Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng là sứ mệnh của VCCI

14:25:01 | 30/12/2021

Sứ mệnh của VCCI là phải liên kết và thực hiện để đến năm 2045 góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển theo mục tiêu tổng quát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.


Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh tại cuộc họp Ban Chấp hành VCCI Kỳ họp thứ 15, khóa VI để đánh giá tình hình kinh tế, doanh nghiệp, môi trường kinh doanh và hoạt động của VCCI năm 2021; Thảo luận các nội dung liên quan đến việc chuẩn bị tổ chức Đại hội VCCI khóa VII, nhiệm kỳ 2021-2026; Xem xét và quyết định một số công tác khác của VCCI, ngày 13/12.

Tầm nhìn, sứ mệnh mới của VCCI

Đánh giá về Dự thảo báo cáo chính trị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, về cơ bản vẫn giữ nguyên nhưng làm rõ thêm một số nội dung ở phần phương hướng nhiệm vụ để phù hợp với Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phù hợp với yêu cầu, bối cảnh mới trong 5 năm tới, đó là xác định “hậu” COVID-19 là yếu tố, tác nhân quan trọng nên phải điều chỉnh.

Báo cáo cũng đưa ra tầm nhìn và sứ mệnh mới của VCCI. Theo đó, "Tầm nhìn là doanh nghiệp vững mạnh, quốc gia thịnh vượng. Sứ mệnh là phải liên kết và thực hiện để đến năm 2045 góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển theo mục tiêu tổng quát Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đây là những vấn đề lớn nhất trong tầm nhìn của VCCI” – Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

Báo cáo cũng hoàn thiện với 7 phương hướng công tác nhiệm kỳ bao gồm: Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi; Tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam; Tăng cường vai trò của VCCI trong liên kết ngành, liên kết theo chuỗi giá trị, liên kết vùng; Phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tổng hợp của doanh nghiệp Việt Nam, đẩy mạnh kết nối và phát triển hiệp hội doanh nghiệp theo ngành nghề, quy mô; Thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số thực chất và toàn diện trong doanh nghiệp; Tăng cường vai trò của tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động' Đổi mới và tổ chức phương thức hoạt động của VCCI trên tinh thần chủ động, sáng tạo, định hướng và lan tỏa trong các hoạt động hỗ trợ và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp.

Những giải pháp trọng tâm

Nhằm đạt được các mục tiêu và chỉ tiêu đề ra, báo cáo công tác nhiệm kỳ đề ra 6 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm.
Một là, chủ động, tích cực tham gia xây dựng pháp luật chính sách, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh. Trong đó bao gồm các giải pháp cụ thể, đó là nâng cao chất lượng hoạt động, góp ý xây dựng pháp luật chính sách. Thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, cải thiện môi trường truyền thông hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Hai là, đẩy mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, trong đó bao gồm các giải pháp thúc đẩy các sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Tăng cường hoạt động hỗ trợ DNNVV. Thúc đẩy sáng kiến và tăng cường hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp do nữ làm chủ. Tăng cường liên kết giữa các DNNVV với doanh nghiệp đầu ngành. Thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, hỗ trợ hiệu quả hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp.

Ba là, tăng cường hoạt động kết nối hỗ trợ phát triển hiệp hội doanh nghiệp và hội viên, trong đó chú trọng thực hiện một số giải pháp, như phát triển và kết nối hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp, nâng cao năng lực các hiệp hội doanh nghiệp, hỗ trợ nâng cao năng lực giới sử dụng lao động. Phát triển hội viên và nâng cao chất lượng hỗ trợ hội viên. Tăng cường liên kết vùng và hợp tác với chính quyền địa phương trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp.

Bốn là, phát triển đội ngũ doanh nhân, tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, trong đó có các giải pháp cụ thể là xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nhân ngang tâm sứ mệnh, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam.

Năm là, tăng cường kết nối và nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, với các giải pháp trọng tâm là tăng cường kết nối doanh nghiệp Việt Nam với cộng đồng kinh doanh quốc tế. Tận dụng tốt các cơ hội để các Hiệp định thương mại tự do bảo vệ và hỗ trợ doanh nghiệp tăng tính thích ứng trong quá trình hội nhập.

Sáu là, đổi mới tổ chức phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả hoạt động của VCCI, trong đó chú trọng các giải pháp kiện toàn và đổi mới phương thức hoạt động của Ban Chấp hành. Hoàn thiện hệ thống các quy chế quản trị nội bộ, nghiên cứu và vận dụng xu hướng đổi mới mô hình và cơ chế quản trị của các Phòng thương mại trên thế giới.

Xây dựng nguồn nhân lực, phát triển toàn diện, nâng cao chất lượng công tác xây dựng kế hoạch tổng hợp. Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác điều hành quản trị nội bộ. Thực hiện chiến lược truyền thông, xây dựng hình ảnh của VCCI gắn liền với cộng đồng doanh nhân.

Ba đột phá chiến lược

Thứ nhất, tham gia sâu và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy thuận lợi hóa môi trường kinh doanh, tạo sức hút cho nguồn vốn đầu tư nước ngoài và động lực cho việc thành lập phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khôi phục và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thứ hai, tiên phong thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân Việt Nam trở thành nền tảng tinh thần mục tiêu và động lực phát triển của doanh nghiệp. Chú trọng xây dựng, khuyến khích và thực hiện các quy ước chuẩn mực đạo đức kinh doanh, văn hóa ứng xử của doanh nhân, doanh nghiệp.

Thứ ba, thúc đẩy hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, đổi mới chiến lược và mô hình kinh doanh. Tập trung hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp công nghệ, ưu tiên các doanh nghiệp công nghệ số, các ngành có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông, an toàn an ninh mạng, tài chính ngân hàng, thương mại điện tử, nông nghiệp số...

Nguồn: DDDN