VCCI: Hành trình 58 năm với niềm tin đồng lòng vì sự phát triển Doanh nghiệp

09:48:13 | 26/4/2021

Trải qua gần 60 năm với từng giai đoạn phát triển ( 1963-1975, 1976-1982, 1983-1992, và 1993 đến nay), VCCI đã xây dựng tổ chức và hoạt động trong những điều kiện vô cùng khó khăn…, nhưng dù trải qua bao biến động, thăng trầm, VCCI cũng có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển của nền kinh tế, của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam. 

Vào ngày 29/4/1960, Thường vụ Hội đồng Chính phủ đã thông qua chủ trương thành lập Phòng Thương mại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua gần ba năm chuẩn bị, ngày 14/3/1963, Đại hội đầu tiên của Phòng Thương mại được tổ chức tại Hà Nội với sự hội tụ của 93 tổ chức hội viên đầu tiên, chủ yếu là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đại hội đã thông qua Điều lệ, bầu Ban Trị sự để điều hành công tác của Phòng. Kết quả đại hội và bản điều lệ đã được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn bằng Quyết định số 58-CP ngày 27/4/1963 do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký. Và ngày 27/4/1963 đã đi vào lịch sử nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp là ngày thành lập Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà VCCI luôn chú trọng là trở thành tổ chức quốc gia có chức năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, kinh doanh và đại diện để bảo vệ quyền lợi và xúc tiến hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam trong điều kiện tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Bên cạnh đó, VCCI đã tập hợp trong tổ chức của mình một cộng đồng đông đảo doanh nghiệp và hiệp hội doanh nghiệp (cả trực tiếp và gián tiếp) đại diện cho gần 800.000 doanh nghiệp trong cả nước. VCCI cũng thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ với gần 200 các tổ chức đối tác quốc tế để hỗ trợ các doanh nghiệp vươn ra thị trường toàn cầu. VCCI là thành viên tích cực của Phòng Thương mại Quốc tế (ICC), Liên đoàn các Phòng Thương mại thế giới, Liên đoàn Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Á - Thái Bình Dương (CACCI), Phòng Thương mại và Công nghiệp các nước ASEAN (ASEAN CCI) và các liên đoàn giới chủ thế giới và khu vực.

VCCI đã đi đầu trong việc nghiên cứu và phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân; đã cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ lấy ngày 13 tháng 10 hằng năm là Ngày Doanh nhân Việt Nam; đã đưa ra thông điệp “Doanh nhân - người lính thời bình” để cổ vũ và phát động tinh thần doanh nhân trong xã hội, đã tổ chức tôn vinh và trao tặng danh hiệu “Cúp Thánh Gióng”, “Cúp Bông hồng Vàng”, “Giải thưởng Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp” và các giải thưởng có uy tín khác cho các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu. Đã lập kỉ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp” để tri ân các cá nhân, tổ chức đóng góp vào sự nghiệp này.

VCCI, trong 16 năm gần đây,  đã tổ chức nghiên cứu, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Chỉ số này đã tạo phong trào thi đua, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế và cải cách ở các địa phương.

Cùng với đó, VCCI đã chủ trì nghiên cứu, công bố báo cáo thường niên và các báo cáo định kỳ khác về tình hình doanh nghiệp và kiến nghị kịp thời những giải pháp, chính sách với Chính phủ. VCCI cũng chủ trì và đồng chủ trì nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế và kinh doanh lớn, có uy tín ở Việt Nam như: Hội nghị Thủ tướng gặp doanh nghiệp (phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững (phối hợp với Văn phòng Chính phủ), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - VBF (phối hợp với các cơ quan Chính phủ, IFC, WB và các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước)… Nhiều diễn đàn quốc tế lớn của giới doanh nhân cũng được VCCI tổ chức thành công như: Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC 2006, 2017, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp EU - ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu, các hội nghị ABAC, ASEAN BIS, ASEAN BAC,… và các diễn đàn kinh doanh với các nước có sự tham gia của các CEO hàng đầu và nhiều nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước trên thế giới.

Nhóm lên ngọn lửa khởi nghiệp, thúc đẩy đào tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, VCCI là tổ chức đi đầu trong việc phát động “Chương trình Quốc gia khởi nghiệp” và xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong cả nước. Chương trình đào tạo Khởi sự và phát triển doanh nghiệp (SIYB) do VCCI phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện được triển khai ở hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước từ hai thập kỷ trước, đã ghi dấu ấn là chương trình hỗ trợ đào tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa sớm nhất, có quy mô lớn nhất và đạt chuẩn mực quốc tế ở Việt Nam.

Đáng chú ý, trong nhiệm kỳ VI (2015-2020), VCCI đã hoàn thành tốt và toàn diện các mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ công tác Đại hội VI đã đề ra với các nội dung hoạt động chính, gồm: hoạt động nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, tập hợp ý kiến doanh nghiệp, góp ý xây dựng chính sách, pháp luật, cải thiện môi trường kinh doanh; Công tác vận động chính trị, tập hợp, liên kết doanh nghiệp; Hoạt động đào tạo, phát triển doanh nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân; Công tác đại diện giới sử dụng lao động; Công tác XTTM, đầu tư, hỗ trợ và bảo vệ doanh nghiệp trong kinh doanh và hội nhập; Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao trách nhiệm xã hội… Theo đánh giá, trong nhiệm kỳ VI, VCCI đã hoàn thành khối lượng công việc tăng 30% so với nhiệm kỳ trước, đạt mức độ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Các mặt công tác được triển khai toàn diện và chất lượng được nâng cao theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Nhiệm kỳ VII (2021-2026), mục tiêu của VCCI là tiếp tục tham mưu cho Đảng và Nhà nước thúc đẩy cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phấn đấu đưa môi trường kinh doanh của Việt Nam vào nhóm ASEAN-3 năm 2025. Về công tác hỗ trợ xúc tiến phát triển doanh nghiệp, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, góp phần thực hiện thành công mục tiêu đạt 1,5 triệu doanh nghiệp đến năm 2025.

Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc đánh giá, nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đang bước vào một giai đoạn phát triển mới sau đại dịch Covid-19 mà ở đó yêu cầu tái cấu trúc, hướng tới một cơ cấu hiện đại, sáng tạo, bao dung và bền vững trở thành vấn đề quan trọng sống còn. Tiếp tục truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nhất định “Đại gia đình VCCI” sẽ chuyển mình, thực hiện tái cấu trúc và đổi mới vươn tới các chuẩn mực của một Phòng Thương mại và Công nghiệp hiện đại, có trách nhiệm - một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp vững mạnh của cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp giao phó.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)