Vì sao doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8 giảm 57%?

09:39:45 | 3/9/2021

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 8/2021, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020. Sự sụt giảm này có 2 nguyên nhân, bao gồm giãn cách xã hội và 15 ngày tháng 8 dương lịch trùng với tháng 7 (tháng Ngâu).

Cụ thể, tháng 8 có 5.761 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 67.956 tỷ đồng, giảm 57% về số doanh nghiệp và 76,5% về số vốn đăng ký so với năm ngoái.

Không chỉ giảm so với cùng kỳ năm 2020, số doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký cũng giảm lần lượt 34,1% và giảm 44,6% so với tháng trước. Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đây là số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký thành lập trong tháng thấp nhất giai đoạn 2016-2021. Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8/2021 chỉ bằng một nửa so với mức trung bình tháng 8 của giai đoạn 2016-2020.


Số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 8/2021 giảm mạnh

Lý giải về điều này, đại diện Cục Quan lý đăng ký kinh doanh cho biết, có 2 nguyên nhân dẫn đến số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và số vốn đăng ký giảm mạnh trong tháng 8/2021, bao gồm: Thứ nhất, tình hình dịch Covid-19 phức tạp dẫn đến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng nặng nề đến việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp, trong đó nhiều địa phương có số lượng doanh nghiệp lớn thực hiện giãn cách xã hội như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai... Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai thực hiện giãn cách từ ngày 9/7/2021, thành phố Cần Thơ, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An... thực hiện giãn cách từ ngày 19/7 và Hà Nội từ ngày 24/7.

Nguyên nhân thứ 2, trong kỳ báo cáo tháng 8/2021 có 15 ngày trùng với tháng 7 âm lịch (tháng Ngâu). Theo thống kê hàng năm thì số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong các tháng 7 âm lịch thường thấp hơn so với các tháng trong năm.

Bên cạnh số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới giảm, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong tháng 8/2021 cũng ghi nhận giảm mạnh so với cùng kỳ 2020. Cụ thể, trong tháng cả nước có 6.441 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 3.118 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng 0,5%; 2.511 doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể, giảm 26,7%; 812 doanh nghiệp đã giải thể, chấm dứt tồn tại, giảm 42,7% so với cùng kỳ 2020.

Tuy vậy, theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, số liệu này có thể chưa phản ánh được thực sự số doanh nghiệp thực tế rút lui khỏi thị trường, bởi lẽ, trong điều kiện nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp mặc dù đã ngừng hoạt động nhưng không thể thực hiện các thủ tục liên quan đến việc rút lui khỏi thị trường như: Không họp được hội đồng thành viên, không ký được các giấy tờ, không xử lý được các vấn đề về thủ tục thuế, thanh lý tài sản... và nhiều doanh nghiệp chỉ ngừng rất ngắn hạn khi thực hiện giãn cách xã hội (khoảng 1 - 2 tháng) nên không làm thủ tục tạm ngừng kinh doanh.

Tính chung 8 tháng đầu năm, cả nước có 81.584 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 8% so với cùng kỳ 2020. Đây là lần thứ 2 trong giai đoạn 2016-2021 số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 8 tháng đầu năm giảm, trước đó, năm 2020 có mức giảm 2% so với năm 2019.

Doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng đầu năm là 32.441 doanh nghiệp, giảm 0,6% so với cùng kỳ 2020. Tính chung, tổng số doanh nghiệp mới và doanh nghiệp tái gia nhập thị trường từ đầu năm đến nay là 114.025 doanh nghiệp, giảm 6% so với cùng kỳ 2020. Trung bình mỗi tháng, cả nước có 14.253 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm tiếp tục có sự gia tăng do tác động của dịch bệnh, với 85.508 doanh nghiệp, tăng 24,2% so với cùng kỳ 2020. Địa phương được nghi nhận có số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh với 24.010 doanh nghiệp, chiếm 28,1% số doanh nghiệp rút lui của cả nước, tăng 6,6% so với cùng kỳ 2020.

37,4% số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong 8 tháng đầu năm thuộc lĩnh vực bán buôn, bán lẻ; sửa chữa ô tô, xe máy; 13,6% thuộc lĩnh vực xây dựng và lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 11,7%.

Nguồn: congthuong.vn