Đáp ứng nguồn nhân lực cho nền kinh tế số đảm bảo phát triển bền vững

10:57:22 | 26/11/2021

Nền kinh tế số với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang mang lại những thay đổi mạnh mẽ trong phương thức sản xuất của các doanh nghiệp nhờ việc ứng dụng các công nghệ số. Những thay đổi này kéo theo những thay đổi về các yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất, trong đó thay đổi nhiều nhất là lực lượng lao động. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đáp ứng cho nền kinh tế số hiện vẫn chưa sẵn sàng.

Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, kinh tế số bao trùm cho phép mọi người lao động và doanh nghiệp đều có thể đóng góp vào quá trình tăng trưởng và hưởng thành quả tăng trưởng đó. Điều này hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững của chính phủ Việt Nam đặt ra, mà gần đây nhất là Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, hưởng ứng mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Phần lớn DN biết nhưng chưa thể áp dụng 4.0

Theo TS Lương Minh Huân- Viện trưởng Viện Phát triển doanh nghiệp - VCCI, kết quả khảo sát hơn 450 DN thuộc nhiều qui mô, lĩnh vực hoạt động khác nhau do VCCI thực hiện năm 2021 cho thấy, có một khoảng cách khá xa từ nhận thức đến hành động của doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ 4.0. Có tới 80% doanh nghiệp biết về các kỹ năng đặc thù, nhưng chỉ 20% ứng dụng. Các doanh nghiệp nhìn chung còn chậm trễ trong việc chuẩn bị lực lượng lao động cho Công nghiệp 4.0, có 42% chưa có chuẩn bị gì, trong khi chỉ 6% đang thực hiện kế hoạch đào tạo cho Công nghiệp 4.0. Trong khi nhóm kỹ năng mềm được đánh giá là tiếp tục giữ vài trò quan trọng trong khung năng lực 4.0, lao động kỹ thuật chuyên môn đáp ứng nhu cầu Công nghiệp 4.0 đang trong tình trạng thiếu hụt.

Về bức tranh nâng cao năng lực tại doanh nghiệp, 80% doanh nghiệp hiện đang chủ động đào tạo, thì chủ yếu là nâng cao tay nghề (65,1%), đào tạo cho lao động chưa có kỹ năng (57,6%), ít đào tạo kỹ năng mới (46,1%) và nhất là kỹ năng chuyên biệt cho Công nghiệp 4.0 rất hạn chế (17,6%). Điều này khá lô-gic với mức độ tham gia còn hạn chế vào chuỗi cung ứng toàn cầu và chuyển đổi số của các Doanh nghiệp Việt Nam.

Về sự tham gia của các tổ chức xã hội, tham vấn sâu 20 tổ chức đi đầu trong lĩnh vực này cho biết tiềm năng của các tổ chức xã hội chưa được khai thác trong việc lấp đầy khoảng trống về nâng cao năng lực cho Công nghiệp 4.0 giúp tối ưu hóa nguồn lực xã hội. Cụ thể là đối với các nhóm lao động thuộc khu vực phi chính thức, khu vực tự do và nhóm yếu thế, các tổ chức xã hội chính là chủ thể đang tiếp cận và cung cấp các nội dung và chủ đề mà các chủ thể cung cấp dịch vụ khác chưa quan tâm, như các kỹ năng đặc thù giúp người lao động tự bảo vệ các quyền của mình trong Công nghiệp 4.0. Vì chưa có các cơ chế chính sách thúc đẩy phù hợp, tiềm năng đóng góp và thế mạnh của các tổ chức xã hội chưa phát huy thỏa đáng.

Đáng chú ý, theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, cách mạng 4.0 đang tạo ra sự gián đoạn kép đối với thị trường lao động và cơ cấu lao động, do đòi hỏi các yêu cầu cao về các kỹ năng mới. Dự báo khoảng 5 - 10 năm tới, sẽ có khoảng 50% máy móc thay thế con người vận hành sản xuất, kinh doanh và các qui trình quản trị, khiến khoảng 1 tỷ người lao động trên toàn cầu sẽ bị thiếu các kỹ năng đáp ứng do chưa thể bắt kịp xu thế của công nghệ.

