Triển khai Chương trình Bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới

16:04:48 | 6/10/2022

Ngày 6-10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ( NN&PTNT) phối hợp cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn và Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới.


Quang cảnh hội nghị

Hội nghị đã triển khai 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, gồm: Quyết định 925/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 về việc phê duyệt chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 và Quyết định 924/QĐ-TTg ngày 2-8-2022 về phê duyệt chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp dần khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 924/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021 – 2025.

Theo đó, Chương trình hướng tới các mục tiêu trong phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số: Ít nhất 90% hồ sơ công việc cấp trung ương, cấp tỉnh, 80% hồ sơ công việc cấp huyện và 60% hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; phấn đấu 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số. Có ít nhất 70% xã có các hợp tác xã, 70% cấp huyện có các mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản chủ lực và 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số. Có ít nhất 40% đơn vị (cấp xã, huyện) cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục, giám sát cộng đồng, an ninh trật tự, môi trường, văn hóa) và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân/cộng đồng về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến. Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố có ít nhất 1 mô hình thí điểm xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội nhất (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường, văn hoá…).

Chương trình đặt ra 4 nhiệm vụ: tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới;  thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn; tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới và 5 giải pháp trọng tâm: đào tạo và nâng cao năng lực về chuyển đổi số; xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách; đẩy mạnh phát triển hạ tầng số và dữ liệu số; triển khai thí điểm mô hình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; huy động nguồn lực triển khai.


Môi trường nông thôn

Hướng tới mục tiêu góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn và bền vững; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống; bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn trở thành nơi đáng sống; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 925/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 phê duyệt Chương trình tăng cường bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó tối thiểu 55% dân số nông thôn được tiếp cận bền vững với nước sạch đạt quy chuẩn; 40% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; ít nhất 50% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; mỗi tỉnh, thành phố triển khai 1 - 2 mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện trở lên với công nghệ phù hợp; ít nhất 15% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; ít nhất 35% số huyện có đề án cải tạo chất lượng môi trường nước mặt khu vực công cộng và có mô hình xây dựng hoặc cải tạo cảnh quan ao hồ; có 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; 80% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm...

Chương trình gồm 9 nhiệm vụ chính về: cấp nước sạch nông thôn; chất thải rắn sinh hoạt; nước thải sinh hoạt; chất thải và phụ phẩm nông nghiệp; bao gói thuốc bảo vệ thực vật; bảo vệ môi trường làng nghề; cảnh quan môi trường nông thôn; an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản; công tác vệ sinh và 04 giải pháp trọng tâm: truyền thông và nâng cao năng lực; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách; khoa học công nghệ; huy động nguồn lực; phát huy vai trò của doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.

Thảo luận tại hội nghị, đại biểu các tỉnh: Quảng Nam, Trà Vinh, Thanh Hóa, Cà Mau, Kiên Giang và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề cập đến kết quả, những khó khăn, hạn chế trong công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới tại địa phương; đề xuất Chính phủ, bộ, ngành Trung ương giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, tồn tại; đồng thời nêu một số kinh nghiệm, giải pháp để triển khai thực hiện hiệu quả 2 Chương trình. Trong đó tập trung vào các vấn đề về phân loại, thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn nông thôn; xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp; thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt và xử lý ô nhiễm môi trường nước mặt khu vực nông thôn; thu gom, xử lý, tái sử dụng chất thải chăn nuôi và phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng mạng lưới cung cấp nước sạch từ công trình cấp nước tập trung; xây dựng các chợ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm...


Ông Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghệ T-Tech Việt Nam

Trong chương trình, đại biểu tỉnh An Giang, Bắc Kạn, Lai Châu, Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam đã thông tin về tình hình, các hoạt động triển khai chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Trọng tâm vào các nội dung về việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, dữ liệu cơ sở, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chuyển đổi số; xây dựng mô hình thí điểm tại các địa phương còn nhiều khó khăn để đẩy mạnh phát triển kinh tế số; thí điểm mô hình “xã thông minh”; thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục, y tế, du lịch...

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân hoan nghênh các địa phương đã có nhiều mô hình, giải pháp hay trong bảo vệ môi trường nông thôn và cần được nhân rộng trên cả nước. Đồng chí cho biết đến thời điểm hiện tại Trung ương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; đây là những căn cứ, cơ sở pháp lý quan trọng để các cơ quan, đơn vị thực hiện. Do đó trong thời gian tới các cấp, các ngành, địa phương cần tập trung thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường nông thôn để nâng cao chất lượng môi trường sống người dân, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp. Đồng thời quan tâm triển khai hiệu quả 6 nhiệm vụ trọng tâm về các vấn đề: xử lý, thu gom rác thải sinh hoạt, rác thải công nghiệp; có cơ chế chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư để xử lý nước thải ở các làng nghề, chăn nuôi, nước thải sinh hoạt, đặc biệt là ở khu vực miền núi; xử lý dứt điểm các bãi rác gây ô nhiễm môi trường; đầu tư nâng cao cơ sở hạ tầng, đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu tại Chương trình; chủ động xây dựng các phương án, đề án về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, cấp nước sạch... Đồng chí Thứ trưởng cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác liên quan.

Kết luận Hội nghị, đồng chí Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các cơ quan, đơn vị, tỉnh, thành tiếp tục tham góp ý vào dự thảo các Kế hoạch triển khai Quyết định 924/QĐ-TTg, 925/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện, trình ban hành, sớm triển khai thực hiện. Đồng chí cũng nhấn mạnh các địa phương cần chủ động triển khai thực hiện đảm bảo mục tiêu đã đề ra tại 2 Chương trình về bảo vệ môi trường và chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới; trong đó tập trung vào xây dựng, nhân rộng các mô hình thí điểm trên các lĩnh vực.

Minh Ngọc (Vietnam Business Forum)