Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam sang Hoa Kỳ ngày càng tăng đồng nghĩa với nguy cơ doanh nghiệp bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại cũng tăng theo. Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã chỉ rõ những nguy cơ thách thức liên quan đến các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại mà doanh nghiệp Việt Nam đối mặt khi gia tăng xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ.
Hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại thứ 2 của Việt Nam, còn Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ, với kim ngạch thương mại song phương năm 2021 gần 113 tỷ USD. Đây được đánh giá là kết quả ban đầu, thị trường Hoa Kỳ vẫn đã và đang tạo ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.
Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung (ảnh: H.L)
Thế nhưng, đi kèm với cơ hội là những thách thức. Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại nhận định: với hệ thống pháp luật chặt chẽ về điều tra phòng vệ thương mại, Hoa Kỳ là thị trường thực hiện nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá, phòng vệ thương mại với các nước xuất khẩu hàng hoá số lượng lớn vào Hoa Kỳ. Trong đó, có Việt Nam.
Xu hướng nổi lên trong thời gian gần đây, theo ông Chu Thắng Trung là sự gia tăng của các điều tra chổng lấn tránh phòng vệ thương mại. Năm 2022, Hoa Kỳ thực hiện điều tra 11 vụ việc đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam nhưng chỉ có 1 vụ việc liên quan đến chống phá giá, 10 vụ việc còn lại là liên quan chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Điều này có nghĩa là Hoa Kỳ cáo buộc hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính được nhập khẩu của nước thứ 3 đã bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để lẩn tránh thuế.
Quan sát từ các vụ việc điều tra này, lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại cho rằng, liên quan nhiều đến chuỗi giá trị. Trong khi đó, từ năm 2021, Hoa Kỳ đã sửa đổi quy định liên quan đến điều tra phòng vệ thương mại với quy định chi tiết hơn, phạm vi rộng hơn hay ban hành Luật về chống lao động cưỡng bức mà vụ kiện sản phẩm dệt may nước ta sử dụng nguyên liệu bông xuất xứ từ Tân Cương là điển hình.
Có thể thấy, khi sản phẩm hàng hoá Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu thì nguy cơ rủi ro, thách thức liên quan đến phòng vệ thương mại càng nhiều, trong đó chủ yếu là vụ việc liên quan đến điều tra chống lẩn tránh phòng vệ thương mại. Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua được những thách thức trên để giữ vững thị trường và gia tăng xuất khẩu bền vững trên cơ sở chấp hành nghiêm quy định của Hoa Kỳ?
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại tâm đắc với ý kiến của các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần phải thích ứng và đáp ứng được yêu cầu, quy chuẩn của Hoa Kỳ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chất lượng, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong sản phẩm, tránh cạnh tranh về giá, hạn chế nguy cơ xảy ra. Ngoài ra, cần đánh giá sản phẩm có nguy cơ gặp rủi ro hơn trong phòng vệ thương mại. Đó là các mặt hàng Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với một nước thứ ba.
Các doanh nghiệp cần chủ động đánh giá sản phẩm có nguy cơ rủi ro trong phòng vệ thương mại