Chú trọng công tác đào tạo nhân lực

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, đại dịch Covid-19 đã tạo ra những khó khăn chưa từng có đối với phần đông người lao động và cả cộng đồng doanh nghiệp, cộng hưởng với những thách thức vô cùng lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đã đặt ra những đòi hỏi và yêu cầu chưa từng có tiền lệ, vô cùng khó khăn đối với từng người lao động trong hiện tại và trong tương lai. “Chỉ có nhanh chóng thay đổi tư duy, bắt kịp về nhận thức, nâng cao năng lực bản thân, tiệm cận nhanh nhất với hơi thở của thực tiễn mới giúp người lao động vững vàng trong công việc, chủ động trong cuộc sống và “không bị bỏ lại phía sau”, ông Hiểu khẳng định.

Theo nghiên cứu của VCCI, một mặt những lao động mang tính chất giản đơn, lắp ráp sẽ dần được thay thế bằng máy móc, rô bốt, mặt khác những lao động thích nghi được sẽ cần thêm các kỹ năng mới phù hợp với các phương thức sản xuất trong công nghiệp 4.0. Chính vì vậy, một trong những yêu cầu đặt ra đối với các quốc gia là cần có chiến lượng đào tạo và đào tạo lại lực lượng lao động.

Để thực hiện chiến lược này, ngoài vai trò của các cơ quan nhà nước, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì vai trò của các doanh nghiệp sẽ ngày càng trở nên quan trọng. Sự tham gia của doanh nghiệp với vai trò của người sử dụng lao động trong đào tạo không chỉ góp phần giảm bớt gánh nặng cho nhà nước về đầu tư cơ sở vật chất, mà còn giúp định hướng, đào tạo những lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường, nhất là đáp ứng những yêu cầu về thay đổi trong sản xuất của công nghiệp 4.0.

Trong đó, theo VCCI, chính sách được nhiều doanh nghiệp cho rằng sẽ làm thay đổi tích cực sự tham gia của doanh nghiệp vào đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho người lao động phục vụ CN 4.0 đó là xây dựng khung tiêu chuẩn kỹ năng nghề đáp ứng CN 4.0 và thiết kế, đổi mới chương trình đào tạo kỹ năng nghề tích hợp nội dung CN 4.0. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn nhà nước quan tâm đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao và các ngành, nghề trọng điểm và thay đổi cơ chế quản lý để các cơ sở đào tạo có quyền tự chủ nhiều hơn.

Bên cạnh đó, giải pháp các cơ sở đào tạo cần làm nhất là nâng cao năng lực đào tạo, đi kèm với đó là gắn kết đào tạo lao động với nhu cầu thị trường theo hướng CN 4.0 để đảm bảo học viên sau đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động...

Về phần doanh nghiệp, cần xây dựng chiến lược và phân bổ nguồn lực cho đào tạo lao động, chủ động phối hợp với cơ sở đào tạo trong cập nhật các tiêu chuẩn nghề nghiệp mới, cập nhật công nghệ mới, đặc biệt trong bối cảnh CN 4.0. Người đứng đầu trong doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về ích lợi có được từ liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo, cung cấp nhu cầu về năng lực của lao động để làm cơ sở xác định chuẩn đầu ra cho đào tạo cũng khiến kết quả đào tạo đi đúng hướng, đáp ứng đúng nhu cầu của DN, hạn chế việc phải đào tạo lại lao động.

Đáng chú ý, việc thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức trung gian là một mắt xích quan trọng trong quá trình này. Nghiên cứu của VCCI cho thấy, nhiều doanh nghiệp rất mong các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế có thêm nhiều các buổi hội thảo, tập huấn liên quan đến cơ hội và thách thức của doanh nghiệp trong bối cảnh CN 4.0, hỗ trợ doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nâng cao năng lực đào tạo cho người lao động, nhất là các kỹ năng xã hội, cập nhật các mô hình, khung kỹ năng mới theo các tổ chức quốc tế.

Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)