Phát triển bền vững trong thập niên mới: Biến thách thức thành cơ hội

15:51:25 | 10/12/2020

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp nhận thức được phát triển bền vững (PTBV) là việc phải làm. Không chỉ trong cộng đồng doanh nghiệp mà còn lan ra toàn xã hội. Nhìn qua từng năm khó thấy sự thay đổi đáng kể nhưng nhìn cả quá trình và đặc biệt là 5 năm gần đây thì thấy rất rõ. Đây là nhận định của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng quốc gia về PTBV và Nâng cao năng lực cạnh tranh tại Diễn đàn Doanh nghiệp PTBV Việt Nam 2020 (VCSF 2020).

VCSF 2020 diễn ra vào thời điểm năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016 - 2020, tạo đà cho việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021 - 2030. VCSF 2020 tập trung thảo luận các nội dung trọng điểm về quản trị doanh nghiệp bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ứng phó biến đổi khí hậu, tăng cường mô hình hợp tác công – tư. Đây không chỉ là những bài học đúc rút từ đại dịch Covid-19 mà hơn hết chính là những vấn đề then chốt cần được giải quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội bao trùm và bền vững trong thập niên 2021-2030.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch hành động quốc gia, và đã chọn ra 115 chỉ tiêu phù hợp được lồng ghép vào Nghị quyết của Đảng, các chiến lược của Chính phủ… Chúng ta ý thức được rằng 10 năm tiếp đây để đạt được các mục tiêu là thách thức rất lớn. Với 169 mục tiêu của toàn thế giới và 115 cụ thể của Việt Nam thì còn rất rất nhiều việc phải làm. Trong đó đặc biệt là các vấn đề về xã hội.

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự PTBV Việt Nam (VBCSD) đề nghị đưa nội dung PTBV thật sâu sắc trong văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, đề nghị Quốc hội ban hành Luật về kinh tế tuần hoàn để khuyến khích, thúc đẩy mô hình kinh tế này trong nền kinh tế. “Tôi cũng đề nghị Trung ương Đảng trong nhiệm kỳ khoá XIII cũng sẽ ra một Nghị quyết chuyên đề về PTBV. Chúng ta đã có Nghị quyết Trung ương và Bộ Chính trị về phát triển các thành phần kinh tế, về hội nhập, về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và nhiều vấn đề khác nữa. Nhưng cho tới nay chúng ta vẫn chưa có Nghị quyết chuyên đề của Đảng về PTBV”, TS. Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, VCCI, VBCSD đưa ra các kiến nghị trên cơ sở thảo luận tại 03 hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ VCSF 2020 đã diễn ra vào tháng 09 vừa qua, nhằm thực hiện thành công các định hướng nêu trên. Cụ thể kiến nghị: Chính phủ tiếp tục cải cách thể chế tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; Chính phủ ưu tiên tập trung vào các biện pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp; Chính phủ xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao Năng lực quản trị doanh nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025, tiệm cận với các tiêu chuẩn quản trị quốc tế để thúc đẩy quản trị doanh nghiệp bền vững; Xây dựng hệ thống chính sách hỗ trợ cho áp dụng Kinh tế tuần hoàn; Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho PPP phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn của Việt Nam.

Về những điểm mới mang tính đột phá của Luật bảo vệ Môi trường (BVMT) - chính sách quan trọng hướng đến các mục tiêu PTBV, TS. Võ Tuấn Nhân - Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Luật BVMT 2020.Trong đó phân công trách nhiệm cụ thể cho các Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh trong việc chuẩn bị các điều kiện, nguồn lực cần thiết, đặc biệt là xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Các quy định này sẽ hỗ trợ việc tăng cường năng lực thích ứng và phục hồi của quốc gia, hiện thực hóa Thỏa thuận Paris và các điều ước quốc tế có liên quan đồng thời tạo hành lang pháp lý cho sự PTBV của doanh nghiệp.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam nhận định “Chúng ta không thể đạt được các Mục tiêu PTBV nếu thiếu doanh nghiệp, và sẽ không có doanh nghiệp nếu không đạt được các Mục tiêu PTBV (SDGs). Việc hoàn thành các SDGs có thể mở ra cơ hội thị trường trên toàn cầu trị giá ít nhất 12.000 tỷ USD vào năm 2030.” Bà cũng nhấn mạnh thêm rằng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các thách thức từ biến đổi khí hậu và xóa đói giảm nghèo. Trong bối cảnh Covid-19, bà cho biết UNDP đang tích cực phối hợp với các đối tác, bao gồm các cơ quan của Chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và cả doanh nghiệp, để giúp các doanh nghiệp hoạt động ‘xanh hơn, sạch hơn, phục hồi và ứng phó tốt hơn’ nhằm đạt được các SDGs trong thập kỷ hành động đến năm 2030.

Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc của Nestlé Việt Nam, Đồng Chủ tịch VBCSD chia sẻ: “2020 là năm nhiều thách thức và biến động. Đại dịch COVID-19 và tác động của biến đổi khí hậu nhắc nhở chúng ta rằng thế giới chúng ta đang sống dễ bị tổn thương và có tính liên kết chặt chẽ với nhau như thế nào. Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp cần hợp tác vì sự PTBV nhằm đem đến sự thịnh vượng lâu dài và ổn định cho toàn xã hội. Chúng tôi muốn truyền cảm hứng, giúp cộng đồng doanh nghiệp nhận thức và thực thi vai trò của mình. Ngoài các cam kết và sáng kiến PTBV đang triển khai, Nestlé vừa công bố lộ trình cụ thể để giảm một nửa lượng phát thải carbon năm 2030 tiến tới loại bỏ hoàn toàn phát thải năm 2050. Chúng tôi sẽ nỗ lực cùng các đối tác đạt được mục tiêu này”.

Bà Holly Bostock, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao Heineken Việt Nam cho biết, “chúng tôi tin rằng PTBV không chỉ mang lại lợi ích cho doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế - xã hội và rộng ra là đất nước nơi chúng tôi đang hoạt động. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, mà những hậu quả tàn khốc như đợt bão lũ vừa qua tại miền Trung là ví dụ điển hình. Trong nhiều năm qua, chiến lược PTBV “Vì một Việt Nam tốt đẹp hơn” luôn là cốt lõi trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi cũng đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng hướng tới môi trường: Không chất thải chôn lấp, 100% nước được bù hoàn, và Sử dụng 100% năng lượng tái tạo (cả nhiệt năng và điện năng) từ nay đến năm 2025”.

Ghi nhận những nỗ lực bền bỉ và đóng góp hiệu quả trong 10 năm qua của VBCSD-VCCI để thúc đẩy PTBV của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao tặng Bằng khen của Thủ tướng cho đại diện Ban Thường trực VBCSD-VCCI. Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD - TS.Vũ Tiến Lộc cam kết, VBCSD-VCCI sẽ luôn đồng hành, chung sức cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trên hành trình đạt 17 mục tiêu PTBV đến năm 2030.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)