09:15:39 | 18/11/2021
Dữ liệu số giúp chúng ta thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và kể cả các hoạt động đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt trong thời gian phong tỏa khó khăn nhất.
Ngày 16/11/2021 tại Hà Nội, Hội nghị Dữ liệu mở châu Á năm 2021 được tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, chủ trì bởi Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA), Tổ chức Đối tác Dữ liệu mở Châu Á (AODP), Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (AVU&C), và tổ chức bởi Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS), Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức truyền thông số (CRC), và Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (NISCI). Sự kiện được đồng hành bởi Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).
Đây cũng là đầu tiên Việt Nam chủ trì tổ chức Hội nghị Đối tác dữ liệu mở châu Á 2021.
Kinh tế Dữ liệu nói chung, Dữ liệu mở nói riêng đang là ‘trái tim’ của nền kinh tế số, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội cho các quốc gia, người dân và doanh nghiệp trên thế giới. Theo báo cáo của Cổng Dữ liệu châu Âu, một sáng kiến của Uỷ ban Châu Âu, trong năm 2019, quy mô thị trường của Dữ liệu mở là 184.45 tỷ Euro và dự kiến có thể đạt khoảng từ 199.51 tỷ đến 334.20 tỷ Euro vào năm 2025. Phần lớn, các Chính phủ trên thế giới sử dụng dữ liệu mở để triển khai các giải pháp nhằm cải thiện hoạt động của chính phủ, nâng cao quyền của người dân, tạo ra các cơ hội phát triển, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Hiện nay, xu hướng khai thác dữ liệu mở mà các nước trên thế giới đang hướng đến bao gồm: (i) Thương mại hóa dữ liệu mở và phát triển ngành công nghiệp dịch vụ dữ liệu; (ii) Dữ liệu mở để phát triển công nghệ số; (iii) Hợp tác trong hiệp định kinh tế số toàn diện.
Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, dưới tác động của đại dịch COVID-19, tầm quan trọng của chia sẻ dữ liệu đáng tin cậy càng được nâng cao trong việc củng cố niềm tin của người dân vào năng lực quản trị của chính quyền.
Phân tích về dữ liệu số, mà đặc biệt là dữ liệu mở, ông Lê Quang Huy - Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, công nghệ số với vai trò trung tâm là dữ liệu số sẽ giúp chúng ta có thể phát triển kinh tế - xã hội, hướng tới thịnh vượng chung. Nhưng đồng thời cũng giúp hóa giải những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt. Dữ liệu số có thể giúp chúng ta chăm sóc sức khỏe nhân dân tốt hơn, dữ liệu số có thể giúp chúng ta quản lý dịch bệnh, quản lý việc tiêm chủng hiệu quả hơn.
Trong thời gian vừa qua, các dữ liệu của cộng đồng quốc tế, trong đó có Việt Nam trong việc nghiên cứu, giải trình trình tự gen của virus SARS-CoV-2. Các dữ liệu về kết quả của tiến trình các bước thử nghiệm, ứng tuyển vắc xin phòng COVID-19 đã giúp chúng ta nhanh chóng có vắc xin phù hợp để thực hiện việc tiêm chủng. Giúp ngăn chặn lây lan của dịch bệnh ngày càng rộng rãi.
Dữ liệu số giúp chúng ta thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội, hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, và kể cả các hoạt động đời sống hàng ngày của người dân, đặc biệt trong thời gian phong tỏa khó khăn nhất.
“Trong xu hướng mở thì có thể nói dữ liệu mở có những đặc trưng hết sức quan trọng đó là: Công khai sử dụng, Tái sử dụng và Không độc quyền. Điều đó có nghĩa rằng cộng đồng có thể khai thác, sử dụng các dữ liệu đó dựa trên giấy phép mở nhưng cũng chính cộng đồng có thể làm gia tăng giá trị của dữ liệu mở. Dữ liệu đó lại được sẻ chia cho cộng đồng. Và dữ liệu mở phát huy giá trị của mình trong quá trình đổi mới sáng tạo có thể nói là không có giới hạn” - ông Lê Quang Huy cho biết.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng cho biết, Việt Nam đã sớm nhận thấy tầm quan trọng của dữ liệu và dữ liệu mở. Gần đây nhất, Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định rất rõ dữ liệu là một loại tài nguyên mới, cơ quan nhà nước mở dữ liệu và cung cấp dữ liệu mở để phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Trên bình diện quốc gia, phát triển dữ liệu mở cần có sự hợp tác liên ngành. Bộ Thông tin và Truyền thông với vai trò điều phối chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đã và đang xây dựng lộ trình, thiết lập các quy chuẩn, tiêu chuẩn dữ liệu bảo đảm dữ liệu của các bộ, ngành, chính quyền từ Trung ương đến địa phương được phân loại và chia sẻ một cách thông suốt, khoa học, đảm bảo an toàn thông tin mạng.
Trên bình diện quốc tế, phát triển dữ liệu mở cũng cần có sự hợp tác liên quốc gia, bởi lẽ kinh tế số là vấn đề toàn cầu. Và nếu coi dữ liệu là mạch máu của nền kinh tế số toàn cầu thì mạch máu dữ liệu này cần được thiết lập dựa trên các khung tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được chấp nhận rộng rãi trên toàn cầu.
“Dữ liệu là một nguồn tài nguyên đặc biệt được sinh ra trong quá trình con người sử dụng công nghệ. Không như tài nguyên trong tự nhiên, tài nguyên dữ liệu càng dùng nhiều càng sinh ra nhiều, càng dùng nhiều càng tạo ra giá trị lớn, càng chia sẻ càng có sự cộng hưởng. Đương nhiên, việc chia sẻ dữ liệu cần thực hiện một cách phù hợp, đảm bảo hài hòa dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia, bảo đảm an toàn thông tin mạng và bảo vệ quyền riêng tư của mỗi cá nhân, phù hợp với quy định của pháp luật mỗi quốc gia. Chỉ có như vậy, những chiến lược, những tiêu chuẩn dữ liệu mới thực sự đi vào cuộc sống, dữ liệu mới phục vụ tạo ra giá trị mới cho người dân và cho doanh nghiệp. Thông qua việc hợp tác khu vực, chúng ta có thể hướng tới xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở toàn diện, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu” – Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Thực tế, khủng hoảng y tế COVID-19 trên toàn cầu đã chứng minh cho cả thế giới sự cấp bách của việc khai thác, truy cập, chia sẻ kiến thức, dữ liệu và thông tin khoa học. Cam kết COVID-19 Mở (Open COVID Pledge) đã phát động nhiều hãng công nghệ lớn như Amazon, Facebook, HP Enterprise, IBM, Intel, Microsoft, .v.v. “mở” công khai khoảng 500.000 bằng sáng chế và nhiều bản quyền để đối phó với COVID-19. Từ các chia sẻ của các diễn giải tại hội nghị có thể thấy, ngoài nguồn dữ liệu chính phủ mở, các bên tư nhân cũng có thể tham gia vào quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu mở khổng lồ để cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội bằng các giải pháp công nghệ.
Dựa trên kinh nghiệm quốc tế, để phát triển Dữ liệu mở, nhất thiết cần sự hợp tác liên ngành, liên quốc gia. Mỗi quốc gia cần có các chính sách và hành lang pháp lý phù hợp để tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của dữ liệu mở, tập trung vào sự tham gia của các bên và nhu cầu sử dụng dữ liệu của họ. Ở cấp độ khu vực, Hợp tác dữ liệu mở chính phủ, đổi mới sáng tạo công nghệ dựa trên dữ liệu cũng như quản trị đạo đức công nghệ số (AI, IoT, Blockchain) đang nhận được nhiều sự quan tâm trên các diễn đàn thảo luận đa phương. Xu thế này thể hiện ở các đối thoại khu vực như APEC, và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Quan trọng hơn, Hợp tác liên quốc gia về phát triển dữ liệu mở chính phủ cũng chính là đối thoại về tiêu chuẩn, giải pháp kỹ thuật và khung pháp lý sao cho vừa bảo đảm tự do lưu thông dòng chảy dữ liệu xuyên quốc gia, vừa bảo đảm an toàn, an ninh, và bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu cá nhân.
Theo ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, riêng đối với trường hợp của Việt Nam, giá trị kinh tế mà các luồng dữ liệu tạo ra thông qua áp dụng các công nghệ kỹ thuật số trong thương mại đạt 81 nghìn tỷ đồng vào năm 2017. Con số này có thể đạt tới 953 nghìn tỷ đồng vào năm 2030. Theo Dự thảo chiến lược dữ liệu phát triển kinh tế số - xã hội số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2025 kinh tế số đóng góp 20% GDP và 100% cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở.
Để thực hiện được mục tiêu đó, kết nối, chia sẻ dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu mở, chính là chìa khóa. Việt Nam đã sớm công nhận tầm quan trọng của dữ liệu mở. Trong Nghị quyết số 52-NQ/TW do Bộ Chính trị ban hành có nhấn mạnh sự cấp thiết “Hoàn thiện pháp luật, chính sách về dữ liệu, quản trị dữ liệu, tạo thuận lợi cho việc tạo dựng kết nối, chia sẻ, và khai thác dữ liệu bảo đảm an toàn, an ninh mạng trong nước, tiến tới kết nối với khu vực ASEAN và quốc tế.”. Đó cũng chính là tinh thần mà Hội nghị Đối tác dữ liệu mở AODP 2021 hướng tới.
“Trong tiến trình chuyển đổi số toàn diện, dữ liệu và ứng dụng dữ liệu đang trở thành phương thức phát triển mới, giúp tối ưu hoá các nguồn lực, phát triển bền vững, góp phần quan trọng đem lại an toàn, tiện ích hơn cho người dân và phát triển kinh tế xã hội phồn vinh, thịnh vượng” – Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam Nguyễn Minh – nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết.
Những năm gần đây, Việt Nam rất tích cực thúc đẩy cho những thay đổi chính sách về đổi mới – sáng tạo công nghệ, đặc biệt là công nghệ số. Có những chính sách chưa có ‘tiền lệ’ và đang thúc đẩy cho những sáng kiến thử nghiệm pháp lý (sandbox) cho những lĩnh vực cụ thể như công nghệ tài chính, công nghệ bảo hiểm. Một sáng kiến cụ thể về khai thác dữ liệu, ví dụ dữ liệu y tế, dữ liệu giao thông, thời tiết – hứa hẹn có thể được hình thành ‘sandbox’ như vậy.
Thu Hà (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI