14:45:22 | 23/12/2021
Ngày 23/12/2021, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Tập đoàn Facebook (Nay là Tập đoàn Meta) và Liên minh HTX tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội thảo trực tuyến “Các giải pháp phục hồi kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp ngành chè trong nền kinh tế số tại Thái Nguyên”.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Trần Thị Thanh Tâm – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đề cập: “Để thích ứng linh hoạt với tình hình mới, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, việc các doanh nghiệp ngành chè chủ động đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ, công nghệ số, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị, đảm bảo nguồn cung nguyên liệu an toàn và sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn quy định về chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu là một trong những hướng đi và giải pháp cần thiết để phát triển bền vững ngành chè trong thời gian tới”.
Để đạt mục tiêu đến năm 2025 diện tích chè được chứng nhận an toàn lên 55% và đến năm 2030 khoảng 75%; nâng tỷ lệ chè chất lượng cao lên 30% vào năm 2025 và 50% vào năm 2030; kiểm soát được chất lượng vật tư đầu vào như giống, phân bón và đặc biệt là thuốc bảo vệ thực vật; 100% số cơ sở sản xuất chè được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định; giá trị xuất khẩu đạt 300 triệu USD vào năm 2025 và 400 triệu năm 2030,… các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn cần thực hiện tốt công tác quản lý diện tích chè nguyên liệu, đảm bảo diện tích chè hiện có. Cùng với đó, các địa phương, DN ngành chè cần chủ động ứng dụng công nghệ số, triển khai các dự án khoa học - công nghệ, khuyến nông phục vụ sản xuất, chế biến chè an toàn.
Là một trong những vùng trọng điểm chè của cả nước, hiện nay toàn tỉnh Thái Nguyên có 22.400 ha chè, đã cho thu hoạch, năng suất bình quân trên 123,7 tạ/ha, sản lượng đạt trên 244.400 tấn. Sản phẩm chè đã trở thành đặc sản nổi tiếng của Thái Nguyên và kỷ lục quốc tế dành cho "Top các đặc sản quà tặng có giá trị ở châu Á và Quốc tế". Không chỉ phân phối và tiêu dùng ở thị trường nội địa, chè Thái Nguyên hiện đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới như Nga, Mỹ, Nhật Bản, Canada, các nước Châu Âu, các nước vùng Trung Đông...
Mặc dù vậy, theo bà Vũ Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch Liên Minh hợp tác xã tỉnh Thái Nguyên, việc phát triển cây chè ở Thái Nguyên vẫn còn nhiều khó khăn nhất định, nhất là diện tích chè sản xuất theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, UTZ Certified, hữu cơ còn thấp và chỉ chiếm 20% trong tổng số toàn tỉnh. Việc đầu tư phát triển cây chè, chế biến chè phần lớn vẫn là kinh tế hộ, chưa thu hút được nhiều nguồn vốn từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào sản xuất, đặc biệt là đầu tư vào chế biến. Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chè chưa thực sự quan tâm đến việc nâng cao chất lượng sản phẩm, do đó giá chè nguyên liệu xuất khẩu chỉ đạt từ 4 – 4,5 USD/kg. Các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, xúc tiến đầu tư còn hạn chế.... Nhằm khắc phục những hạn chế này, tiếp tục phát triển cây chè một cách bền vững, nâng cao giá trị, tỉnh Thái Nguyên đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng tăng đầu tư, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của cây chè trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến.
Ông Ruici Tio, Quản lý Chương trình Chính sách, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Tập đoàn Facebook (Nay là Tập đoàn Meta) chia sẻ tự hào là đối tác lâu năm của Trung tâm hỗ trợ DNNVV (SME-PC), VCCI thực hiện chương trình Boost with Facebook tại Việt Nam từ năm 2017 đến nay. “Hội thảo tại Thái Nguyên là chương trình tập trung đầu tiên dành riêng cho ngành chè mà chúng tôi thực hiện và qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này chuyển đổi trực tuyến, ứng dụng các công cụ số để đổi mới và thử nghiệm các ý tưởng mới, đồng thời tận dụng sức mạnh của việc xác định đối tượng chính xác thông qua quảng cáo để tiếp cận khách hàng mới và xuất khẩu ra thị trường quốc tế” - ông Ruici Tio cho biết.
Hội thảo đã thu hút sự tham dự của hơn 100 đại biểu từ các cơ quan chính quyền địa phương, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và các doanh nghiệp ngành cà phê trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp ngành chè đang rất quan tâm tìm kiếm các giải pháp để phục hồi và phát triển kinh doanh trong giai đoạn hiện nay, và các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi cho các diễn giả liên quan đến các cách phát triển doanh nghiệp trong nền kinh tế số và ứng dụng công nghệ số để phục hồi sản xuất kinh doanh; các giải pháp về mở rộng thị trường, tiếp cận khách hàng trong giai đoạn hiện nay; chiến lược phát triển ngành chè của Việt Nam trong thời gian tới...
Đây là năm thứ 5, Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa – VCCI hợp tác với Tập đoàn Facebook (Nay là Tập đoàn Meta) triển khai Chương trình Boost with Facebook tại Việt Nam.
D.B (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI