10:49:06 | 10/10/2022
Trong 9 tháng năm 2022, xuất khẩu một số mặt hàng chủ yếu: Thủy sản, hàng rau quả, hạt điều, hạt tiêu, chè, cà phê, gạo, sắn và sản phẩm sắn, cao su đã phần nào hồi phục, đạt mức tăng trưởng khá. Một số mặt hàng xuất khẩu nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng cả về lượng và giá trị xuất khẩu.
Mặc dù ngành nông nghiệp thực hiện kế hoạch trong điều kiện thời tiết diễn biến phức tạp, nhiều thời điểm giá vật tư, nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp (xăng dầu, phân bón, thức ăn chăn nuôi,…) tăng mạnh, khủng hoảng lương thực toàn cầu ngày càng tăng bởi tác động kép của xung đột Nga – U-crai-na,…. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ, quyết liệt và linh hoạt. Nhờ vậy, nông nghiệp tăng trưởng khá; năng suất, sản lượng nhiều sản phẩm chủ lực tăng, đảm bảo đủ nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, góp phần vào tăng trưởng chung của kinh tế cả nước và thúc đẩy tăng giá trị xuất khẩu.
Có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD gồm: thủy sản, cà phê, gạo, cao su, rau quả, điều, gỗ và sản phẩm gỗ. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng thủy sản ước đạt 8,5 tỷ USD, tăng 38% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông, lâm sản đạt 18,5 tỷ USD, tăng 6,2%, trong đó có 6 mặt hàng có giá trị xuất khẩu tăng là: Cà phê đạt 3,1 tỷ USD, tăng 37,6% (lượng tăng 13,7%); gạo đạt 2,6 tỷ USD, tăng 9,3% (lượng tăng 19,3%); cao su đạt 2,3 tỷ USD, tăng 7,8% (lượng tăng 9,7%); sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1 tỷ USD, tăng 21% (lượng tăng 9,2%); hạt tiêu đạt 774 triệu USD, tăng 7,7% (mặc dù lượng giảm 17,4% nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng do giá xuất khẩu tăng); chè đạt 156 triệu USD, tăng 1,6% (lượng giảm 0,8%). Có 2 mặt hàng có giá trị xuất khẩu giảm là: Rau quả đạt 2,45 tỷ USD, giảm 11,1%; hạt điều đạt 2,3 tỷ USD, giảm 14% (lượng giảm 10,6%).
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với hệ thống thương vụ Việt Nam tại 176 thị trường nước ngoài và tại cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, định hướng thúc đẩy xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu năm 2022, định hướng giai đoạn 2023 – 2025.
Trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động hợp tác song phương, đa phương, mở cửa thị trường cho nông sản Việt; tiếp tục phối hợp với cơ quan Thương vụ Việt Nam, Tham tán Nông nghiệp xây dựng kế hoạch tổ chức các hội nghị trực tuyến kết nối ngành hàng nông sản với hiệp hội, doanh nghiệp các nước khối EU, Trung Quốc, Nhật Bản.
Đặc biệt trong bối cảnh còn nhiều thách thức với xuất khẩu từ nay đến cuối năm, những chỉ đạo kịp thời từ Chính phủ nhằm mục tiêu củng cố thị trường truyền thống, khai thác các thị trường mới nhiều tiềm năng, tận dụng hiệu quả các Hiệp định FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.
Nguồn: Trang Thông tin điện tử Tổng cục Thống kê
07/12/2023 (thứ năm)
Hội trường số 1, tầng 7, toà nhà VCCI Số 9 Đào Duy Anh, Q. Đống Đa, Hà Nội