Chưa tăng lãi suất điều hành

08:52:06 | 18/7/2022

Dù lãi vay đang chịu áp lực tăng rất lớn, nhưng nhiều khả năng NHNN sẽ duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành ít nhất trong năm nay để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi.


Nhiều ngân hàng đã tăng mạnh lãi suất huy động.

HSBC vừa dự báo, lạm phát có thể sẽ vượt qua mức 4% từ quý 4/2022 đến quý 2/2023, đòi hỏi NHNN bình thường hóa chính sách tiền tệ.

Nhiều áp lực lên lãi suất

Không thể phủ nhận lãi suất cho vay chịu nhiều áp lực tăng. Đầu tiên phải nói tới là lạm phát đang có xu hướng tăng cao theo giá dầu thế giới. Muốn kiềm chế lạm phát, chính sách tiền tệ cần phải được siết chặt lại để hạn chế bớt sức nóng của cầu. Hiện nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đi theo hướng này để chống lạm phát.

Bên cạnh đó, lãi suất còn chịu áp lực tăng từ việc tăng lãi suất của FED. Bởi việc FED tăng nhanh lãi suất đang hỗ trợ USD tăng giá mạnh, từ đó tạo áp lực tới tỷ giá trong nước. Để ổn định tỷ giá thì lãi suất đồng nội tệ cũng phải tăng tương ứng.

Ngoài ra, đến 30/6, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,35% so với cuối 2021, trong khi huy động vốn chỉ tăng 4,51%. Tín dụng tăng cao hơn huy động, gây áp lực tăng lãi vay.

Sẽ ổn định trong ngắn hạn

Thừa nhận áp lực đến tỷ giá trong nước từ việc tăng lãi suất của FED, song theo một chuyên gia, áp lực này là không lớn. Lý do là tỷ giá trong nước chủ yếu được quyết định bởi yếu tố cung- cầu, trong khi nguồn cung ngoại tệ vẫn rất dồi dào nhờ cán cân thương mại thặng dư, vốn FDI giải ngân tăng khá, kiều hồi tiếp tục tăng mạnh... Bằng chứng là từ đầu năm đến nay, USD trên thị trường thế giới đã tăng giá 12%, nhưng tỷ giá trung tâm mới chỉ tăng 0,1%; giá mua - bán USD của các ngân hàng cũng chỉ tăng khoảng 2%.

Với lạm phát, theo vị chuyên gia này, cũng không nên quá lo lắng khi mà dự báo lạm cả năm có thể vẫn dưới mức 4% mà Quốc hội đã đề ra. Chưa kể lạm phát hiện nay chủ yếu do chi phí đẩy, chứ không phải do yếu tố tiền tệ. Vì thế, việc tăng lãi suất chưa chắc đã giúp hạ nhiệt được lạm phát, trong khi lại làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, từ đó cản trở đà phục hồi sản xuất kinh doanh. Ngoài ra những năm gần đây, NHNN rất ít sử dụng công cụ lãi suất để kiểm soát lạm phát, thay vào đó NHNN thường kiểm soát lạm phát thông qua việc kiểm soát lượng tiền cung ứng và công cụ hạn mức tín dụng.

Đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, tuy chịu nhiều áp lực, nhưng lạm phát hiện tại vẫn cách xa mục tiêu đặt ra, do đó NHNN có lẽ sẽ chưa cần vội tăng lãi suất điều hành để ứng phó với lạm phát. Chưa kể, nhiệm vụ trọng tâm năm 2022 là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các chính sách phải hướng đến nhiệm vụ này, nên lãi suất không thể tăng.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp