08:36:41 | 7/10/2022
Trải qua 59 năm hoạt động và phát triển, VCCI với vai trò là tổ chức quốc gia cho cộng đồng doanh nghiệp, các Hiệp hội doanh nghiệp, người sử dụng lao động và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, có chức năng và nhiệm vụ: Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp và hỗ trợ phát triển cho doanh nghiệp, doanh nhân trong bối cảnh phấn đấu nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Nâng cao vị thế doanh nhân Việt Nam
Là tổ chức đi đầu trong việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân, trong những năm qua, VCCI đã đưa ra thông điệp “Doanh nhân – người lính thời bình” để cổ vũ và phát động tinh thần doanh nhân trong xã hội, đã tổ chức tôn vinh và trao tặng danh hiệu “ Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” và các hình thức tôn vinh khác cho các doanh nhân Việt Nam. Đặc biệt, VCCI đã chủ động đề xuất và tham gia tổ biên tập đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09- NQTW ban hành ngày 9/12/2011 “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. NQ 09 được triển khai thực hiện rộng rãi trên khắp các tỉnh, thành, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp và doanh nhân trong cả nước.
Nhân kỷ niệm Ngày doanh nhân Việt Nam 13-10 năm nay, VCCI phát động và tổ chức chương trình bình xét và trao tặng danh hiệu “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu”. Đây là nội dung đã được đề cập trong Nghị quyết quan trọng nêu trên. Trải qua 9 lần bình xét và đã có 800 lượt doanh nhân được tôn vinh, trao danh hiệu, “Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu” đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò, tầm quan trọng của đội ngũ doanh nhân. Các doanh nhân tiêu biểu được bình chọn đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước, hỗ trợ phòng chống đại dịch Covid 19, xóa nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai và trở thành tấm gương truyền lửa cho các thế hệ doanh nhân, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nhân Việt Nam lớn mạnh.
Cho đến nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Hiện Việt Nam đã có gần 900 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn HTX và khoảng 5,1 triệu hộ kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã mạnh dạn, tạo được đột phá trong quản trị doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh với những dự án đầy tham vọng, vươn xa ra thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp của tư nhân có quy mô, tiềm lực tài chính lớn và quản trị, công nghệ hiện đại, tiên phong trong một số ngành, lĩnh vực quan trọng như sản xuất ô tô, hàng không, công nghệ thông tin, viễn thông, dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp... Khi đất nước căng mình ứng phó với đại dịch COVID-19 và các tác động bất lợi từ bối cảnh quốc tế, các doanh nhân Việt Nam cũng chính là những chiến sĩ tiên phong, kiên cường đồng hành cùng đất nước vượt qua những giai đoạn khó khăn…
Góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh
Với vai trò là đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI luôn kịp thời phản ánh các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi các chính sách pháp luật; đồng thời, đề xuất, kiến nghị các giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp trong nước.
Xuyên suốt các hoạt động của mình, VCCI luôn lấy mục tiêu phát triển cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam làm trọng tâm, nỗ lực không ngừng việc nâng cao chất lượng hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng; từng bước hiện thực hóa mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam có tâm, có tầm, có văn hóa tăng về số lượng và nâng tầm về chất lượng.
Bên cạnh việc góp ý xây dựng và thực hiện Đề án cải cách hành chính của Chính phủ, VCCI đã tổ chức nghiên cứu, công bố và tư vấn hỗ trợ các địa phương nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), nhằm đánh giá về chất lượng điều hành kinh tế, mức độ thuận lợi, thân thiện của môi trường kinh doanh và nỗ lực cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam trong các nỗ lực điều hành công cuộc phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, qua đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực tư. Công trình nghiên cứu được đánh giá cao và có hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trong các địa phương, tạo sự thi đua đồng bộ, tích cực từ các địa phương. Trải qua 17 năm công bố PCI, VCCI đã thể hiện sự bền bỉ, nỗ lực, 17 năm của những đánh giá khách quan, trung thực, 17 năm hành động để cải thiện môi trường kinh doanh hiệu quả.
VCCI cũng chủ trì và đồng chủ trì nhiều diễn đàn đối thoại chính sách kinh tế và kinh doanh lớn, có uy tín ở Việt Nam như: Hội nghị thường niên Thủ tướng gặp doanh nghiệp, Diễn đàn kinh tế Việt Nam, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – VBF… Nhiều diễn đàn quốc tế lớn của giới doanh nhân cũng được VCCI tổ chức thành công ở Việt Nam như: Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp EU – ASEAN, Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp GMS, ASEAN BIS, ASEAN BAC… và các diễn đàn kinh doanh với các nước có sự tham gia của các CEO hàng đầu và nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước trên thế giới.
Trong lĩnh vực thúc đẩy khởi nghiệp và đào tạo, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, VCCI là tổ chức đi đầu trong việc tổ chức các Festival khởi nghiệp và xây dựng mạng lưới các trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong cả nước. Chương trình đào tạo Khởi sự và phát triển doanh nghiệp (SIYB) do VCCI phối hợp với tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện được triển khai ở hầu hết tỉnh, thành phố trong cả nước.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, VCCI đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác. VCCI được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC) đánh giá là một trong những phòng thương mại và công nghiệp năng động nhất trong các nước đang phát triển.
Sứ mệnh mới - tầm nhìn mới
Đại hội toàn quốc VCCI lần thứ VII với chủ đề: “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia hùng cường, thịnh vượng”, một lần nữa khẳng định quyết tâm và những nỗ lực của VCCI trong việc hỗ trợ doanh nghiệp, đề cao, trân trọng sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp Việt trong quá trình phát triển và dựng xây đất nước.
Đại hội đã quyết định những vấn đề trọng đại, đề ra 6 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm và 3 đột phá chiến lược, mạnh dạn và có tư duy mới cho nhiệm kỳ mới. Đặc biệt, đại hội đã quy tụ được Ban chấp hành nhiệm kỳ 2021-2026 lớn mạnh nhất, gồm 93 thành viên có năng lực, trong đó có đại diện nhiều doanh nghiệp lớn, có vai trò dẫn dắt các ngành kinh tế quan trọng của đất nước, với tổng doanh thu năm 2020 tương đương gần 100 tỷ USD và lực lượng lao động gần 1 triệu người.
Cộng đồng doanh nghiệp Việt đang đứng trước các khó khăn, thách thức đan xen với cơ hội thuận lợi cho sự phát triển, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tỉnh táo trước các quyết định của mình, tận dụng tối đa cơ hội, khắc phục khó khăn, chủ động nâng cao năng lực tuân thủ, năng lực quản trị, nâng cao tay nghề cho người lao động... Bởi vậy, VCCI cần có những đổi mới căn bản, kịp thời về định hướng phát triển của tổ chức, cơ chế hoạt động, quan điểm và phương thức hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng được nhu cầu thực tiễn, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp khôi phục và phát triển sản xuất – kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi để khai thác tốt và tận dụng hiệu quả cơ hội phát triển trong tình hình mới.
Với quan điểm định hướng hoạt động của VCCI phải đồng bộ với định hướng phát triển của đất nước, tầm nhìn của VCCI là: “Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia hùng cường, thịnh vượng”. Sứ mệnh của VCCI là liên kết, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp bền vững, văn minh, hội nhập và ngang tầm thế giới, cùng phấn đấu xây dựng Việt Nam đến năm 2045 trở thành quốc gia phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Trong thời gian tới, VCCI tiếp tục đồng hành, là “chỗ dựa”, là “mái nhà chung” của các doanh nghiệp, là tiếng nói, cầu nối giữa doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước và xã hội, là “hạt nhân” gắn kết cộng đồng doanh nghiệp, lấy liên kết làm sức mạnh, cùng tạo nên một cộng đồng hợp tác; Thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, chủ động tham gia sâu hơn, tích cực và hiệu quả hơn vào quá trình xây dựng pháp luật, chính sách, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia cũng như các địa phương.
Đặc biệt, VCCI tích cực tham gia phát triển đội ngũ doanh nhân, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ doanh nhân có tinh thần cống hiến cho dân tộc, có chuẩn mực văn hóa, đạo đức tiến bộ, tích cực thực hiện trách nhiệm xã hội và tham gia phát triển xã hội mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tạo nền tảng để doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội mới của cách mạng công nghiệp 4.0, thay đổi mô hình kinh doanh, cơ cấu lại sản phẩm và thị trường, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp cũng như cả cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, khai thác, phát huy các tiềm năng kinh tế và lợi thế của Việt Nam trong nền kinh tế toàn cầu.
VCCI hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh công tác liên kết vùng. Để kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp vùng miền, VCCI sẽ mở thêm chi nhánh tại các địa phương, quan tâm đầy đủ cho sự phát triển chung, tạo chuyển biến cho năm 2022, tạo đà cho cả giai đoạn 2021-2026 và các giai đoạn tiếp theo. Bám sát mục tiêu và khát vọng của đất nước tạo giá trị hiệu triệu cao.
Việc nâng cao vị thế của doanh nhân- doanh nghiệp Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế sau đại dịch là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong giai đoạn hiện tại. VCCI sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nhân, doanh nghiệp trong sứ mệnh gian khó nhưng rất vinh quang này.
Hoàng Quang Phòng, Phó Bí thư Đảng đoàn - Phó chủ tịch VCCI
Nguồn: Vietnam Business Forum
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI