21:28:24 | 19/5/2022
Mới đây, Tổng thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh đã có buổi làm việc cùng đoàn chuyên gia của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC) do ông John Nasir - Chuyên gia chính về phát triển khu vực tư nhân làm trưởng đoàn.
Buổi làm việc mang tính chất gợi mở và chia sẻ thông tin để IFC xây dựng Chiến lược quốc gia và tăng cường nguồn lực cho khu vực tư nhân tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Tổng thư ký VCCI Trần Thị Lan Anh trao đổi với IFC về các hạn chế, khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt sau đại dịch Covid-19 bao gồm: Thiếu hụt về lao động, các vấn đề về thể chế chính sách, năng lực quản lý của DN (chủ yếu theo tập quán gia đình), các vấn đề về đất đai làm cơ sở sản xuất, về thiếu hụt tài chính trong đầu tư công nghệ, thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh…
Tổng thư ký VCCI cũng đánh giá cao một số dự án hợp tác của IFC với các tổ chức tại Việt Nam, nhằm thúc đẩy hỗ trợ các SME tiếp cận vốn và tham gia chuỗi cung ứng về nông nghiệp nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chính phủ tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ - ASEAN.
Ông Phạm Ngọc Thạch, Phó trưởng Ban Pháp chế VCCI chia sẻ về các nhận định qua các khảo sát hơn 10.000 doanh nghiệp về tác động của Covid năm 2020 và 2021, cho thấy hơn 87% (2020) và 92%(2021) doanh nghiệp chịu ảnh hưởng tiêu cực, phải cắt giảm quy mô, giảm lao động. Trong đó các nhóm doanh nghiệp tư nhân, cả kinh doanh thị trường trong nước và xuất khẩu đều gặp nhiều khó khăn hơn so với nhóm doanh nghiệp FDI. Cụ thể, các vấn đề về thể chế chính sách gây nhiều khó khăn cho DN từ việc đăng ký kinh doanh thành lập, giấy phép con, gánh nặng chi phí pháp lý. Ngoài ra, DN tư nhân còn gặp khó khăn về phân bổ nguồn lực, trong đó có tiếp cận vốn, đất đai – thủ tục, quy hoạch – gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, nhân lực – đặc biệt nguồn lực lao động có trình độ kỹ thuật cao…
Các chuyên gia VCCI cũng khẳng định Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ chính sách nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng hơn cho DN tư nhân như giảm bớt rào cản gia nhập thị trường, cải cách thủ tục, giảm bớt giấy phép con.
Về phía IFC, ông John Nasir - Chuyên gia chính về phát triển khu vực tư nhân đã giới thiệu về các dự án hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân từ IFC thông qua các khoản đầu tư trực tiếp, trong đó có dự án trị giá 32 triệu USD cho doanh nghiệp nông nghiệp địa phương.
ông John Nasir cho biết, IFC đang xem xét hỗ trợ tăng cường nguồn lực cho khu vực kinh tế tư nhân một cách có chọn lọc. Đối với các doanh nghiệp SME, IFC có thể cung cấp các chương trình đào tạo nâng cao năng lực cho doanh nghiệp, đặc biệt trong việc tổ chức và minh bạch hóa về sức khỏe tài chính, tạo tiền đề cho DN có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của IFC.
Thời gian tới, IFC đặc biệt quan tâm đến việc tiếp cận nhóm doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa tại Việt Nam. Đơn cử trong lĩnh vực năng lượng, ngoài việc cung cấp vốn, IFC có thể đào tạo nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật cho doanh nghiệp cỡ vừa, cũng như sẽ thiết kế các chương trình hỗ trợ nguồn vốn phù hợp.
Chuyên gia chính về phát triển khu vực tư nhân IFC mong muốn VCCI hợp tác phổ biến các chương trình, dự án tiềm năng của IFC đến các khách hàng tiềm năng là doanh nghiệp tư nhân cỡ vừa.
Đồng thuận với ông John Nasir, các chuyên gia VCCI cho biết có thể hợp tác cùng IFC trong việc giới thiệu các chương trình hỗ trợ của IFC về tiếp cận nguồn vốn tới các doanh nghiệp phù hợp.
Kết thúc buổi làm việc, IFC cám ơn VCCI về các thông tin hữu ích và mong muốn tiếp tục gặp gỡ với các ban chức năng liên quan của VCCI để trao đổi kỹ hơn về các hoạt đông hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân mà hai bên có thể hợp tác triển khai.
H.Ly
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI