Gỡ “nút thắt” trong thu hút đầu tư

15:26:28 | 20/9/2022

Phú Yên đang thực hiện nhiều giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt là tháo gỡ “nút thắt” trong giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Phỏng vấn của phóng viên Vietnam Business Forum với ông Võ Đình Tiến, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Phú Yên.

Một vài chia sẻ của ông về kết quả thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp (DN) của tỉnh trong những năm gần đây?

Những năm qua, Phú Yên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội, tiếp cận, nghiên cứu đầu tư trong các lĩnh vực: du lịch nghỉ dưỡng, bất động sản, sân golf, nuôi trồng thủy sản công nghệ cao, công nghiệp,...

Giai đoạn 2016 -2021, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu UBND tỉnh quyết định chấp thuận chủ trương/cấp Giấy chứng nhận đầu tư 254 dự án với tổng vốn đăng ký 37.958 tỷ đồng; cấp đăng ký mới 2.700 DN với tổng vốn hơn 30 nghìn tỷ đồng.

Sáu tháng đầu năm 2022, tỉnh cũng chấp thuận 07 dự án với tổng vốn 560 tỷ đồng và cấp mới kinh doanh 299 DN, đồng thời có 13 DN quay trở lại hoạt động trước thời hạn và 143 DN hoạt động trở lại, đưa tổng số DN hoạt động trên địa bàn tỉnh là 4.100 DN với tổng vốn đăng ký 74.902 tỷ đồng.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2018, tỉnh đã công bố cấp giấy chứng nhận và chủ trương đầu tư cho 18 dự án với tổng kinh phí 14.869 tỷ đồng. Xin ông cho biết tình hình triển khai các dự án này đến thời điểm hiện nay?

Đến nay, các nhà đầu tư đã thực hiện đầy đủ thủ tục theo quy định và tập trung triển khai theo nội dung đã đăng ký.

Cụ thể, có 02 dự án đã hoàn thành (Đầu tư mở rộng công suất nhà máy đường từ 2.300 TMN lên 3.200 TMN, Nhà máy Non - Betalactam theo tiêu chuẩn châu Âu); 05 dự án hoàn thành một phần và đang triển khai (Nhà máy điện sinh khối KCP Phú Yên, Trang trại chăn nuôi bò sữa tập trung quy mô công nghiệp công nghệ cao, Trung tâm thương mại dịch vụ Showroom ô tô, khách sạn và văn phòng cho thuê Dũng Tiến, Trang trại chăn nuôi Colike Phú Yên; Khu dịch vụ kỹ thuật tổng hợp giao thông vận tải tỉnh Phú Yên) và 01 dự án đang thi công (Tổ hợp khách sạn, resort Việt Mỹ A&V).

Bên cạnh đó, do một số khó khăn nên đã có 04 dự án phải chấm dứt hoạt động. Ngoài ra, với 06 dự án còn lại (Khu đô thị cao cấp vườn Phượng Hoàng, Đắc Lộc Hotel, Vùng nguyên liệu cho bò sữa, Trung tâm sản xuất hàng may mặc Phong Phú - Phú Yên, Nhà máy xử lý rác thải tại TP.Tuy Hòa, Cụm nhà máy thực phẩm sạch Phú Yên), cơ quan chức năng đang rà soát tháo gỡ khó khăn, trường hợp không tiếp tục triển khai được sẽ hướng dẫn đầu tư tại vị trí mới hoặc chấm dứt hoạt động.

Theo Kế hoạch số 121/KH-UBND về thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Phú Yên đặt mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 95.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2022 - 2025. Tỉnh sẽ thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nào nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra?

Mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 95.000 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2025 đã được xác định trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm của tỉnh.

Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ, Sở đã tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh nghiên cứu xây dựng Báo cáo tư vấn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh giai đoạn 2022-2025, trong đó có đánh giá khả năng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội. Trên cơ sở rà soát, báo cáo đã chỉ ra mục tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 95.000 tỷ đồng có thể hoàn thành hoặc vượt mức. Từ đó, Sở đã phối hợp tham mưu tỉnh xây dựng và ban hành Chương trình hành động số 121/KH-UBND ngày 20/6/2022.

Để thực hiện thành công mục tiêu đề ra, tỉnh đang tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm gồm:

- Hoàn thành lập Quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2022; rà soát hoàn thành lập các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết,... làm cơ sở kêu gọi đầu tư.

- Đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư qua các hình thức trực tuyến và trực tiếp, nhất là thu hút vốn FDI; rà soát, xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP); tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” nhất là về bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, thủ tục chuyển đổi đất, rừng...

- Thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, xử lý kịp thời khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Phối hợp với các bộ, ngành hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án thuộc Chương trình phục hồi kinh tế, đồng thời lồng ghép thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình phát triển kinh tế-xã hội khác trên địa bàn.

Đánh giá của ông về chỉ số Gia nhập thị trường của tỉnh thời gian qua? Hiện Sở đang thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm cải thiện điểm số, thứ hạng chỉ số thành phần này?

Năm 2021, chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Phú Yên tăng 1,33 điểm và 07 bậc, từ vị trí 42 lên 35/63 tỉnh, thành phố; trong đó chỉ số Gia nhập thị trường đạt 7,45 điểm, xếp 07/63 (giảm 0,94 điểm nhưng tăng 04 bậc so với năm 2020).

Qua rà soát 19 nội dung chỉ số Gia nhập thị trường cho thấy: Nhiều nội dung giảm nhẹ về điểm số song cũng có nhiều nội dung được cải thiện rõ rệt, đặc biệt có một số tiêu chí tốt hơn trung vị cả nước như: Tỷ lệ DN phải sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký từ 02 lần trở lên là 19% (trung vị 22%); DN không gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục cấp phép kinh doanh có điều kiện là 36% (trung vị 41%);…

Để cải thiện chỉ số Gia nhập thị trường, Sở đang phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ như:

- Tuyên truyền để DN hiểu rõ và có giải pháp tăng tỷ lệ đăng ký DN qua phương thức mới; tiếp tục triển khai “Dịch vụ đăng ký DN tại nhà”.

- Giảm thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký, thay đổi đăng ký DN xuống thấp hơn hoặc bằng trung vị cả nước.

- Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả bộ phận tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; đào tạo cán bộ am hiểu chuyên môn, nhiệt tình, thân thiện.

- Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép với lĩnh vực kinh doanh có điều kiện để DN sớm đi vào hoạt động.

Theo ông, Phú Yên cần tháo gỡ những “điểm nghẽn” nào để ngày càng hấp dẫn và trở thành điểm đến tin cậy, thân thiện với nhà đầu tư?

Hiện nay các “điểm nghẽn” lớn nhất của tỉnh là tiến độ giải quyết thủ tục liên quan đến đất đai, cấp phép, giải phóng mặt bằng và phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong giải quyết thủ tục đầu tư,...

Để trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư, Phú Yên đang tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quy hoạch; phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông; cấp điện, thông tin liên lạc,… đặc biệt là kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Nam Phú Yên, Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo sát và đôn đốc tiến độ thực hiện các dự án đồng thời tháo gỡ khó khăn về giải phóng mặt bằng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất,…

Tỉnh cũng kiến nghị, đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định về đầu tư, đất đai mang tính đồng bộ, chặt chẽ; quy định chế tài xử lý với dự án không có khả năng thực hiện để thu hồi đất.

Ngoài ra, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, thủ tục đất đai, đầu tư xây dựng,…đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành nhằm nâng cao chỉ số PCI và cấp sở, ngành, địa phương,…

Trân trọng cảm ơn ông!

Trần Trang(Vietnam Business Forum)