10:52:04 | 27/1/2022
Chuyển đổi số trong nông nghiệp sẽ khắc phục điểm yếu cố hữu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu tính liên kết với thị trường tiêu thụ và ngành nông nghiệp cần coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển bền vững. Để hiểu rõ hơn về phát triển nông nghiệp số tại Việt Nam, phóng viên Vietnam Business Forum đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Minh Ngọc thực hiện.
Ba thách thức lớn là biến đổi khí hậu, biến động thị trường và xu thế tiêu dùng, cùng với tác động của COVID-19 đang đặt ra nhu cầu cấp thiết về chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp Việt Nam. Ông có thể cho biết chuyển đổi số được ưu tiên như thế nào trong ngành nông nghiệp?
Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi từ truyền thống sang hiện đại khi ứng dụng internet để thu thập các dữ liệu, sử dụng phần mềm quản trị vườn trồng hoặc tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…).Trong đó, ngành trồng trọt đã sử dụng các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Ngành chăn nuôi là ứng dụng công nghệ block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn...
Một số doanh nghiệp lớn như VinEco, Hoàng Anh Gia Lai, Nafood, Dabaco… đã áp dụng công nghệ cao, công nghệ thông tin vào điều hành sản xuất, phân phối cũng như tiêu thụ sản phẩm. Tính đến cuối năm nay, cả nước có trên 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp.
Ở Việt Nam, chuyển đổi số có thể bắt đầu từ những công nghệ đơn giản như truy xuất nguồn gốc để nâng tầm giá trị nông sản. Theo đó, ngày 19/1/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp 3.624 mã số vùng trồng tại 48/63 tỉnh thành, 1.826 mã số cơ sở đóng gói. Nông sản được dán tem nhãn QR giúp người tiêu dùng truy xuất thông tin bằng điện thoại thông minh.
Ở giai đoạn tiếp theo “Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia” được đưa vào vận hành để thúc đẩy cuộc đua về truy xuất nguồn gốc. Theo đó, thời gian để thông quan một container hoa quả có truy xuất nguồn gốc là 3-5 phút so với 3 - 4 tiếng trước đây. Đảm bảo tiêu chuẩn như VietGAP, GlobalGAP, để xuất khẩu tới các thị trường khó tính. Giá bán với một số mặt hàng nông sản đạt chuẩn VietGAP (tùy mặt hàng và thời điểm) tăng khoảng 1,5 lần. Và tiến đến những công nghệ hiện đại, cần nhiều đầu tư hơn như: Ứng dụng Blockchain vào truy xuất nguồn gốc nông sản; IoT kết nối thiết bị, quản lý tự động trong trồng trọt, canh tác cà chua tại Đà Lạt; máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại Long An;…
Bộ Nông nghiệp đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, minh bạch thông tin; có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng
Đâu là thách thức cho chuyển đổi số trong nông nghiệp, thưa ông?
Thách thức lớn là cơ sở hạ tầng số ở nông thôn còn thiếu, trong khi nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu số phục vụ nông nghiệp còn tản mạn, chưa được thiết kế và số hóa đồng bộ. Suất đầu tư cho nông nghiệp thông minh và công nghệ cao hơn rất nhiều so với nông nghiệp truyền thống nên phần lớn các hộ không đủ điều kiện để đầu tư.
Công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật mặc dù đã được đầu tư chuyên sâu nhưng vẫn còn chưa theo kịp thực tiễn yêu cầu sản xuất; các tiêu chí về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cùng với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy trình sản xuất cho từng đối tượng vật nuôi, cây trồng chưa được ban hành. Ngoài ra, nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và nguồn vốn tín dụng trong đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh còn hạn chế.
Nhiều người vẫn không nắm rõ thế nào là chuyển đổi số nhất là chuyển đổi số trong nông nghiệp. Ông có thể chia sẻ về điều này?
Chuyển đổi số là giải pháp tích cực, có thể khắc phục những tồn tại về sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và hình thành chuỗi giá trị, liên kết sản xuất hiệu quả trong nông nghiệp. Để chuyển đổi nền kinh tế nông nghiệp, trước tiên chúng ta cần bắt đầu bằng tư duy của người đứng đầu. Bên cạnh đó, cần có những chính sách phù hợp nhất để thúc đẩy mục tiêu chuyển đổi số trong nông nghiệp. Nguồn nhân lực cũng là một trong những vấn đề then chốt khi chúng ta vừa phải đào tạo cho cộng đồng doanh nghiệp – đối tượng chính đưa công nghệ và cơ giới hóa vào nông nghiệp, vừa phải đào tạo người nông dân – đối tượng lao động chính tạo ra sản phẩm nông nghiệp. Tiếp nữa là nền tảng công nghệ làm sao để phù hợp nhất với địa lý, thổ nhưỡng và các điều kiện tự nhiên khác. Không chỉ có vậy, chúng ta cần tiên lượng được thị trường vì nếu không nhìn thấy được rủi ro và nhu cầu của thị trường sẽ rất khó đạt mục tiêu của chuyển đổi số.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NN&PTNT đang triển khai chương trình Nông nghiệp số, Kinh tế nông nghiệp và Nông dân số. Chuyển đổi số trong nông nghiệp thành công không chỉ cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động sản xuất, giảm chi phí, gia tăng lợi nhuận và hiệu quả sản xuất mà còn góp phần quan trọng vào thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành. Tôi tin người nông dân Việt Nam rất xuất sắc là những người đi đầu, dẫn dắt hàng triệu hội viên nông dân cùng chuyển đổi số, dù còn nhiều gian nan, thách thức nhưng cũng là cơ hội rất lớn để tạo nên cuộc 'đại thay đổi' cho ngành nông nghiệp.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI