07:59:56 | 9/9/2021
Chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đã nhấn mạnh hoạt động tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, đặc biệt đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.
Góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật
Đại hội XIII xác định “Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo”. Đây cũng chính là một trong những nội dung được VCCI chú trọng triển khai trong những năm qua.
Trong Chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII có nhấn mạnh hoạt động tích cực tham gia vào quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, đặc biệt đối với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, có tác động trực tiếp đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh; chủ động thực hiện các nghiên cứu, khảo sát làm cơ sở thực tiễn cho các đề xuất, kiến nghị điều chỉnh, sửa đổi văn bản pháp luật hướng tới mục tiêu hoàn thiện và nâng cao tính ổn định của hệ thống pháp luật, khắc phục kịp thời các chồng chéo của các văn bản pháp luật, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.
Đối với hoạt động góp ý xây dựng pháp luật chính sách, 8 tháng đầu năm 2021, VCCI đã tham gia 17 Ban soạn thảo, tổ biên tập văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp. Trong đó có Luật giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật điện ảnh, Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính… Tham gia 10 Hội đồng thẩm định, thẩm tra các đề xuất/đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo văn bản, phương án cắt giảm điều kiện kinh doanh, trong đó có những văn bản có tác động rất lớn tới doanh nghiệp như: đề xuất xây dựng luật sửa đổi một số điều ở Luật Hải quan, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự, Đề xuất sửa đổi Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Dự thảo Nghị định về thanh toán bằng tiền mặt, Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất...
VCCI cũng tiếp tục vận động các doanh nghiệp, doanh nhân đóng góp ý kiến hoàn thiện pháp luật, cơ chế, chính sách, tổ chức 53 hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các hình thức khác (chủ yếu là các hội nghị trực tuyến) để lấy ý kiến chuyên gia, doanh nghiệp góp ý 96 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật giao dịch điện tử (sửa đổi… VCCI cũng góp ý hàng trăm văn bản khác của các cơ quan, đoàn thể và các địa phương trên cả nước, trong đó có nhiều cơ chế chính sách mang tính chiến lược, dài hạn liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp.
Tăng cường hợp tác, đối thoại để cải thiện môi trường kinh doanh
Chương trình hành động của VCCI thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII cũng đặc biệt chú trọng việc tăng cường hợp tác, đối thoại giữa doanh nghiệp với các cơ quan Nhà nước, đặc biệt là nâng cao hiệu quả quan hệ công tác giữa Chính phủ, các cấp chính quyền với VCCI và cộng đồng doanh nghiệp...
Để hiện thực các hoạt động này, VCCI đã tiến hành hoạt động rà soát chồng chéo pháp luật nhằm rà soát, phân tích các bất cập của quy định pháp luật hiện hành, từ đó kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện quy định pháp luật để xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, thúc đẩy phát triển bền vững. Năm 2021, VCCI tham gia chương trình rà soát và đánh giá quy định của Cục kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025. Tiếp tục thực hiện vai trò là thành viên Ban Thư ký Hội đồng phối hợp giáo dục phổ biến pháp luật Trung ương và Tổ thư ký Chương trình của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp (Chương trình 585). Thành lập Câu lạc bộ Chuyên gia nhằm kết nối các chuyên gia và doanh nghiệp, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động phổ biến pháp luật trên cả nước thu hút đông đảo doanh nghiệp, chuyên gia, luật sư tham gia. Trang web Vibonline.com.vn của VCCI được cập nhật hàng ngày và có thêm gần 1,5 triệu lượt truy cập, đã đăng tải 134 lượt dự thảo văn bản pháp luật kèm theo 70 ý kiến của VCCI để tuyên truyền phổ biến pháp luật, đồng thời tiếp thu các ý kiến góp ý xây dựng pháp luật, chính sách của doanh nghiệp.
Trên cơ sở ý kiến phản ánh của doanh nghiệp, hiệp hội và nghiên cứu của nhóm nghiên cứu Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh Việt Nam 2020” do VCCI thực hiện, các quy định được lựa chọn để phân tích, bình luận trong báo cáo này dựa trên một số tiêu chí có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp tại Việt Nam, có điểm đặc biệt về phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề, hoặc mang tính điển hình về quy trình xây dựng, ban hành. Ngoài ra, Báo cáo cũng đã chọn ra các vấn đề về pháp luật để phân tích, đánh giá. Đây là những vấn đề quan trọng, tác động trực tiếp đến môi trường đầu tư kinh doanh. Vấn đề của báo cáo năm 2020 lựa chọn là “Những vấn đề còn vướng mắc trong các quy định về điều kiện gia nhập thị trường” và “Khung khổ pháp lý cho kinh tế số”. Đồng thời, Báo cáo cũng đánh giá phản hồi và mức độ tiếp thu của cơ quan soạn thảo đối với các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành có sự tham gia góp ý của VCCI. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, tỷ lệ tiếp thu ý kiến góp ý của VCCI năm 2020 của các bộ, ngành là 54,92% (212/386 ý kiến); tỷ lệ này tăng dần đều trong ba năm trở lại đây, cao hơn hẳn so với hai năm trước (44,08% của năm 2019 và 42,51% của năm 2018). Tỷ lệ tiếp thu cao hơn so với tỷ lệ không tiếp thu cho thấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng được cơ quan quản lý nhà nước lắng nghe nhiều hơn, thể hiện tinh thần cầu thị của các nhà hoạch định chính sách.
Đặc biệt, VCCI đã có đánh giá bước đầu về thực trạng chất lượng các công văn và thông tư do các bộ, ngành ban hành gây khó cho doanh nghiệp trong quá trình thực thi pháp luật qua Hội thảo trực tuyến “Chất lượng của thông tư và công văn – Góc nhìn từ doanh nghiệp”. Theo đánh giá của VCCI, nội dung nhiều thông tư quy định thiếu rõ ràng, tạo cách hiểu không nhất quán giữa các cơ quan áp dụng, một số thông tư không thống nhất với nghị định… Với những đánh giá sơ bộ trên về chất lượng thông tư và công văn từ góc nhìn doanh nghiệp, VCCI đưa ra 6 kiến nghị: cần sự chuyên nghiệp trong quá trình soạn thảo thông tư, kiểm soát và chống xung đột, cài cắm lợi ích; nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan “gác cửa” chất lượng thông tư, phải có cơ chế phản hồi nhanh về chất lượng thông tư; tăng cường tham vấn, cơ chế thực tế để doanh nghiệp tham gia, có tiếng nói thực chất hơn vào quá trình soạn thảo thông tư. Liên quan đến công tác hậu kiểm, VCCI kiến nghị cần giám sát việc ban hành thông tư, đánh giá tác động chính sách từ thông tư, thu thập kịp thời thông tin về vướng mắc thực thi; gắn trách nhiệm cá nhân với những thông tư có vấn đề, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, kinh tế.
Một trong những hoạt động được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá cao trong 16 năm qua chính là việc VCCI phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thực hiện báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI. PCI góp phần tạo ra sự thay đổi tư duy, giúp các địa phương nhận ra tầm quan trọng của cải cách hành chính, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế trong thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc