Phát triển bền vững: Chìa khóa hướng tới thành công của doanh nghiệp

08:30:06 | 6/10/2022

Tiêu chuẩn ESG, bộ chỉ số CSI và xu hướng áp dụng kinh tế tuần hoàn đã và đang được thúc đẩy nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững. Ông Nguyễn Quang Vinh. Phó Chủ tịch điều hành VCCI - Chủ tịch VBCSD đã có những chia sẻ với phóng viên Vietnam Business Forum về vấn đề này.

Phát triển bền vững đang trở thành “hộ chiếu xanh” để các doanh nghiệp chủ động, linh hoạt hơn trong các hoạt động quản trị, sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Xin ông cho biết vì sao cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp cần phải đặt ra mục tiêu phát triển bền vững?

Phát triển bền vững (PTBV) không còn là câu chuyện xa vời của những DN lớn, mà giờ đây đã trở thành câu chuyện sinh tồn của tất cả DN. Minh chứng là trong các FTA Việt Nam tham gia thì đều có nội dung và các yêu cầu liên quan đến thực hiện kinh doanh có trách nhiệm, ví dụ như EVFTA đã xây dựng riêng Chương 13 về Thương mại và PTBV. Việc áp dụng các mô hình kinh doanh bền vững như kinh tế tuần hoàn cũng hướng đến mục tiêu PTBV.

Hiện nay, vai trò của DN thể hiện ở nhiều mặt, không chỉ đảm nhiệm là động lực phát triển kinh tế mà còn ở việc ứng phó với biến đổi khí hậu, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường như thế nào, thực hiện trách nhiệm xã hội ra sao... Có thể dùng hình tượng kiềng ba chân để nói về việc một DN chỉ có thể phát triển bền vững khi làm tốt cả ba mặt kinh tế, xã hội và môi trường.

Trong bối cảnh hiện nay, nếu anh muốn mạnh, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh thì anh phải đầu tư cho phát triển bền vững, còn không thì buộc lòng phải bị đào thải. Tăng trưởng không đi đôi với hiệu quả và bền vững thì liệu có ý nghĩa? DN quản trị tốt chưa đủ mà cần phải xây dựng được định hướng phát triển bền vững như chìa khóa để hướng tới thành công.

Với yêu cầu bức thiết về phát triển bền vững, theo ông, đâu là những giải pháp phù hợp để nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn?

Trong những năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp dần chuyển dịch định hướng, chiến lược kinh doanh từ “kinh doanh vì lợi nhuận” sang kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh nhằm tạo ra những giá trị mới cho xã hội. Xu hướng này cũng được đẩy mạnh hơn qua bốn đợt dịch Covid-19 vừa qua. Trong đó, việc tiếp cận các chuẩn mực Môi trường, Xã hội và Quản trị công ty trong đánh giá doanh nghiệp (ESG) thành một công cụ quan trọng để các tổ chức ra quyết định liệu có đầu tư vào một doanh nghiệp hay không.

Theo các tổ chức đầu tư, nhìn sâu vào mới thấy những yếu tố tưởng phi tài chính như ESG lại mang ý nghĩa tài chính rất lớn, vì một công ty đầu tư theo ESG, hay nói cách khác là đầu tư cho hoạt động quản trị doanh nghiệp khoa học, chuyên nghiệp, là một công ty cam kết với sự phát triển bền vững và chắc chắn sẽ gặt hái được những lợi ích về mọi mặt trong dài hạn.

Dù đã có những điển hình thành công, nhưng số doanh nghiệp tham gia ESG tại Việt Nam là chưa nhiều. So với các quốc gia khác tại Châu Á Thái Bình Dương, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam vẫn đang ở giai đoạn đầu trong hành trình ESG.  Đơn cử như trong số 50 công ty niêm yết hàng đầu, chưa tới một nửa xem biến đổi khí hậu là vấn đề quan trọng và mới chỉ một phần ba công bố các rủi ro và cơ hội liên quan đến khí hậu. Hay xét đến bức tranh của các khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam, với gần 400 KCN đang hoạt động, tỷ lệ KCN ban hành các chính sách phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và quản trị bền vững vẫn ở mức thấp. Các KCN quan tâm đến chính sách quản lý rủi ro (hay tuân thủ luật pháp) nhiều hơn các chính sách mang lại sự phát triển bền vững cho KCN và các doanh nghiệp tham gia.

Ngoài ra, Việt Nam chưa có quy định pháp luật bắt buộc các doanh nghiệp niêm yết phải xây dựng và công bố báo cáo bền vững. Điều này phần nào dẫn đến tình trạng doanh nghiệp thiếu đi “động lực” để thực hiện ESG, cũng như triển khai các công tác minh bạch thông tin. Đó cũng là lý do VCCI đã liên tục đưa ra kiến nghị trong nhiều năm về việc cần có quy định yêu cầu các doanh nghiệp lập báo cáo bền vững thường niên, từ đó mới có thể tạo đà cho sự phát triển của ESG tại Việt Nam, cũng như cải thiện “sức khỏe” của thị trường chứng khoán và mở rộng ra là cộng đồng doanh nghiệp nước nhà.

Bên cạnh ESG, từ năm 2016 đến nay, VCCI, với hạt nhân là VBCSD đã tích cực thúc đẩy thực hành quản trị doanh nghiệp bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc giới thiệu đến các doanh nghiệp Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) và tổ chức Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững Việt Nam. Qua 06 năm triển khai và phát triển, đến nay Bộ Chỉ số đã được nâng cấp ngày càng hoàn thiện, trở nên thân thiện và gần gũi hơn với các 130 tiêu chí chi tiết và cụ thể, dễ áp dụng đối với điều kiện của các doanh nghiệp trong nước. Trong đó, có tới 68% chỉ tiêu liên quan đến yêu cầu tuân thủ pháp luật, các chỉ tiêu liên quan đến sáng kiến kinh doanh bền vững chiếm 32%. Điều này cho thấy chỉ cần tuân thủ tốt các quy định của pháp luật, doanh nghiệp đã có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững nói chung, và dễ dàng được đánh giá cao trong Chương trình Đánh giá, Công bố Doanh nghiệp bền vững nói riêng. Cần nhấn mạnh rằng dù là doanh nghiệp vừa và nhỏ thì tuân thủ pháp luật cũng là yêu cầu cơ bản mà doanh nghiệp phải thực hiện. Như vậy, áp dụng Bộ chỉ số CSI không hề xa tầm với của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều doanh nghiệp áp dụng CSI cho biết Bộ chỉ số có thể hỗ trợ hiệu quả công tác lập chiến lược, kế hoạch kinh doanh; rà soát các lỗ hổng trong hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó giúp doanh nghiệp vận hành tốt hơn và nắm bắt kịp thời các cơ hội kinh doanh mới.

Ngoài ra, để nâng cao năng lực quản trị tại các KCN, chúng tôi cũng đang triển khai Sáng kiến Khu công nghiệp bền vững từ năm 2021, hướng đến xây dựng và thúc đẩy áp dụng Bộ chỉ số KCN bền vững trên mạng lưới các KCN toàn quốc.

Bên cạnh ESG và CSI, Kinh tế tuần hoàn cũng được coi là giải pháp để DN đạt được các mục tiêu lợi nhuận mà không làm tổn hại đến môi trường. Theo ông, đâu là giải pháp để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn?

Với việc hứa hẹn mang lại giá trị hơn 4,5 nghìn tỷ USD mỗi năm, và có khả năng tạo ra hơn 1,5 triệu việc làm mới, bền vững, áp dụng KTTH đang là một xu hướng mạnh mẽ ở nhiều quốc gia trên thế giới. VCCI đã đi tiên phong trong việc thúc đẩy KTTH trong cộng đồng doanh nghiệp nước nhà từ rất sớm, tiêu biểu là VBCSD-VCCI đã khởi xướng Sáng kiến Hỗ trợ Doanh nghiệp triển khai mô hình KTTH tại Việt Nam từ năm 2018. Chúng tôi cũng đã giới thiệu đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam những hướng dẫn để chuyển dịch từ mô hình kinh tế truyền thống sang KTTH theo tiêu chuẩn quốc tế thông qua ấn phẩm Chỉ tiêu chuyển đổi mô hình kinh tế tuần hoàn (CTI) do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) biên soạn. Các dự án, sáng kiến về KTTH cũng đang được VBCSD phối hợp với các doanh nghiệp thành viên triển khai mạnh mẽ. Ngay trong Chương trình CSI, chúng tôi cũng xây dựng hạng mục riêng để biểu dương các DN triển khai tốt hoạt động sản xuất kinh doanh theo mô hình KTTH, từ đó thúc đẩy cộng đồng DN tích cực chuyển đổi sang KTTH hơn nữa.

Tại Việt Nam, để KTTH thực sự đi vào thực tiễn và có hiệu quả, các hướng dẫn, quy định cụ thể hiện đang được xây dựng. Việt Nam đã đưa nội dung về triển khai thực hiện KTTH là một trong những Chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường và được quy định tại Điều 142 về KTTH của Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020. Xây dựng kinh tế tuần hoàn được Đại hội XIII của Đảng xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.

Nhưng để thúc đẩy mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa, VCCI đề xuất cần thiết hướng tới một Luật riêng về ứng dụng mô hình này. Có thể khẳng định rằng việc có một hành lang pháp lý hỗ trợ rất nhiều cho việc thúc đẩy chuyển đổi sang mô hình KTTH tại doanh nghiệp.

Chúng ta có thể nghiên cứu, tham khảo các bộ luật về KTTH đã được các quốc gia khác áp dụng. Chính phủ cũng nên cân nhắc việc lựa chọn một số ngành nghề, lĩnh vực phù hợp để áp dụng mô hình KTTH, đề ra lộ trình thích hợp với các chỉ tiêu cụ thể để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp thực hiện. Những nhà hoạch định chính sách khi xây dựng Luật KTTH cũng cần trang bị một tư duy "chuyển đổi hệ thống" bao quát và toàn diện, từ đó mới có thể tiếp cận và triển khai KTTH thực sự hiệu quả. Bên cạnh đó, cần lưu ý đặt yếu tố con người là trung tâm của Luật, đảm bảo "không ai bị bỏ lại phía sau" trên lộ trình chuyển đổi sang một mô hình kinh tế mới.

Trân trọng cảm ơn ông!

Nguồn:  Vietnam Business Forum