10:36:56 | 16/2/2022
Sau hai năm gặp khó khăn vì dịch Covid -19, các doanh nghiệp xuất khẩu đã dần thích nghi và chủ động ứng phó. Tiếp nối đà tăng trưởng năm 2021, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng 1/2022 đều ghi nhận mức tăng khá so với cùng kỳ.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định, đến thời điểm này các doanh nghiệp cũng đã được “tiêm vaccine” để thích ứng với những biến đổi của thị trường do dịch bệnh gây ra, đây là tiền đề để tiếp tục phát triển.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 01/2022 đạt xấp xỉ 29 tỷ USD, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 01 có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63,3% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 4 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đặc biệt, một số mặt hàng có kim ngạch tăng trưởng vượt trội: Phân bón các loại tăng tới 682%; hóa chất tăng 98,6%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 72,8%; Chất dẻo nguyên liệu tăng 57%; Sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 61%; sắt thép các loại tăng 43,6%...
Dệt may là một trong những ngành tăng trưởng xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới dự báo tăng trở lại mạnh mẽ. Trong tháng 1, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may và may mặc đạt 3,3 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết đến thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến tháng 5-2022.
Mặt hàng gạo Việt Nam cũng được các đối tác tin dùng và dần chiếm lĩnh các thị trường cao cấp như: Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, EU… Tháng đầu tiên của năm 2022, xuất khẩu gạo đã bật tăng mạnh, đạt 505.741 tấn, tăng tới 45,4% về khối lượng, tăng 28,2% về trị giá so với cùng kỳ.Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) nhận định: Năm 2022 xuất khẩu gạo của Việt Nam sang EU dự báo còn tăng khá. Đặc biệt, chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện, chủ yếu là các loại gạo thơm, đánh trúng thị hiếu của người tiêu dùng châu Âu.
Về thị trường xuất khẩu, trong tháng 01/2022 Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 8,95 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN…
Mặc dù xuất khẩu đạt nhiều kết quả vượt trội, song Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vẫn đưa ra khuyến nghị, đại dịch Covid-19 có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài và phát sinh những biến thể mới. Tăng trưởng kinh tế thế giới chưa vững chắc và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có những tác động của COVID-19 chưa bộc lộ hết. “Các doanh nghiệp cần chủ động đối phó với nhiều rủi ro như xu hướng gia tăng các hàng rào bảo hộ thương mại phi thuế quan tại nhiều khu vực thị trường lớn, diễn biến giá cả hàng hóa toàn cầu trở nên khó dự đoán, hay nguy cơ lạm phát, rủi ro tài chính, tiền tệ gia tăng”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.
Đối với ngành hàng lương thực thực phẩm, những bài học thu được trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4 khiến các doanh nghiệp ngành này cẩn trọng hơn. Đơn cử, mặc dù kim ngạch liên tục tăng, nhưng khó khăn lớn nhất của sản xuất lúa là giá các loại vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu tăng quá mạnh trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, phân bón đã thiết lập mặt bằng giá mới, từ đó ảnh hưởng nhiều đến thu nhập của người trồng lúa và doanh thu của các doanh nghiệp XK.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, giải pháp căn cơ, lâu dài cho các doanh nghiệp là phải tổ chức sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, các ngành công nghiệp hỗ trợ khác và phải đảm bảo các chuỗi sản xuất nông nghiệp, cung ứng hàng xuất khẩu đủ mạnh, thích ứng, không bị đứt gãy. Song song với đó, các doanh nghiệp cần phát triển hệ thống kết nối dữ liệu, thương mại điện tử đáp ứng nhu cầu thị trường, tiêu chuẩn, quy định của nước nhập khẩu.
Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cần chủ động lấy chất lượng tăng trưởng làm nền tảng, chuyển dịch cơ cấu XK theo hướng cung cấp dịch vụ hỗ trợ XK và XK dịch vụ, hàng hóa vô hình (phần mềm, sản phẩm nội dung số...). Mặt khác, doanh nghiệp XK cần đẩy mạnh liên kết vùng, phối hợp SX hàng XK chuyển dịch đến các công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế so sánh giữa TP và các tỉnh/thành phía Nam…
Đối với lĩnh vực logistic, ông Huỳnh Văn Cường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh cũng nêu lên những khó khăn mà các doanh nghiệp XK đang gặp phải như: giá cước tàu tăng cao và liên tục lập kỷ lục mới, thiếu rỗng, thiếu chỗ trên tàu, tình trạng kẹt cảng trên thế giới làm cho tổng hành trình của mỗi tàu đều kéo dài, thiếu hụt nguyên liệu sản xuất… Vì vậy, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cần chủ động lựa chọn các giải pháp/địa điểm/cách thức giao nhận mới thay vì cách thức truyền thống; cần nhanh chóng áp dụng tự động hóa giảm bớt sự phụ thuộc vào con người, áp dụng công nghệ sản xuất mới và ưu tiên lựa chọn các doanh nghiệp logistics Việt Nam…
Hương Ly (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI