Tầm nhìn, sứ mệnh mới của VCCI

13:31:15 | 28/12/2021

Trong 2 ngày 30 và 31/12/2021, Đại hội Đại biểu Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII sẽ diễn ra trực tiếp tại điểm cầu Hà Nội, trụ sở VCCI, số 9 Đào Duy Anh, Hà Nội và trực tuyến tại các Chi nhánh VCCI trên toàn quốc, thu hút khoảng 450 đại biểu chính thức và 100 đại biểu khách mời.

Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, tầm nhìn của VCCI là doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia hưng thịnh. Sứ mệnh là phải liên kết và thực hiện để đến năm 2045 góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển theo mục tiêu tổng quát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây là những vấn đề lớn nhất trong tầm nhìn của VCCI.

Bên cạnh đó, phương thức hoạt động của VCCI cũng thay đổi. Đó là giữ vai trò trung tâm liên kết quốc gia, các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp. Hỗ trợ các hiệp hội phát triển, thông qua các hiệp hội xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh.

Nâng tầm vị thế và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp

Hơn 58 năm qua, chưa bao giờ VCCI có được vị thế như ngày nay: năng động trong thúc đẩy cải cách, xông xáo trong hội nhập, tiên phong trong liên kết hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. VCCI đã phát huy tốt vai trò là động lực thúc đẩy cải cách thể chế và trung tâm liên kết phát triển doanh nghiệp ở Việt Nam, được đánh giá là một trong những Phòng Thương mại và Công nghiệp năng động nhất ở các nước đang phát triển.

Nếu như trong giai đoạn chiến tranh, VCCI đảm đương hai nhiệm vụ quan trọng: thúc đẩy quan hệ của doanh nghiệp, của nền kinh tế VN với quốc tế và tham gia vào công cuộc đấu tranh pháp lý và chính trị chống bao vây, phong toả kinh tế; thì trong thời kỳ hoà bình, đặc biệt là từ khi thực hiện công cuộc đổi mới, chuyển sang cơ chế kinh tế thị trường, VCCI đã tập trung đóng góp vào việc tạo lập những nền tảng ban đầu của môi trường kinh doanh mới, phát triển cộng đồng doanh nghiệp, đồng thời tham gia tích cực vào nỗ lực mở cửa nền kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư, hội nhập kinh tế quốc tế. VCCI hiện nay là tổ chức quốc gia có chức năng đại diện để thúc đẩy và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; Thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. Với các đóng góp quan trọng cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, VCCI đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.

Ông Phạm Tấn Công cho rằng, muốn đất nước tiến tới sánh vai cùng các quốc gia phát triển vào năm 2045 như mục tiêu của Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra thì giới doanh nhân, cộng đồng DN cũng phải sánh ngang với giới doanh nhân, DN các nước về mọi mặt, không chỉ là vốn liếng, công nghệ hay sản phẩm, mà phải cả về văn hoá, lối sống, đạo đức kinh doanh và uy tín xã hội. Đây là một mục tiêu lớn đầy thách thức mà VCCI có sứ mệnh phải dẫn dắt, thúc đẩy, hỗ trợ giới doanh nhân, DN VN đạt cho được.

Bên cạnh những mục tiêu, nhiệm vụ dài hạn và các nhiệm vụ thường xuyên, VCCI chú trọng thực hiện tốt những nhiệm vụ cấp bách, trong đó tước tiên là đồng hành cùng DN vượt qua đại dịch COVID-19.

“Do ảnh hưởng của dịch, có nhiều DN phải rời khỏi thị trường, chuỗi sản xuất bị đứt gãy, tổn thất của cộng đồng DN là vô cùng lớn và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của nước ta trong chuỗi sản xuất toàn cầu. Vì vậy, hỗ trợ, đồng hành cùng cộng đồng DN vượt qua khó khăn lúc này là nhiệm vụ cấp bách mà VCCI cần dốc toàn lực để thực hiện”, ông Phạm Tấn Công đã từng chia sẻ.

Bởi vậy, từ tháng 9/2021, VCCI đã ra mắt Hội đồng Hợp tác Doanh nghiệp ứng phó COVID-19 - một cơ chế đặc biệt nhằm kết nối các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan, tổ chức ở Trung ương, địa phương và quốc tế để cùng hợp sức ứng phó với đại dịch COVID-19. Qua đó, hạn chế thấp nhất những tổn thất có thể xảy ra; đồng thời, duy trì hoạt động vận hành của doanh nghiệp, bảo vệ doanh nghiệp, người lao động và các hoạt động kinh tế; đồng thời góp sức vào cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 của cả nước. Từ nay các doanh nghiệp đã có địa chỉ để kịp thời phản ánh, kiến nghị những khó khăn, vướng mắc, các vấn đề liên quan đến dịch bệnh COVID-19 và hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời nhận được sự hướng dẫn, hỗ trợ trong ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Hội đồng cũng tạo cầu nối cho các doanh nghiệp hợp tác cùng nhau chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, biện pháp ứng phó với các tác động từ dịch bệnh COVID-19, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, duy trì thị trường.

6 nhiệm vụ trọng tâm với 3 đột phá

Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ VI, 2015-2020 và phương hướng nhiệm vụ công tác nhiệm kỳ VII, 2021-2026 đã xác định 7 phương hướng công tác nhiệm kỳ  2021-2026 bao gồm: Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; Tăng cường vai trò của VCCI trong liên kết ngành, liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng; Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh kết nối và phát triển hiệp hội doanh nghiệp theo ngành nghề, quy mô; Thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số thực chất và toàn diện trong doanh nghiệp; Tăng cường vai trò của tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động; Đổi mới và tổ chức phương thức hoạt động của VCCI trên tinh thần chủ động, sáng tạo, định hướng và lan tỏa trong các hoạt động hỗ trợ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.

Nhằm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ của VCCI đã đề ra 6 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm.

Một là, chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh. Trong đó chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, góp ý xây dựng pháp luật chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, cải thiện môi trường truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Hai là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó bao gồm các giải pháp thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững, tăng cường hoạt động hỗ trợ DNNVV; Thúc đẩy sáng kiến và tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ; Tăng cường liên kết giữa các DNNVV với doanh nghiệp đầu ngành; Thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp. 

Ba là, tăng cường hoạt động kết nối hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên, trong đó chú trọng thực hiện một số giải pháp, như phát triển và kết nối hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp, nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực giới sử dụng lao động…

Bốn là, phát triển đội ngũ doanh nhân, tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, trong đó có các giải pháp cụ thể là xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân ngang tầm sứ mệnh, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Năm là, tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tận dụng tốt các cơ hội để các Hiệp định thương mại tự do bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp tăng tính thích ứng trong quá trình hội nhập.

Sáu là, đổi mới tổ chức phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của VCCI, trong đó chú trọng các giải pháp kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động của Ban Chấp hành, hoàn thiện hệ thống các quy chế quản trị nội bộ, nghiên cứu và vận dụng xu hướng đổi mới mô hình và cơ chế quản trị của các Phòng thương mại trên thế giới. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành quản trị nội bộ. Thực hiện chiến lược truyền thông, xây dựng hình ảnh của VCCI gắn liền với cộng đồng doanh nhân…

Đồng thời, VCCI cũng xác định 3 đột phá chiến lược. Đó là: tham gia sâu và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tạo sức hút cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài và động lực cho việc thành lập phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh. Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân Việt Nam, trở thành nền tảng tinh thần mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp; Thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh. Tập trung hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ số, các ngành có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn an ninh mạng, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, nông nghiệp số...

Anh Mai (Vietnam Business Forum)

(Loạt bài Chào mừng Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần VII)