Công ty CP Thủy điện Thái An: Đánh thức tiềm năng thủy điện, mang lại sức sống mới cho vùng cao

10:23:06 | 22/7/2021

Thời gian qua, các dự án thủy điện đã góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt tại các tỉnh miền núi như Hà Giang. Trong đó, Nhà máy Thủy điện Thái An thuộc Công ty CP Thủy điện Thái An sau hơn 10 năm hoạt động hiệu quả đã mang lại cho hai huyện Quản Bạ và Vị Xuyên một sức sống mới. Dù gặp không ít khó khăn, thách thức song Công ty luôn là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động địa phương, đồng hành cùng tỉnh nhà trong công cuộc xóa đói giảm nghèo cũng như góp phần khắc phục tình trạng thiếu điện quốc gia.

Những dấu ấn mang tên Thái An

Đầu tư xây dựng và phát triển các công trình thủy điện tại các tỉnh miền núi Tây Bắc là vấn đề luôn được được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, thu hút sự chú ý của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài khu vực, trong đó có ông Nguyễn Quang Đạo - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Thủy điện Thái An. Về cơ duyên đã thôi thúc một doanh nghiệp dày dặn kinh nghiệm trong ngành năng lượng của Thủ đô quyết định đến với Hà Giang, ông chia sẻ: “Đối với tôi, Hà Giang là một vùng đất vô cùng hấp dẫn. Ngoài vị trí địa lý thuận lợi thích hợp để phát triển giao thương cửa khẩu, Hà Giang hội tụ nhiều tiềm năng như tài nguyên mỏ, thủy điện, tiềm năng vùng cao, đất đai thổ nhưỡng, khí hậu ôn hòa thích hợp phát triển ngành dược liệu. Cảnh quan hùng vĩ cũng là món quà mà thiên nhiên ban tặng cho riêng Hà Giang mà nhờ đó du lịch trải nghiệm, khám phá văn hóa vùng miền sẽ nở rộ và phát triển mạnh trong tương lai. Tất cả những lợi thế đó, nếu được khai thác đúng hướng chắc chắn sẽ mang lại bộ mặt mới cho tỉnh nhà. Chính vì vậy, Công ty CP Thủy điện Thái An đã có mặt tại Hà Giang từ rất sớm (năm 2002). Sau quá trình tìm hiểu và chuẩn bị kỹ lưỡng, năm 2007 Công ty bắt tay xây dựng nhà máy bằng một tinh thần quyết tâm, nghiêm túc, làm đâu chắc đó. Mặc dù gặp phải không ít ý kiến về năng lực thực hiện vì đây là dự án thủy điện có số vốn đầu tư lớn nhất của tỉnh thời điểm bấy giờ nhưng hình ảnh những ánh đèn, nguồn điện được thắp sáng ở mỗi ngôi nhà đã giúp tôi và anh em công nhân vượt qua sức ép tiến độ thi công, khối lượng công việc, địa hình phức tạp, liên tục tháo gỡ khó khăn, bám sát công trình. Năm 2010, nhà máy Thủy điện Thái An của Công ty chính thức đi vào hoạt động. Nằm trên địa bàn hai xã Thái An (huyện Quản Bạ) và Thuận Hòa (huyện Vị Xuyên), Nhà máy có công suất 82MW, với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, mỗi năm sản xuất và phát lên lưới quốc gia gần 400 triệu kWh điện, với doanh thu gần 300 tỷ đồng. Đây là một trong 15 công trình trọng điểm chào mừng Đại hội XV Đảng bộ tỉnh Hà Giang và là dự án thủy điện lớn thứ hai của tỉnh Hà Giang. Nhà máy có nguồn năng lượng sạch, có khả năng tái tạo và giá thành rẻ hơn các nguồn điện khác trong hệ thống điện”.


Ông Nguyễn Quang Đạo (bên trái), Chủ tịch HĐQT kiêmTổng giám đốc Công ty CP Thủy điện Thái An

Không chỉ góp phần phát triển kinh tế-xã hội Hà Giang, Công ty Thái An đã để lại những dấu ấn tốt đẹp với chính quyền và người dân địa phương. Là ngành nghề phụ thuộc vào tình hình mưa thuận gió hòa của thời tiết nên Công ty xác định chỉ khai thác thủy năng ở góc độ thuận theo thiên nhiên và hạn chế tối đa tác động tới môi trường. Mặc dù được cấp phép khai thác 6 hecta rừng song nhận ra tầm quan trọng của tài nguyên rừng và trách nhiệm bảo vệ môi trường, ban lãnh đạo Công ty đã quyết định từ chối. Trong khu vực của Nhà máy, tuyệt nhiên không để xảy ra tình trạng chặt phá cây mà chỉ được phép trồng thêm cây xanh. Chính vì vậy, cảnh quan của Nhà máy luôn trong lành và phủ đầy cây xanh. Công tác dân vận cũng được ban lãnh đạo Công ty chú trọng. Thời gian khi Hà Giang còn khó khăn, Công ty đã chủ động làm một đường điện cho một thôn lân cận, tạo điều kiện sinh hoạt thuận lợi cho người dân. Công ty cũng không vì mở rộng Nhà máy mà lấy đất của người dân và chỉ khai thác trong phạm vi cho phép.

“Năm 2020, khi Nhà máy Thái An gặp sự cố bị mưa lũ cuốn, vùi dập, khiến Công ty bị thiệt hại nặng nề, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các lãnh đạo các cấp cơ sở đã lập tức có mặt, kịp thời chỉ đạo, đồng hành cùng doanh nghiệp khắc phục hậu quả. Hành động này cho tôi thấy sự quyết tâm của chính quyền tỉnh trong việc đồng hành, tạo điều kiện để doanh nghiệp yên tâm đầu tư trên địa bàn”- ông Nguyễn Quang Đạo cho biết.

Nhờ sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính quyền và doanh nghiệp, năm vừa qua, hai nhà máy thủy điện của Công ty là Thái An và Thuận Hòa vẫn giữ được hoạt động ổn định với tổng doanh số khoảng 500 tỷ đồng, đóng góp vào ngân sách tỉnh khoảng 100 tỷ đồng. Đây cũng chính là nguồn động lực để Công ty tiếp tục đầu tư, mở rộng nhà máy Thái An với tổng số vốn đầu tư 1000 tỷ đồng, nâng công suất nhà máy lên gấp 1,5 lần, hứa hẹn  tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho nhân dân Hà Giang.

Sự kết hợp hài hòa giữa công nghệ và con người

Để có được những kết quả trên, Công ty đã luôn chủ động áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, phương thức quản lý, điều hành tiên tiến. Hoạt động của Công ty phụ thuộc vào Trung tâm Điều độ Hệ thống điện Quốc gia A0 nên ngay từ đầu, Thái An đã đầu tư thiết bị tốt nhất, công nghệ hiện đại nhất, tất cả công nghệ phần mềm xử lý liên tục được cập nhật. Cứ 2-3 năm, nhà máy lại được thay đổi công nghệ một lần. Tuy nhập thiết bị của nước ngoài, nhưng toàn bộ phần mềm đều được Công ty kết hợp với các đơn vị tin học uy tín để Việt hóa. Các hệ thống SCADA, hệ thống bảo vệ 3 chiều trên đường dây, hệ thống thông tin liên lạc đều tự động hóa tối đa. Ngoài ra, tại tất cả các cửa đập đều có camera giám sát, giúp Bộ Tài nguyên và Môi trường có thể kiểm chứng quy trình phát, mức nước dâng…

Bản thân ngành thủy điện đã là một công trình khoa học đồ sộ, đòi hỏi người làm thủy điện phải thường xuyên nâng cao năng lực và tri thức, do đó công tác nâng cao năng lực nguồn lao động được Công ty xác định là chiến lược đầu tư dài hạn. Công nhân của nhà máy trước khi vào làm việc đều được đào tạo 100% chuyên ngành điện lực, sau đó được Công ty tạo điều kiện nâng cao chuyên môn và bằng cấp. Từ các kỹ sư điện, để đảm nhiệm vị trí quan trọng như trưởng ca, trưởng kíp, Công ty đã mời các giáo viên từ Trung tâm A0, A1 giảng dạy và đào tạo trực tiếp cho nguồn nhân lực nhà máy. Bên cạnh đó, Công ty áp dụng chế độ đãi ngộ theo hệ số khuyến khích của Nhà nước theo mức thâm niên hoạt động  là 1%/1 năm.

Sự đầu tư nghiêm túc, phong cách chuyên nghiệp và trên hết là tâm huyết với đất và người Hà Giang là những yếu tố giúp Thái An luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông Nguyễn Quang Đạo khẳng định: “Sứ mệnh của những người làm thủy điện như Thái An đang và sẽ luôn gắn liền với Hà Giang. Ban lãnh đạo Công ty mong muốn chính quyền tỉnh và các cơ quan tiếp tục ủng hộ, đồng hành cùng hai nhà máy Thái An và Thuận Hòa để cùng nhau góp phần “thay da đổi thịt” cho kinh tế tỉnh nhà. Để Hà Giang phát triển xứng với tiềm năng vốn có thì việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông rất quan trọng, nhất là trong bối cảnh kinh tế Hà Giang đang hội nhập mạnh mẽ và trên đà phát triển. Đây cũng là một yếu tố quan trọng thúc đẩy du lịch trở thành ngành phát triển đột phá của Hà Giang”.  

Nguồn: Vietnam Business Forum