Lượng khách du lịch 7 tháng giảm 97,5%

14:46:40 | 2/8/2021

Dịch Covid-19 càn quét liên tục trong 2 mùa du lịch cao điểm khiến hàng loạt doanh nghiệp không còn sức để bám trụ.

Mòn mỏi

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, dịch Covid-19 tiếp tục tác động xấu tới tình hình du lịch 7 tháng đầu năm 2021. Tất cả các chỉ số về khách quốc tế, dịch vụ lữ hành, lưu trú đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: Ước tính trong tháng 7 có khoảng 7,5 nghìn lượt du khách, tăng 3,7% so với tháng trước và giảm 46,4% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta ước đạt 95,7 nghìn lượt người, giảm 97,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch ở hầu hết các địa phương gần như tê liệt.

Các chuyên gia du lịch nhận định, số liệu này hoàn toàn nằm trong dự tính của ngành từ trước. Bởi cho đến hiện tại, Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón khách quốc tế. Khách quốc tế hiện chủ yếu là chuyên gia nước ngoài hoặc người nước ngoài ở lại Việt Nam làm việc. Thêm vào đó, khi 2 đầu tàu du lịch là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh bị tổn thương, các doanh nghiệp du lịch trong cả nước hầu như phải đóng cửa chống dịch thì không còn ai "khuấy động" thị trường.

Sở Du lịch Hà Nội vừa cho biết, trong tháng 7, Hà Nội ước đón khoảng 17 nghìn lượt khách, giảm 98,6% so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu từ hoạt động du lịch ước đạt 59 tỷ đồng, giảm 98,3% so với cùng kỳ năm trước.

Theo lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội, gần nửa đầu tháng 7/2021, lượng khách nội địa tăng khá so với tháng 6/2021. Tuy nhiên, những ngày gần đây, TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành khác trong đó có Hà Nội dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp nên lượng khách lại giảm.

Mặc dù vậy, Sở Du lịch Hà Nội đã chỉ đạo doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành trên địa bàn thành phố sẵn sàng chuẩn bị khởi động sản phẩm du lịch trong tình hình mới; các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ phục vụ khách du lịch và thực hiện nghiêm biện pháp đảm bảo an toàn phòng dịch Covid-19; rà soát, đánh giá điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn; nghiên cứu các nội dung, chương trình phát triển ẩm thực gắn với hoạt động du lịch...

Còn tại TP. Hồ Chí Minh, ngành du lịch vốn lao đao nay thêm cú đánh bồi khiến bị tê liệt hoàn toàn, không ít doanh nghiệp đã phá sản. Số doanh nghiệp cầm cự đến ngày hôm nay cũng khó khăn chồng chất.

Nhiều doanh nghiệp kỳ vọng, giữa hoặc cuối năm 2022, ngành du lịch có thể quay về thời điểm trước dịch. Thế nhưng, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp lữ hành là chất xám của người lao động, song đến nay, hơn 2/3 nhân sự ngành du lịch đã chuyển hướng làm công việc khác và con số này chưa chắc đã dừng lại.

Hỗ trợ nhân lực ngành du lịch – tia hy vọng

Để hỗ trợ người lao động trong ngành du lịch có thể phục hồi được, tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đã đưa hướng dẫn viên (HDV) du lịch vào diện được hưởng hỗ trợ.

Đối tượng được hỗ trợ là HDV du lịch quốc tế, HDV du lịch nội địa, HDV du lịch tại điểm có thẻ HDV du lịch còn thời hạn sử dụng, không phân biệt vị trí chức vụ trong doanh nghiệp hoặc tổ chức quản lý khu du lịch, điểm du lịch, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ khác quy định tại Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg và chính sách hỗ trợ tại địa phương năm 2021.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục du lịch Việt Nam Nguyễn Lê Phúc: Điểm mới nổi bật nhất của gói hỗ trợ năm nay là cắt giảm tối đa thủ tục hành chính. Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg đã đơn giản hóa tối đa hồ sơ, thủ tục để tạo điều kiện cho HDV du lịch được nhận hỗ trợ, như: Đơn giản hóa thủ tục đề nghị hỗ trợ với quy định 1 cửa tiếp nhận và giải quyết hồ sơ cho HDV du lịch là Sở Du lịch/ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch; đơn giản hóa hồ sơ đề nghị chỉ gồm 2 loại giấy đề nghị và hợp đồng lao động hoặc thẻ hội viên; cắt giảm thời gian thẩm định đến mức tối đa 4 ngày; hình thức nhận hỗ trợ là trực tiếp chuyển vào tài khoản của HDV.

Bên cạnh gói hỗ trợ của Chính phủ, các địa phương cũng có những chính sách riêng để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Vì vậy, HDV du lịch cần lưu ý quy định tại khoản 6 Điều 44 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg, nếu đủ điều kiện hưởng chính sách quy định tại Quyết định này và chính sách hỗ trợ của địa phương thì chỉ được hưởng một chính sách hỗ trợ cao nhất”, ông Nguyễn Lê Phúc thông tin.

Về cách thức, thời gian và địa điểm thực hiện: HDV du lịch có nhu cầu hỗ trợ gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến Sở Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch nơi cấp thẻ cho HDV du lịch. Thời gian tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết ngày 31/1/2022.

Hiện nay, nhiều tỉnh/thành đã thống kê số lượng, thậm chí có địa phương đã chi trả hỗ trợ HDV du lịch có nhu cầu hỗ trợ. Tại Ninh Bình, hết tháng 7/2021 đã rà soát được 223 HDV du lịch. Tỉnh Lào Cai cũng đã chi hỗ trợ cho 32 người hoạt động nghệ thuật và HDV du lịch. Yên Bái đang thực hiện thủ tục hỗ trợ cho 2 HDV du lịch. Tỉnh Thanh Hóa đã thống kê được 295 người hoạt động nghệ thuật và hướng dẫn viên du lịch mất việc làm… Các đơn vị đang rà soát cụ thể để báo cáo UBND tỉnh quyết định hỗ trợ.

Mùa du lịch năm nay, doanh nghiệp chỉ còn trông chờ nốt vào tháng 8 và 9 – tháng cuối trong mùa cao điểm khách nội địa, bằng không thì cố vớt vát vào thị trường khách hội thảo, hội nghị cuối năm. Tuy nhiên, mọi hy vọng đều rất mong manh.

Nguồn: congthuong.vn