Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn với sức cạnh tranh cao

11:13:11 | 15/6/2021

Là một trong những ngành chịu tác động rất lớn từ đại dịch Covid-19 song du lịch Quảng Ngãi vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Đây cũng chính là nền tảng vững chắc để toàn ngành tiếp tục nâng cao năng lực cạnh tranh, ngày càng tiệm cận với mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Xung quanh chủ đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Trí, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

Trên cơ sở khai thác và phát huy triệt để mọi tiềm năng lợi thế sẵn có, thời gian qua du lịch Quảng Ngãi đã có sự chuyển mình mạnh mẽ ra sao, thưa ông?

Với tài nguyên về thiên nhiên và nhân văn, Quảng Ngãi hội tụ điều kiện để phát triển đa dạng các loại hình du lịch (sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch địa chất trong không gian du lịch di sản, du lịch biển đảo…). Nhận diện được những tài nguyên này, phát triển du lịch được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2016-2020 và tỉnh đã quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển nguồn nhân lực, kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch. Tốc độ tăng trưởng các chỉ tiêu du lịch của tỉnh bình quân tăng 15%/năm, đặc biệt có năm tăng trưởng từ 35-38%. Một số khu du lịch (KDL) sinh thái, khu nghỉ dưỡng cao cấp đã được đầu tư như: KDL Cocoland Resort and Spa; KDL suối nước khoáng nóng Nghĩa Thuận; KDL sinh thái suối Chí, KDL Đảo Ngọc - Lý Sơn; Khách sạn Mường Thanh - Lý Sơn… Nhiều mô hình du lịch cộng đồng được hình thành và bước đầu thu hút khách, mang đến các dịch vụ trải nghiệm lý thú cho du khách như: Mô hình trải nghiệm văn hóa dân tộc Hre tại Ba Tơ; Làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ tại Đức Phổ; du lịch miệt vườn trái cây Bình Thành tại Nghĩa Hành; trải nghiệm nấu ăn, soi đêm, trồng hành tỏi tại đảo Lý Sơn; tham quan làng tranh bích họa 3D Gành Yến…

Niềm tự hào của du lịch Quảng Ngãi là đảo tiền tiêu Lý Sơn xinh đẹp, vùng lõi của Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh với những giá trị nổi trội về di sản văn hóa Sa Huỳnh, di sản địa chất núi lửa biển và lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam trên biển Đông đã được Tạp chí danh tiếng Forbes bình chọn là một trong 10 hòn đảo đẹp nhất Việt Nam. Đây cũng chính là hạt nhân góp phần đưa du lịch biển đảo trở thành loại hình du lịch chủ đạo và là nhân tố quan trọng thúc đẩy du lịch Quảng Ngãi phát triển. Trên cơ sở đó, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nỗ lực hoàn thành các nội dung hồ sơ đệ trình UNESCO về Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. Đến nay, hồ sơ đã nộp đúng thời gian quy định và đã được UNESCO tiếp nhận. Với hơn 300 điểm di sản được xác định, Ban Quản lý Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh đã chọn 89 điểm dừng chân gồm các di sản tiêu biểu về địa chất, địa mạo, cảnh quan, văn hóa, làng nghề... để xây dựng 4 tuyến du lịch gồm "Bí ẩn nơi đảo thiêng", "Lục địa cổ - Vũ điệu thời gian", "Hành trình về những nền văn hóa cổ", "Tiếng vọng của biển và Ký ức chiến tranh" trên nền chủ đề "Miền đất của những chuyển động". Đây đều là những tuyến du lịch độc đáo, hấp dẫn, hứa hẹn sẽ thu hút đông đảo du khách trong thời gian tới.

Bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, vấn đề xây dựng điểm đến an toàn và hấp dẫn được ngành du lịch chú trọng ra sao nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách đến với Quảng Ngãi trên cơ sở vẫn đảm bảo an toàn cho du khách và người dân?

