Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới: Nhiều tín hiệu tích cực

09:31:11 | 8/11/2022

Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), hướng tới NTM thông minh giai đoạn 2021-2025 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 924/QĐ-TTg, ngày 2/8/2022,  nhiều địa phương đã nhanh chóng triển khai từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số Quốc gia của Chính phủ.

“Bước đi đột phá” trong xây dựng nông thôn mới.

Đưa chuyển đổi số vào nông nghiệp nói chung và xây dựng NTM nói riêng, là chủ trương của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia này. Việc đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng NTM là giải pháp tối ưu, xu hướng tất yếu để phát huy hiệu quả các tiềm năng của nông nghiệp, nông thôn trong bối cảnh hiện nay. Đây có thể xem là “bước đi đột phá” mang lại lợi ích cho nhiều đối tượng sử dụng như người sản xuất, người tiêu dùng, cơ quan kiểm dịch, cơ quan quản lý... là sáng tạo của địa phương và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tạo sự thu hút, sức lan tỏa về ứng dụng công nghệ trong phát triển sản xuất, xây dựng NTM.

Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh và chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Bởi vậy, toàn tỉnh cần thống nhất những giải pháp phối hợp triển khai một cách chủ động, linh hoạt với 3 trụ cột phát triển ở nông thôn gồm chính quyền số, các chủ thể kinh tế số và xã hội số cho cộng đồng dân cư. 

Theo đó, mô hình xã nông thôn mới thông minh giải quyết 100% hồ sơ thông qua hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; đạt tỷ lệ tối thiểu 80% và phấn đấu 90% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp và xử lý trực tuyến, người dân chỉ nhập dữ liệu một lần; đảm bảo điều kiện 100% cuộc họp, hội nghị 3 cấp tỉnh, huyện, xã áp dụng hình thức trực tuyến.  Phát triển kinh tế số quảng bá hình ảnh điểm du lịch, nét văn hóa đặc trưng của xã được thông qua ứng dụng internet, mạng xã hội. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nông nghiệp đều cho phép thanh toán điện tử, các sản phẩm, hàng hóa OCOP được đăng ký, giới thiệu trên các sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmart.vn và các sàn thương mại điện tử uy tín khác ở trong và ngoài nước. 

Phát triển xã hội số có kênh tương tác 2 chiều ứng dụng eGov-Connect, trang thông tin điện tử, thư điện tử, facebook, zalo...... lắp đặt hệ thống mạng wifi internet miễn phí, hệ thống camera giám sát tích hợp với Trung tâm Điều hành thông minh của tỉnh Lâm Đồng.

Tại tỉnh An Giang hiện nay có 89/116 xã đạt tiêu chí 8 về thông tin và truyền thông thuộc bộ tiêu chí quốc gia xã NTM, đạt tỷ lệ 76,72%. Về phát triển hạ tầng số, toàn tỉnh hiện có 129 điểm bưu điện văn hóa xã trên tổng số 116 xã, trong đó, 113 điểm đang hoạt động. Internet cáp quang tốc độ cao đã đến 100% trung tâm xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh. Internet di động băng rộng phủ sóng 100% khóm, ấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ, tìm kiếm thông tin của người dân trong tỉnh. 100% cơ quan nhà nước của tỉnh có mạng cục bộ (LAN) và được kết nối mạng internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và nhà nước. Chương trình khoa học - công nghệ phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã triển khai được 664 mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nguồn kinh phí sự nghiệp do Trung ương phân bổ cho địa phương, góp phần tăng thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn qua các năm.

Tăng cường đào tạo về năng lực chuyển đổi số

Không chỉ tỉnh Lâm Đồng và An Giang thời gian qua một số địa phương trên cả nước cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Theo đại diện Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG gia tỉnh Bắc Giang, tỉnh đã phê duyệt 52 nhóm sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng để tập trung sản xuất hàng hóa; bên cạnh đó tỉnh có 180 sản phẩm OCOP là những sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu đại diện cho văn hóa, tập quán, thế mạnh của mỗi vùng, mỗi địa phương của tỉnh; có xuất xứ rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm, được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây chính là dư địa lớn cho chuyển đổi số vào lĩnh vực nông nghiệp.

Theo đó, tỉnh Bắc Giang cho biết đã ban hành Kế hoạch hỗ trợ đưa hộ nông dân, HTX sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn tỉnh Bắc Giang; …Hướng tới hình thành các Hộ sản xuất nông nghiệp số (có gian hàng số, địa chỉ số, tài khoản thanh toán số, truy xuất nguồn gốc số, nhãn hàng số trên các sàn thương mại điện tử); xây dựng phần mềm cơ sở dữ liệu về chuyên trang thương mại điện tử tỉnh Bắc Giang; tổ chức tập huấn kỹ năng kinh doanh trực tuyến, kiến thức khởi nghiệp trên sàn thương mại điện tử...

Để thực hiện tốt Chương trình chuyển đổi số trong xây dựng NTM, hướng tới nông thôn mới thông minh, Bắc Giang đề xuất Bộ NN&PTNT sớm tham mưu Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Tăng cường đào tạo nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ các cấp và người dân.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, việc chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai, qua đó hỗ trợ tích cực sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông lâm thủy sản, xây dựng chính quyền điện tử...Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ và cộng đồng dân cư; đẩy mạnh xây dựng chính quyền số trong xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn.

Đình Bảo (Vietnam Business Forum)