10:18:16 | 3/12/2021
Ngày 03/12/2021, Chi nhánh VCCI tại Nghệ An phối hợp với Sở Tư pháp tỉnh Nghệ An tổ chức Lớp tập huấn trực tuyến “Cập nhật các Quy định pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, Nghị định 80/2021/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa - Giải đáp vướng mắc cho doanh nghiệp”.
Tham dự Tập huấn có ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (tại điểm cầu Hà Nội); bà Hoàng Thị Hà – Phó Trưởng phòng Xây dựng và Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, ông Phan Duy Hùng – Trưởng phòng Truyền thông và Đối ngoại Chi nhánh VCCI tại Nghệ An cùng gần 100 đại diện các doanh nghiệp, đơn vị tại địa phương tham gia.
Phát biểu khai mạc, ông Phan Duy Hùng khẳng định tầm quan trọng của các chính sách Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT) và Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Đó là những chính sách lớn, trụ cột chính của hệ thống bảo đảm an sinh xã hội. Các chính sách đó đã được Đảng và Nhà nước ta coi trọng và từng bước điều chỉnh để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và sự phát triển của đất nước. “Hiện nay, hành lang pháp lý về BHXH đã khá đầy đủ và được thể chế hóa bằng Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm nhằm thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng về phát triển BHXH, BHTN tới mọi người lao động và BHYT toàn dân, hướng tới mục tiêu an sinh xã hội toàn dân”, ông Hùng nói.
Tại Lớp tập huấn, ông Trần Hải Nam - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã truyền đạt những nội dung quan trọng: Tổng quan chính sách pháp luật và cập nhật những quy định mới về BHXH, một số vấn đề lưu ý khi thực hiện chính sách BHXH theo Bộ Luật lao động 2019, Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/08/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và một số chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP và Quyết định 23/2021/QĐ-TTG (đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021 và Quyết định số 33/2021/QĐ-TTg ngày 06/11/2021 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ).
Theo đó, các nội dung hỗ trợ như giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ ngày 01/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 06 tháng kể từ thời điểm nộp hồ sơ đề nghị; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động với mức hỗ trợ tối đa 1.500.000 đồng/tháng, tối đa 06 tháng; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 với số tiền 1.855.000 đồng/người thời điểm bắt đầu tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động/nghỉ việc không hưởng lương từ 15 ngày liên tục trở lên đến dưới 01 tháng và 3.710.000 đồng/người nghỉ 01 tháng trở lên; hỗ trợ người lao động ngừng việc 1.000.000 đồng/người tại tháng người lao động ngừng việc hoặc tại tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động 3.710.000 đồng/người từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đang tham gia BHXH bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật…; hỗ trợ với người F0 80.000 đồng/người/ngày tối đa 45 ngày theo thời gian điều trị thực tế và người F1 tối đa 21 ngày kể từ ngày 27/4/2021 đến hết ngày 31/12/2021; hỗ trợ đối với 02 đối tượng với số tiền 3.710.000 đồng/người từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021: Đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, hoạ sỹ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) và hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch; hỗ trợ hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh 3.000.000 đồng/hộ, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên; hỗ trợ cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/3/2022 với lãi vay 0% mà không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay vay vốn tại ngân hàng Chính sách xã hội, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng; hỗ trợ đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Cũng tại Lớp tập huấn, các học viên tham dự đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực và những câu hỏi liên quan tới nội dung mà họ quan tâm, như: Người lao động là F1 đi cách ly tập trung nhưng xin không nộp tiền để đóng BHXH liên tục thì có được hưởng gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68/NQ-CP không; tỷ lệ chi trả bảo hiểm và phân phối tài chính doanh nghiệp được xác định như thế nào; ký hợp đồng dịch vụ với cá nhân cung cấp dịch vụ vệ sinh, dịch vụ bảo vệ, dịch vụ lái xe thời hạn 1 năm thì các cá nhân có thuộc phạm vi bắt buộc đóng BHXH hay không; doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng lao động với một cá nhân đại diện cho nhóm cá nhân xây nhà trong thời hạn 03 tháng thì cá nhân đó có phải đóng BHXH không?… Các ý kiến, câu hỏi trên đã được các diễn giả, chuyên gia ghi nhận, đánh giá cao và trả lời đầy đủ, ngắn gọn.
Phan Duy Hùng (Chi nhánh VCCI Nghệ An)
10/12/2024
Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI