Hợp tác tiểu vùng ASEAN vì sự phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm

09:44:43 | 1/12/2021

Cùng với quá trình liên kết khu vực được thúc đẩy nhanh và sâu rộng của ASEAN, việc gắn kết và đảm bảo các tiểu vùng theo kịp với tiến trình phát triển chung của khu vực có ý nghĩa đặc biệt.

Tại Diễn đàn cấp cao của ASEAN về hợp tác tiểu vùng được tổ chức ngày 30/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính chỉ ra ba ưu tiên cần thúc đẩy trong hợp tác tiểu vùng. Đầu tiên, người dân làm chủ thể, trung tâm, mục tiêu và động lực cho phát triển. Ưu tiên tiếp theo là tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế giúp nâng cao năng lực, đảm bảo phát triển bền vững ở các tiểu vùng. Các nước ASEAN, các đối tác, nhất là những nước phát triển, các tổ chức khu vực và quốc tế cùng cộng đồng doanh nghiệp cần tích cực ủng hộ, giúp đỡ về tài chính và chuyển giao công nghệ cho những nước đang phát triển ở các tiểu vùng, nhằm bảo tồn nguồn tài nguyên tự nhiên, ứng phó hiệu quả các thách thức. Ưu tiên thứ ba nhấn mạnh sự tăng cường kết nối về hạ tầng, kinh tế và văn hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển, tạo thuận lợi cho cuộc sống người dân và phát triển kinh tế ở các tiểu vùng.

Những định hướng được Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra cũng phù hợp với mối quan tâm và ý kiến chung của nhiều đại biểu tại diễn đàn. Những nội dung hợp tác chủ đạo được thống nhất cần chú trọng là đẩy mạnh kết nối, thúc đẩy hội nhập kinh tế, tăng trưởng xanh, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu, chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực và thúc đẩy du lịch.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, phát triển tiểu vùng có vai trò quan trọng trong tiến trình xây dựng ASEAN và hội nhập quốc tế. Vì vậy, ASEAN cần cân nhắc thúc đẩy tính gắn kết và vai trò trung tâm trong thu hẹp khoảng cách, tận dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên và tính đa dạng của cộng đồng để phát triển bền vững và bao trùm. Các thành viên quốc gia ASEAN đều cam kết thúc đẩy hợp tác tiểu vùng và hướng tới tăng trưởng kinh tế - xã hội bình đẳng trong khu vực. Đồng thời, đánh giá cao các cam kết hỗ trợ cần thiết và tiếp tục hợp tác của các đối tác ASEAN và cộng đồng quốc tế quan trọng của ASEAN.

Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ASEAN đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có do Covid-19 gây ra, tác động tiêu cực đến tất cả các quốc gia, tất cả các doanh nghiệp và tất cả người dân trong khu vực. Tuy nhiên, đại dịch cũng là cơ hội cho sự phát triển của khu vực và tiểu vùng, để các nước đang phát triển thu hẹp khoảng cách với các quốc gia phát triển cũng như thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm.

“Đây là thời điểm thuận lợi để các nước trong khu vực tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng và chuyển đổi kỹ thuật số. Số hóa thúc đẩy liên kết giữa các khu vực và giúp thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế” Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.


Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Ảnh: Nguyễn Long

Ông Phạm Tấn Công đánh giá cao việc thu hút các nguồn lực từ bên ngoài khu vực do việc triển khai các dự án cơ sở hạ tầng và chuyển đổi kỹ thuật số đòi hỏi nguồn đầu tư lớn. Ngoài ra, để các dự án trong lĩnh vực này có hiệu quả, cần có sự đồng hành tích cực của các doanh nghiệp cũng như các chính sách khuyến khích khu vực tư nhân tham gia.

Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh xu hướng phát triển và tăng trưởng ngày nay không thể tách rời yếu tố bền vững và xanh, đồng thời hoan nghênh chính sách khuyến khích các doanh nghiệp theo đuổi môi trường xanh và bền vững, quan tâm đến các nhóm dễ bị tổn thương như phụ nữ, dân tộc thiểu số, các doanh nghiệp khởi nghiệp…

“VCCI đã và đang đóng vai trò rất tích cực trong quá trình này - thông qua việc tổ chức Hội nghị Quốc gia hàng năm về Phát triển Bền vững, Chỉ số Phát triển Bền vững của Doanh nghiệp (CSI); cũng như hợp tác với các tổ chức quốc tế để thực hiện các dự án, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hướng tới tăng trưởng xanh và bền vững”, Chủ tịch VCCI cho biết.

Tại diễn đàn, Báo cáo của ADB cũng đề cao vai trò của các hành lang kinh tế tiểu vùng trong tăng cường kết nối và liên kết kinh tế khu vực; gắn kết nhịp nhàng, hiệu quả giữa các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng cũng như với các kế hoạch phát triển chung của ASEAN, nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh phục hồi từ tác động của đại dịch COVID-19 và đảm bảo thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) 2030.

Các đại biểu hoan nghênh và đánh giá cao vai trò và đóng góp của Việt Nam trong việc thúc đẩy sự hợp tác phát triển ở các tiểu vùng, vì mục tiêu thu hẹp khoảng cách phát triển và phát triển đồng đều, bền vững trong ASEAN. Dự kiến các đề xuất, khuyến nghị của diễn đàn sẽ được tổng hợp, báo cáo lên lãnh đạo cấp cao ASEAN để xem xét, chỉ đạo.

Hương Ly (Vietnam Business Forum)