháp phòng dịch mạnh mẽ đã được triển khai nhanh chóng như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội, truy vết, cách ly…

Dù vậy, tác động tiêu cực từ thế giới, từ những biện pháp đối phó với đại dịch Covid 19, Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã chịu ảnh hưởng rất nặng nề. Hoạt động kinh doanh đình đốn. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, mặc dù tới tháng 11 năm 2020 chỉ có 15,4 nghìn doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể (tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2019) nhưng con số doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh thì lên tới 44,4 nghìn doanh nghiệp (tăng 59,7% so với cùng kỳ năm 2019). Như vậy, trung bình mỗi tháng có hơn 5.400 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động kinh doanh hoặc giải thể.

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh khó khăn, dịch bệnh lại cả thiên tai dồn dập bất thường, dù ngân sách nhà nước đang rất eo hẹp, nhưng Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chịu tác động từ Covid-19. Ngay từ những ngày đầu dịch bùng phát, Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 04/03/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với đại dịch Covid-19. Theo rà soát của VCCI, để thực hiện chỉ thị này, các Bộ ngành, địa phương đã nhanh chóng vào cuộc và ban hành khoảng 95 văn bản về các biện pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Để khắc phục hậu quả từ dịch Covid, các chính sách đã được ban hành tương đối đầy đủ và đồng bộ, thể hiện ở các gói hỗ trợ lớn là: Chính sách tiền tệ, trọng tâm là cơ cấu lại nợ, miễn, giảm lãi suất, hỗ trợ tín dụng với quy mô 250 nghìn tỷ đồng, chính sách hỗ trợ bảo đảm an sinh xã hội 62 nghìn tỷ đồng; chính sách tài khóa, trọng tâm là gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô 180 nghìn tỷ đồng và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trả lương cho người lao động 16 nghìn tỷ đồng.

“ Việc ban hành các chính sách trên đã kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Một thông điệp vô cùng tích cực về sự đồng hành từ Chính phủ đã được lan tỏa tới cộng đồng kinh doanh”, ông Lộc khẳng định.

Khoảng cách từ chính sách đến thực thi

Theo ông Lộc, chính sách được ban hành nhanh chóng thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Song, việc tiếp cận các chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp chưa được như kỳ vọng. Điều này thể hiện qua một số ghi nhận nhanh từ VCCI, chẳng hạn như đến tháng 10/2020, chưa có doanh nghiệp nào vay được từ gói hỗ trợ 16.000 tỉ của Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho Ngân hàng Chính sách để cho các doanh nghiệp vay để hỗ trợ tiền lương cho công nhân. Đến ngày 27/11/2020, có 75 doanh nghiệp vay được từ gói hỗ trợ 16.000 tỉ này để trả lương cho 3.851 lao động bị ngừng việc do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Kết quả này là đáng chú ý, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành Quyết định 32 sửa đổi Quyết định 15/2020 về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, đến tháng 10/2020, số tiền hỗ trợ từ chính sách giãn, giảm thuế, tiền thuê đất chưa đến 100.000 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu phát sinh ở chính sách giãn nộp (tiền thuê đất, thuế TTĐB với ô tô trong nước) chiếm 76.100 tỷ đồng; còn chính sách miễn, giảm các loại thuế phí chỉ dừng ở mức 10.000 tỷ đồng.

Theo số liệu khảo sát từ Đại học Kinh tế quốc dân công bố tháng 10/2020 thì tới 80% doanh nghiệp thuộc diện điều tra chưa nhận được gói hỗ trợ của Chính phủ và một tỷ lệ khá cao (gần 30%) không biết về các chính sách này. Hay kết quả điều tra mới nhất của VCCI cho thấy dù đánh giá cao tính hữu ích của của các chương trình hỗ trợ nhưng tỷ lệ doanh nghiệp cho biết việc tiếp cận các chương trình hỗ trợ thuận lợi còn rất ít.

Trước thực tế trên, ông Lộc cho rằng, “chính sách cần thực tế hơn, thủ tục cần đơn giản hơn, phân loại đối tượng cần trúng hơn; cơ chế nâng cao năng lực tiếp cận các chính sách này cho các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ nên như thế nào… Làm sao để những chính sách tốt đẹp đã ban hành đi nhanh được vào thực tiễn nhất”.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế- VCCI, để góp phần thúc đẩy hiệu quả thực thi chính sách hỗ trợ đã được ban hành và tăng cường năng lực tiếp cận các gói chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, cần nắm bắt kịp thời các bất cập, vướng mắc trong việc triển khai các gói hỗ trợ thời gian qua để có thể điều chỉnh cho phù hợp; đồng thời, cần thiết kế các hình thức hỗ trợ phù hợp với các doanh nghiệp từng ngành, lĩnh vực và từng giai đoạn, đặc biệt ưu tiên các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa bởi khả năng chống chịu kém của loại hình doanh nghiệp này.

Tác động của dịch bệnh tới các ngành kinh tế có sự khác biệt rất lớn. Một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề ( hàng không, du lịch…), một số ngành vẫn có cơ hội phát triển tốt ( công nghệ thông tin, thương mại điện tử, bưu chính, chuyển phát…). Bởi vậy, có thể kéo dài thời gian các gói hỗ trợ để doanh nghiệp có đủ thời gian hoàn các khoản được hoãn, giãn trong thời gian qua để phục hồi sản xuất kinh doanh. Các chính sách hỗ trợ cần rõ ràng, minh bạch để bảo đảm DN, hộ kinh doanh, người lao động tiếp cận và hiểu rõ phạm vi, đối tượng, điều kiện, trình tự thủ tục để các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ thực hiện đúng và kịp thời nhận được gói hỗ trợ của nhà nước, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Ngoài ra, cần nới lỏng một số điều kiện nhằm mở rộng đối tượng thụ hưởng và giảm thiểu về thủ tục và quy trình tiếp cận các gói hỗ trợ, đặc biệt là thủ tục chứng minh về tài chính.

Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, cần rà soát, đánh giá lại một cách độc lập về hiệu quả thực sự của các chính sách hỗ trợ; đẩy mạnh việc tham vấn, lấy ý kiến của đối tượng tác động, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để đảm bảo tính khả thi của chính sách khi được ban hành.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)