Phát triển bền vững và sự thay đổi tư duy kinh doanh

10:25:24 | 27/5/2022

Trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp đã dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm. Đây là nhận định của ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI trong cuộc trao đổi với phóng viên. Hương Ly thực hiện.

Ông đánh giá như thế nào về tác động của nỗ lực thúc đẩy và thực thi phát triển bền vững đến cộng đồng doanh nghiệp hiện nay, thưa ông?

Phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp có thể hiểu đơn giản là chiến lược quản trị doanh nghiệp thích ứng được với mọi hoàn cảnh, dựa trên cơ sở bảo đảm hài hòa các lợi ích về kinh tế (lợi nhuận, doanh thu) với lợi ích của người lao động và bảo vệ môi trường, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Chính vì vậy, trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm.

Trong hơn 10 năm qua, VCCI đã có những đóng góp quan trọng, góp phần thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thay đổi tư duy kinh doanh, theo đuổi và thực thi chiến lược kinh doanh bền vững thông qua những hoạt động của Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD-VCCI) nói chung và Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam (CSI) nói riêng. Qua 6 mùa CSI, chúng tôi nhận thấy số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia Chương trình ngày càng đông đảo hơn. Gần đây nhất, năm 2021, trong Top 10 Doanh nghiệp bền vững được công bố, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài lần lượt là 55% và 45%; trong top 100 thì tỷ lệ lần lượt là 63% và 27%. Điều này thể hiện sự sẵn sàng, xu thế chuyển đổi và khả năng đáp ứng kinh doanh theo hướng bền vững của doanh nghiệp Việt Nam ngày càng mạnh mẽ và tiến bộ.

Qua 4 đợt bùng phát của đại dịch COVID-19, từ Chính phủ đến cộng đồng doanh nghiệp đều đã "chiêm nghiệm" rõ rệt hơn vai trò của phát triển bền vững. Đó không chỉ là “kim chỉ nam” cho sự phát triển của doanh nghiệp trong trạng thái ổn định mà còn đóng vai trò quan trọng dẫn dắt doanh nghiệp thích ứng và phục hồi khi đối mặt với khủng hoảng. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp thực hiện chiến lược phát triển bền vững nói chung và áp dụng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VBCSD-VCCI xây dựng nói riêng, đã cho thấy sức chống chịu tốt hơn hẳn so với mặt bằng chung. Các doanh nghiệp này có sức bền dẻo dai hơn, nên khả năng phục hồi cũng cao hơn.

Xin ông cho biết điểm mới của Chương trình đánh giá, công bố các doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2022?

Chương trình năm nay vẫn tiếp tục được triển khai dưới sự chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đồng thời, Chương trình cũng tiếp tục sử dụng Bộ Chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) làm căn cứ đánh giá mức độ phát triển bền vững các doanh nghiệp. Với 130 chỉ tiêu, Bộ Chỉ số CSI phiên bản 2022 được điều chỉnh theo hướng mới phù hợp với yêu cầu kinh doanh có trách nhiệm của các bộ Luật, điều luật liên quan, trong đó bao gồm việc tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động cũng như các đối tượng liên quan khác ngoài cộng đồng, được xây dựng căn cứ trên Luật lao động sửa đổi 2019 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021; Luật Môi trường 2014 và một số điều khoản trong Luật Môi trường sửa đổi năm 2020 có liên quan đến các cam kết về thích ứng biến đổi khí hậu và cam kết quốc gia tự nguyện NDC tại COP-21 và COP-26; tiêu chuẩn báo cáo phát triển bền vững GRI và ESG; tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội ISO26000, và cuối cùng là các cam kết thương mại trong các hiệp định thương mại thế hệ mới EVFTA, CTTPP, RCEP, UKFTA,…

Năm nay, ngoài việc đánh giá và công bố Top 100 Doanh nghiệp bền vững, chúng tôi cũng sẽ lựa chọn ra các doanh nghiệp tiêu biểu để biểu dương trong các giải phụ liên quan đến Thúc đẩy thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn, ứng phó biến đổi khí hậu; Nâng cao quyền năng phụ nữ và bình đẳng giới tại nơi làm việc; và Kinh doanh có trách nhiệm về quyền con người và quyền trẻ em.

Cuối tháng 5, VBCSD-VCCI tổ chức Hội thảo Phát động Chương trình CSI 2022 lần lượt tại Hà Nội và Tp. HCM. Các hoạt động đào tạo doanh nghiệp thực hiện quản trị doanh nghiệp bền vững và áp dụng Bộ chỉ số CSI sẽ được triển khai liên tục trong giai đoạn tháng 6 – tháng 8/2022.

Trong số các tiêu chuẩn mới của Bộ Chỉ số CSI 2022, ông có đề cập đến ESG. Ông có thể chia sẻ thêm về tiêu chuẩn này?

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN-Hoa Kỳ trong khuôn khổ chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ tại Mỹ, một trong các vấn đề được đặt ra nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước đó là việc các doanh nghiệp được đặt dưới thách thức của các vấn đề môi trường, xã hội và quản trị (ESG). Với việc tích hợp ESG vào phiên bản mới của Bộ Chỉ số CSI, các doanh nghiệp từ đây sẽ có được hướng tiếp cận trực quan hơn đối với công tác quản trị của mình thông qua 03 khía cạnh:

Thứ nhất, đó là sự tương tác của doanh nghiệp đối với môi trường tự nhiên. Điều đó thể hiện thông qua các hoạt động của doanh nghiệp nhằm chống lại biến đổi khí hậu, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu phát thải cacbon cũng như ô nhiễm không khí và nguồn nước.

Thứ hai, đó là ảnh hưởng của doanh nghiệp đến xã hội và cộng đồng thông qua các chương trình bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động, cải thiện điều kiện lao động, thực hiện các nghĩa vụ pháp lý của mình để bảo vệ quyền con người tại công sở, cũng như bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu của các khách hàng, đối tác.

Và cuối cùng đó là những nguyên tắc cần được áp dụng khi xây dựng bộ máy quản trị tại mỗi doanh nghiệp, trong đó bao gồm cơ chế quản trị minh bạch, kinh doanh có đạo đức, gia tăng quyền làm chủ của các cổ đông và người lao động và cơ chế độc lập của hội đồng quản trị, và cuối cùng là xây dựng một nền văn hóa đa dạng, bao trùm tại công sở.

Như vậy có thể thấy rằng, các yếu tố kể trên là những mảnh ghép quan trọng cấu thành một bộ khung quản trị chi tiết mà các doanh nghiệp ở nhiều quy mô khác nhau đều có thể dựa vào để xây dựng chiến lược quản lý và phát triển cho mình. Đó cũng là mục tiêu của chúng tôi khi xây dựng Bộ Chỉ số CSI 2022, một công cụ đánh giá tính bền vững dành cho mọi doanh nghiệp, từ các công ty lớn đến các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum