Phát triển các khu, cụm công nghiệp, tạo động lực thu hút đầu tư

08:38:35 | 14/6/2022

Phát triển công nghiệp được Hậu Giang xác định là một trong 4 trụ cột trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN) theo hướng hiện đại, phục vụ xuất khẩu, chế biến nông sản và logistic…, tạo lợi thế thu hút đầu tư. Đây cũng là bước đà vững chắc cho mục tiêu từng bước đưa Hậu Giang trở thành “thủ phủ công nghiệp” của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn của Vietnam Business Forum với ông Nguyễn Phong Minh, Trưởng Ban Quản lý (BQL) các KCN tỉnh Hậu Giang. Ngọc Tùng thực hiện.

Ông đánh giá thế nào về sự phát triển của các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thời gian qua cũng như vai trò, đóng góp cho sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương?

Hậu Giang đã quy hoạch và đang phát triển 02 KCN và 03 CCN tập trung với quy mô diện tích khoảng 800ha và 355ha đất Trung tâm Điện lực Sông Hậu. Các KCN, CCN đã thu hút nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước như: Tập đoàn chế biến thủy sản xuất khẩu Minh Phú, Tập đoàn nước giải khát Tân Hiệp Phát, Masan Group, Vingroup, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu... Qua đó hoàn thiện “bức tranh” công nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, ổn định và nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.

Năm 2021, các KCN, CCN đã thu hút 14 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký là 1.630 tỷ đồng, nộp ngân sách đạt 939,8 tỷ đồng; tuyển dụng lao động mới 4.689 lao động, tỷ trọng công nghiệp đóng góp từ 50- 60% GRDP của tỉnh.

Quý I/2022, BQL các KCN tỉnh đã tiếp 13 lượt nhà đầu tư (trong đó có 03 nhà đầu tư đề xuất đầu tư hạ tầng KCN). Đến nay có 03 dự án đã hoàn thiện hồ sơ xin chủ trương đầu tư. Lũy kế tổng số dự án trong các KCN là 72, có 70 dự án sản xuất kinh doanh và 02 dự án kinh doanh kết cấu hạ tầng, với tổng mức thu hút đầu tư trong nước là 74.299 tỷ đồng, nước ngoài là 3.802,5 triệu USD; hiện có 52 dự án đi vào hoạt động.

Các dự án đã tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp theo giá thực tế 2.590/2.071 tỷ đồng, giá trị nhập khẩu: 28/23,1 triệu USD, giá trị xuất khẩu 47/41,9 triệu USD, nộp ngân sách 110,6 tỷ đồng. Tổng số lao động khoảng 25.000 lao động.

Công nghiệp được xác định là một trong 4 trụ cột phát triển của Hậu Giang, nhất là công nghiệp chế biến và năng lượng tái tạo. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu này, kế hoạch phát triển hạ tầng công nghiệp và thu hút đầu tư của tỉnh từ nay đến năm 2025 đã được xây dựng ra sao, thưa ông?

Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ triển khai đầu tư nhiều công trình, dự án trọng điểm như: Tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… Bên cạnh đó, các dự án nâng cấp, mở rộng một số tuyến quốc lộ cũng đang được triển khai. Các dự án này không chỉ tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông mà còn tạo động lực quan trọng cho các địa phương tiếp nhận làn sóng đầu tư.

Là một trong những điểm sáng về thu hút đầu tư và được hưởng lợi trực tiếp từ các dự án trên, Hậu Giang sẽ tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn. Do đó, nhu cầu thành lập, phát triển các KCN mới là rất cấp thiết.

Không chỉ vậy, mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là ưu tiên phát triển công nghiệp, huy động mọi nguồn lực để thúc đẩy công nghiệp phát triển, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo và sản xuất năng lượng tái tạo.

Để góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu này và tạo sức bật thu hút đầu tư, giai đoạn 2021-2030 Ban sẽ tham mưu tỉnh thành lập 08 KCN với diện tích 2.233 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 sẽ thành lập 04 KCN với diện tích 784 ha gồm: KCN Đông Phú 120ha; KCN Đông Phú - giai đoạn 2 diện tích 234ha; KCN Sông Hậu - giai đoạn 2 diện tích 220ha; KCN Tân Hoà khoảng 210ha.

Nhằm tạo quỹ đất sạch, sẵn sàng tiếp nhận dự án đầu tư, Ban chú trọng công tác quy hoạch, xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật KCN, đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), giao đất cho nhà đầu tư triển khai dự án. Năm 2022, tỉnh sẽ cân đối và bố trí GPMB hết diện tích còn lại của KCN Sông Hậu (giai đoạn 1) khoảng 46ha và KCN Tân Phú Thạnh khoảng 25ha; sau khi GPMB sẽ có sẵn đất sạch để bàn giao.


Cảng VIMC Hậu Giang (nằm trong KCN Sông Hậu, huyện Châu Thành) tạo lợi thế về lưu thông, vận chuyển hàng hóa cho các doanh nghiệp tại Hậu Giang

Cùng với đó là chủ động phối hợp thực hiện các trình tự thủ tục lập quy hoạch và thành lập các KCN trong giai đoạn 2021-2030 trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo quỹ đất để đón đầu làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.

Với vai trò quản lý các KCN trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Ban sẽ có những giải pháp gì để đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư?

Với quan điểm: “Sự thành công và lớn mạnh của doanh nghiệp cũng là sự phát triển bền vững của tỉnh”, BQL các KCN tỉnh sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư hoàn thành dự án, công trình, đưa vào hoạt động nhanh chóng, hiệu quả.

Theo đề án dự thảo của BQL các KCN, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Hậu Giang dự kiến phát triển thêm 13 KCN với diện tích khoảng 6.148ha. Tỉnh ưu tiên thu hút các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường như: cơ khí chế tạo, cơ khí lắp ráp; thiết bị điện, điện tử; dệt may và sản xuất nguyên phụ liệu, giày dép; chế biến nông sản thực phẩm và hàng tiêu dùng; thiết bị dụng cụ y tế; xử lý chất thải; công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ phục vụ sản xuất công nghiệp.

Thủ tục hành chính (TTHC) khi đầu tư vào các KCN, CCN được thực hiện theo cơ chế “một cửa” và “một cửa liên thông”. Tất cả đều được tiến hành nhanh chóng, hiệu quả chỉ qua “một cửa” tại BQL các KCN tỉnh. Hiện 100% hồ sơ TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Ban được trả kết quả đúng và trước hạn, không có hồ sơ trễ hạn.

Ngoài ra, hàng năm, Ban đều thăm và làm việc với doanh nghiệp, tăng cường đối thoại để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giúp nhà đầu tư hoàn thành dự án, công trình. Từ đó tạo được sự hài lòng, niềm tin từ phía doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Nhằm đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, Ban cũng đã chủ động linh hoạt các giải pháp xúc tiến đầu tư tại chỗ, xúc tiến đầu tư trực tuyến: Tích cực tham gia hội chợ, hội thảo, Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh năm 2022, đồng thời lập kế hoạch và triển khai thực hiện hiệu quả tiếp cận và xúc tiến đầu tư các đối tác tiềm năng từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hongkong…

Sự thành công của các nhà đầu tư trên địa bàn sẽ là những thông điệp quan trọng nhất, ấn tượng nhất chúng tôi muốn gửi tới các nhà đầu tư tiềm năng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn: Vietnam Business Forum