Đại dịch Covid-19 cộng với thiên tai, thời tiết không thuận lợi đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của ngành Du lịch Quảng Ngãi. Trước tình hình trên, Sở đã chủ động đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện một số nhiệm vụ để phục hồi du lịch giai đoạn 2021 - 2023; kích cầu thị trường khách nội địa phù hợp với tình hình theo định hướng xây dựng "Quảng Ngãi - Điểm đến an toàn và thân thiện". Theo đó, Sở đã xây dựng sản phẩm giới thiệu đến các đối tác liên kết với tên gọi "Hành trình khám phá di sản văn hóa, địa chất biển đảo" bao gồm 17 điểm đến an toàn, hấp dẫn của tỉnh; phối  hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Quảng Ngãi xây dựng chuyên mục "Quảng Ngãi - Điểm đến an toàn và thân thiện"; xây dựng chuyên mục du lịch trên Báo Quảng Ngãi; phối hợp quảng bá du lịch với tỉnh Quảng Ngãi trên chương trình S Việt Nam, V Việt Nam, VTV Travel  - Đài Truyền hình Việt Nam và đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng khác. Bên cạnh đó, loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe cũng thu hút các nhà đầu tư phát triển và đưa vào hoạt động các KDL (KDL Bãi Dừa, KDL suối Chí, KDL suối nước khoáng nóng Nghĩa Thuận…), tạo ra sản phẩm mới cao cấp cho tỉnh, thu hút đáng kể lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ nghiên cứu và phát triển du lịch cộng đồng; xây dựng trình UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 72 về phát triển du lịch cộng đồng tại 4 huyện Bình Sơn, Lý Sơn, Nghĩa Hành và Ba Tơ nhằm phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, tạo ra các sản phẩm du lịch trải nghiệm mới cho du khách, tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người dân. Một số các dịch vụ du lịch cộng đồng trải nghiệm đã đi vào hoạt động hiệu quả trong thời gian qua như: Mô hình câu cá, mực, soi đêm, lặn ngắm san hô, học chế biến món ăn, trồng hành tỏi... ở Lý Sơn (được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng thành mô hình trải nghiệm có tiềm năng phát triển trở thành sản phẩm OCOP của tỉnh); trải nghiệm văn hóa, ẩm thực và dệt thổ cẩm tại Ba Tơ; du lịch miệt vườn tại thôn Bình Thành (Nghĩa Hành); du lịch trải nghiệm văn hóa Chăm Pa tại làng Gò Cỏ (Đức Phổ); du lịch cộng đồng gắn với làng tranh 3D tại Gành Yến, lễ hội ngày mùa (Mộ Đức)... Sở cũng đã tổ chức nhiều đợt khảo sát đối với các điểm du lịch cộng đồng đang hoạt động để đánh giá kết quả thực hiện và góp ý chuyên môn cho các địa phương cũng như khảo sát các điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng tại thủy điện Đăkring (Sơn Tây), thôn Tư Cung  (xã Tịnh Khê - TP.Quảng Ngãi).

Ngoài ra, sản phẩm du lịch MICE, du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo teambuilding khá phát triển tại tỉnh, được tổ chức tại Lý Sơn và các khu điểm du lịch của tỉnh. Sản phẩm du lịch gắn với sự kiện thể thao cũng đã bắt đầu phát huy hiệu quả, thu hút lượng lớn vận động viên và du khách (Giải dù lượn quốc tế tại Lý Sơn vào năm 2019, Giải vô địch quốc gia Marathon và cự ly ngắn Lý Sơn 2020), trong đó giải dù lượn được tổ chức hàng năm đã được lựa chọn là sự kiện thể thao định vị thương hiệu du lịch Lý Sơn.

Ông có thể cho biết các giải pháp trọng tâm của ngành nhằm đẩy mạnh quảng bá, liên kết các tour, tuyến du lịch và khai thác có hiệu quả các loại hình du lịch cộng đồng, sinh thái nghỉ dưỡng, tâm linh trong năm 2021, góp phần gia tăng sức hút của thương hiệu du lịch Quảng Ngãi?

Tỉnh sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, kêu gọi các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các tổ hợp giải trí cao cấp vào các địa phương ven biển; các dự án du lịch sinh thái tại núi Cà Đam, Gành Yến, KDL Thạch Bích, KDL Đặng Thùy Trâm, Công viên Thiên Bút, biển Bình Châu...; các dự án đầu tư vào lĩnh vực trò chơi thể thao trên biển. Tiếp tục hỗ trợ các dự án đang triển khai đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa dự án vào khai thác ở Vạn Tường, Mỹ Khê, Bình Sơn, Đức Phổ, Lý Sơn...; Rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư du lịch trên toàn địa bàn tỉnh, quyết liệt thu hồi các dự án chậm tiến độ. Ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật phục vụ du lịch.

Cùng với đó là khẩn trương triển khai xây dựng kế hoạch định vị và phát triển thương hiệu du lịch tỉnh đến 2025, định hướng đến 2030. Phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch. Ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ phát triển sản phẩm, quảng bá du lịch trên các phương tiện đại chúng trong và ngoài nước; tổ chức các hoạt động xúc tiến và khảo sát du lịch trong nước và quốc tế; tăng cường liên kết với các địa phương, đối tác để phát triển du lịch, đặc biệt là triển khai Chương trình hợp tác, liên kết với TP.Hồ Chí Minh, TP.Hà Nội và các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đồng thời quản lý và vận hành hiệu quả ứng dụng du lịch di động (App du lịch Quảng Ngãi), giúp du khách dễ dàng tra cứu, tìm kiếm thông tin, kết nối trực tuyến với các điểm đến, nhà cung cấp dịch vụ và lên lịch trình du lịch đến Quảng Ngãi bằng cách sử dụng điện thoại di động và các thiết bị thông minh; từ đó góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch, hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum