Bình đẳng giới trong văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững

09:46:09 | 13/3/2022

Ở Việt Nam, số lượng doanh nghiệp do nữ làm chủ chiếm khoảng 24% tổng số doanh nghiệp toàn quốc. Tỷ lệ này được định hướng tăng lên trong Chiến lược quốc gia vì bình đẳng giới 2020 -2030 là phấn đấu đạt 27% vào năm 2025 và 30%  vào năm 2030. Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đang trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước với sự lớn mạnh cả về số lượng cũng như quy mô và tầm ảnh hưởng.

Tại Hội thảo “Bình đẳng giới trong Văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững” do VCCI, Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam và UN Women Việt Nam phối hợp tổ chức đã thu hút sự tham gia của gần 150 đại biểu tham dự (trực tiếp và  trực tuyến) là đại diện từ các cơ quan, tổ chức có liên quan; các hiệp hội doanh nghiệp và các nữ doanh nhân trên toàn quốc. Hội thảo là một trong chuỗi hoạt động của Hội đồng DNNVN chào mừng Ngày quốc tế phụ nữ 8/3 và hướng tới việc triển khai thực hiện một trong ba đột phá chiến lược của VCCI trong nhiệm kỳ 2021 – 2026, đó là “Thúc đẩy xây dựng Văn hóa kinh doanh”. Hội thảo thể hiện nỗ lực chung của Hội đồng DNNVN và UN Women Việt Nam nhằm nâng cao nhận thức và thúc đẩy việc vận dụng các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) tại nơi làm việc trong cộng đồng và trên thị trường, góp phần xây dựng văn hóa kinh doanh nhân văn, nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt Nam trong hội nhập quốc tế.  

Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh Chủ tịch HĐ DNNVN cho rằng, khi làm chủ doanh nghiệp, phụ nữ đã gửi gắm những tình cảm, khát vọng, dành tâm huyết, trí tuệ để cống hiến và xây dựng doanh nghiệp của mình không ngừng lớn mạnh. Với niềm đam mê và trách nhiệm, nữ doanh nhân sẽ lan tỏa triết lý kinh doanh, đạo đức, văn hóa ứng xử của mình trong văn hóa doanh nghiệp, góp phần tạo dựng nên văn hóa kinh doanh trên nền tảng văn hóa truyền thống của dân tộc cùng sự tuân thủ pháp luật Việt Nam và những cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Văn hóa kinh doanh đã được đề cập đến trong nhiều văn bản pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết 09-NQ/TW, ngày 9/12/2011 của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” xác định rõ mục tiêu: “Xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần dân tộc, giác ngộ chính trị, văn hóa kinh doanh, có trách nhiệm xã hội cao, có đủ năng lực, trình độ để lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp hoạt động có chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh cao”.

Theo bà Minh, ở Việt Nam, với trái tim người mẹ và sự sáng tạo trong kinh doanh, các doanh nhân nữ luôn hướng tới và tiên phong tạo dựng xu hướng sản xuất sạch, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Các doanh nghiệp do nữ làm chủ cũng luôn quan tâm thúc đẩy bình đẳng giới, tạo cơ hội bình đẳng về việc làm và thu nhập cho các giới, đặc biệt là nhóm đối tượng yếu thế trong xã hội. Nâng cao vị thế và vai trò của phụ nữ, với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau” đang là xu thế tiến bộ của thế giới và có vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Một số báo cáo trong hai năm qua của Harvard Business Review và McKinsey đã chứng minh rằng: các công ty có nền văn hóa bình đẳng, đa dạng và hòa nhập hơn đã xử lý tốt hơn các khủng hoảng do đại dịch gây ra và duy trì một lực lượng lao động cam kết để đảm bảo sự phục hồi mạnh mẽ hơn. Vì vậy, bình đẳng giới là một nội hàm không thể thiếu trong văn hóa kinh doanh và nên được lồng ghép xuyên suốt trong tất cả các nội hàm cấu thành văn hóa kinh doanh của doanh nghiệp.

Bà Elisa Fernandez – Trưởng VP Đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh : “Trong những năm qua, đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, thiên tai và thảm họa môi trường không những đã ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn làm các bất bình đẳng hiện có của lao động nữ và doanh nhân nữ trầm trọng hơn. Hơn lúc nào hết, bây giờ là lúc các doanh nghiệp cần phải thay đổi chiến lược và hành động mạnh mẽ để thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trong văn hóa kinh doanh để phát triển bền vững.”

Theo GS-TS Đinh Xuân Dũng, Nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, bình đẳng giới là một khía cạnh không thể thiếu và là mối quan hệ mật thiết giữa văn hóa kinh doanh với phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Để lan tỏa hơn nữa những giá trị tích cực của bình đẳng giới trong văn hóa kinh doanh, nhân dịp này, Lễ ký cam kết ủng hộ các Nguyên tắc trao quyền cho phụ nữ (WEPs) đã được diễn ra như một minh chứng cho quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp nữ  trong xây dựng văn hóa kinh doanh hướng tới phát triển bền vững.

Mai Anh (Vietnam Business Forum)