Xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch Vùng và Quốc gia

09:18:00 | 26/8/2021

Ninh Bình là tỉnh có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, đặc sắc với 1821 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng và môi trường sinh thái tự nhiên có giá trị. Phấn đấu đưa Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch của vùng và quốc gia như Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, ngành du lịch tỉnh đã phát huy tinh thần nỗ lực, sáng tạo, tập trung tham mưu xây dựng các đề án phát triển du lịch cùng các giải pháp đồng bộ để tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Tạo “cú hích” cho du lịch phát triển

Theo ông Bùi Văn Mạnh - Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, trong những năm gần đây, tỉnh Ninh Bình luôn có những chủ trương, định hướng ưu tiên phát triển du lịch. Trong suốt giai đoạn từ năm 2009 đến nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 30/8/2018 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Từ đó, nhiều định hướng, giải pháp quan trọng đã tạo đà cho du lịch phát triển mạnh mẽ khi huy động sự quan tâm, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp trong tỉnh trong sự nghiệp phát triển du lịch: Hạ tầng du lịch được đầu tư, nâng cấp đồng bộ, kết nối trung tâm thành phố Ninh Bình với các khu, điểm du lịch; cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch phát triển cả về số lượng và chất lượng; một số khu, điểm du lịch, khách sạn cao cấp được đầu tư hoàn thiện đưa vào phục vụ khách du lịch có hiệu quả. 

Du lịch Ninh Bình đã có bước phát triển khá nhanh thể hiện qua các chỉ tiêu như: Lượt khách, doanh thu du lịch, số lao động trong ngành du lịch... ngày càng tăng; các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng địa phương luôn tích cực, chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, xây dựng môi trường du lịch văn minh, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch trong nước và quốc tế. Hình ảnh, thương hiệu du lịch Ninh Bình được khẳng định khá đậm nét trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực, 3 năm liền được các tạp chí, chuyên trang du lịch quốc tế (Telegraph, Tripadvisor, Business Insider) bình chọn là điểm đến hấp dẫn hàng đầu của Việt Nam. 

Những chuyển biến rõ nét

Giám đốc Bùi Văn Mạnh nhấn mạnh: Nhờ các chủ trương, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, hiệu quả của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tạo nên những chuyển biến rõ rệt cho ngành Du lịch Ninh Bình. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng (giai đoạn 2010-2019) về khách du lịch đạt 11%/năm, về doanh thu du lịch đạt 23,6%/năm. Năm 2019, Ninh Bình đón được 7,65 triệu lượt, doanh thu đạt trên 3.600 tỷ đồng. 

Kết thúc năm 2020, toàn tỉnh có 689 cơ sở lưu trú, với 8.508 phòng nghỉ, (trong đó có 15 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3-4 sao và tương đương); thu hút 21.500 lao động (5.500 lao động trực tiếp và 16.000 lao động gián tiếp). 

Sự phát triển của lĩnh vực du lịch đã bước đầu tạo được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng tăng tỷ trọng khối dịch vụ đồng thời thúc đẩy nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của tỉnh phát triển. Theo đó, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lập đề án và phát triển các sản phẩm, dịch vụ phục vụ du lịch tại các làng nghề như: làng hoa đào phai Đông Sơn, làng hoa Ninh Sơn, làng nghề thêu Văn Lâm - Ninh Hải, làng nghề đá Mỹ Nghệ Ninh Vân, làng gốm Bồ Bát - Yên Mô, làng nghề cói ở Kim Sơn… 

Các đề án khôi phục, bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân tộc (như hát chèo, hát xẩm, hát văn, múa trống dân gian…) đã được triển khai thực hiện; bước đầu đưa một số loại hình nghệ thuật dân tộc vào phục vụ ở một số khu, điểm du lịch.

Lĩnh vực nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch đã được triển khai khá hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp chặt chẽ với các ngành, UBND các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền về tiềm năng, giá trị của các sản phẩm du lịch nông thôn; lựa chọn và chuẩn hóa 26 sản phẩm OCOP; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. 

Ninh Bình nổi tiếng với những khu du lịch có cảnh quan thiên nhiên đẹp, hấp dẫn khách du lịch như: Tam Cốc - Bích Động, Vườn quốc gia Cúc Phương, Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Biển Kim Sơn - Cồn Nổi… Đặc biệt, ngày 25/6/2014, Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã tạo thế và lực mới cho du lịch Ninh Bình phát triển với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh và là trung tâm du lịch của vùng, của cả nước.

Công tác xây dựng và phát triển các sản phẩm làng nghề, làng nghề thủ công truyền thống gắn với phát triển du lịch được triển khai theo đúng Quy hoạch phát triển nghề, làng nghề. Giai đoạn 2010 - 2020 đã có 75 làng nghề được UBND tỉnh công nhận.

Bên cạnh đó, việc xây dựng, phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp có sản phẩm, hàng hóa phục vụ phát triển du lịch được coi trọng như: Xây dựng chỉ dẫn địa lý cho cây dứa Đồng Giao và dê núi Ninh Bình; xây dựng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm: cói mỹ nghệ Kim Sơn, đá mỹ nghệ Ninh Vân, cá Tràu tiến vua, thêu ren Văn Lâm - Ninh Hải, cơm cháy Ninh Bình, nem chua Yên Mạc, nếp hạt cau Ninh Bình, đào phai Tam Điệp, mật ong Cúc Phương… 

Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, làng nghề, nghệ nhân được hỗ trợ trong việc sáng tác mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN), hàng lưu niệm, tổ chức các cuộc thi mẫu sản phẩm TCMN tỉnh Ninh Bình để lựa chọn các mẫu sản phẩm tiêu biểu xuất sắc sử dụng, trưng bày tại các hội chợ, triển lãm của ngành công thương, du lịch cũng như tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch. Song bằng sự nỗ lực, quyết tâm cao, ngành du lịch đã tham mưu, đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh tổ chức “Lễ khai mạc Năm Du lịch quốc gia 2021” an toàn và thành công tốt đẹp. Ngành du lịch còn tập trung tham mưu xây dựng nghị quyết và đề án phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030, định hướng đến 2045, kế hoạch tổng thể marketing giai đoạn 2021-2025, đặc biệt là tập trung đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, xây dựng và phát triển các sản phẩm dịch vụ mới... Với những chủ trương, định hướng, giải pháp đồng bộ, sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự nỗ lực, sáng tạo và quyết tâm của ngành du lịch, chắc chắn du lịch Ninh Bình sẽ từng bước phục hồi, phát triển mạnh mẽ trở lại, phấn đấu trở thành trung tâm du lịch của vùng và quốc gia như Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra.

Nguồn: Vietnam Business Forum