09:37:46 | 29/11/2022
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam hiện có trên 500 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN) được phê duyệt, trong đó gần 400 KCN đang hoạt động với tổng diện tích 123 nghìn ha tại 61/63 tỉnh/thành phố. Số lượng các KCN đưa vào hoạt động tăng dần đều qua các năm.
Bên cạnh các quy định chung về quy hoạch, đầu tư, bảo vệ môi trường, lao động..., quản lý hoạt động của KCN được quy định theo Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/ 5/2018 về quản lý KCN và khu kinh tế, được thay thế bằng Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28/5/2022 quy định về quản lý KCN và khu kinh tế từ ngày 15/7/2022.
Chương trình thúc đẩy các KCN bền vững tại Việt Nam do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD) thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) triển khai dưới sự chỉ đạo của VCCI, Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tổ chức và thành viên của VBCSD trong giai đoạn 2021-2025. Chương trình hiện đang ở giai đoạn khởi động, xây dựng các cơ sở khoa học và pháp lý để triển khai hoạt động trong những năm tiếp theo.
Trong năm 2022, VBCSD cùng tổ chức Sáng kiến Thương mại bền vững tại Việt Nam (IDH Việt Nam) thực hiện nghiên cứu, khảo sát thực trạng các KCN theo khung kinh tế, môi trường, xã hội và quản trị (EESG) với 19 nhóm chỉ tiêu chính. Khảo sát được thực hiện ở cấp quản lý KCN theo hình thức bảng hỏi với 118 KCN và phỏng vấn sâu 45 KCN.
Theo báo cáo kết quả nghiên cứu đánh giá thực trạng một số KCN tại Việt Nam theo khung EESG với số mẫu thực hiện, tỷ lệ ban hành chính sách phát triển EESG thấp (chỉ 39% có chính sách quản trị rủi ro để đảm bảo tuân thủ pháp luật về môi trường, 21% có chính sách quản trị rủi ro đảm bảo tuân thủ về xã hội, 10% có chính sách thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, 13% có chính sách về chuyển đổi số).
Ông Phạm Hoàng Hải, Trưởng nhóm quan hệ đối tác Ban thư ký VBCSD, cho biết một trong những khó khăn lớn nhất của việc quản trị bền vững là thay đổi thái độ, mô hình tổ chức, hoạt động quản trị khi mà các KCN đã có thời gian hoạt động lâu (95% KCN khảo sát được thành lập trước năm 2018) và đã đạt tỷ lệ lấp đầy để có thể thực hiện các cải tiến cộng sinh.
Bên cạnh đó, nhận thức về KCN phát triển bền vững (PTBV) còn yếu. Kết quả phỏng vấn sâu cho biết có tới 50% KCN chưa nghe đến khái niệm KCN PTBV, 30% có nghe hiểu về khái niệm KCN sinh thái và 20% hiểu rõ KCN PTBV cần bảo đảm cân đối về phát triển đồng thời của 4 trụ cột EESG.
Mặt khác, việc ban hành các chính sách, mục tiêu hiện mới tập trung vào một vài khía cạnh thay vì đồng thời tất cả các khía cạnh PTBV; sự sẵn sàng chia sẻ số liệu tài chính còn hạn chế; các thông tin về đầu tư, giá trị kinh tế tạo ra, bao gồm doanh số, lợi nhuận thường là các thông tin cơ bản nhất và mới chỉ được chia sẻ bởi một tỷ lệ nhỏ KCN tham gia khảo sát. Phần lớn các KCN không cung cấp đủ thông tin về vốn đầu tư, doanh thu, thuế. Một trong những nguyên nhân là tính minh bạch và sẵn có các số liệu này trong hệ thống quản trị KCN.
“Còn nhiều hoạt động chưa được duy trì, thực hiện định kỳ. Ví dụ như theo quy định của pháp luật, 100% KCN phải trang bị, đào tạo, bảo dưỡng các thiết bị phòng cháy chữa cháy, tuy nhiên mức độ tuân thủ (kiểm định định kỳ) ở các KCN là khác nhau”, ông Hải cho biết.
Chưa kể việc các KCN quan tâm đến chính sách quản lý rủi ro (tuân thủ luật pháp) nhiều hơn các chính sách mang lại sự phát triển bền vững cho KCN cũng như các doanh nghiệp đang hoạt động tại KCN. Kết quả khảo sát cũng cho thấy chỉ có 22% KCN có chứng chỉ hệ thống quản lý quốc tế, đáng lưu ý 77% KCN không có thông tin kiểm toán cấp doanh nghiệp về các mặt tài chính, xã hội và môi trường.
Theo ông Phạm Hoàng Hải, Việt Nam chưa có cơ sở dữ liệu về thực trạng hoạt động của các KCN theo khung EESG và các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN. Báo cáo nghiên cứu, khảo sát cho thấy thiếu sự phối hợp giữa các bên liên quan trong quản trị KCN, như ban quản lý, chủ đầu tư và các doanh nghiệp.
Do đó, ông Hải cho biết sau nghiên cứu này VBCSD sẽ cùng các chuyên gia được đề cử của Ban chỉ đạo Chương trình và các đơn vị tư vấn xây dựng Bộ chỉ số KCN bền vững (SIP Index) dựa trên khung EESG và tiến hành thử nghiệm mức độ tương thích, phù hợp của SIP Index tại một số KCN tại Việt Nam.
SIP Index sau khi được xây dựng và hoàn thiện sẽ đóng vai trò hỗ trợ các KCN và cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương có thể thường xuyên đánh giá, giám sát cũng như cung cấp các giải pháp để tăng tính bền vững về các mặt EESG của KCN và các doanh nghiệp đang hoạt động trong các KCN này. Đồng thời, SIP Index sẽ thúc đẩy được cơ chế khuyến khích của Nhà nước và các nhà đầu tư quốc tế đối với các doanh nghiệp tích cực đầu tư cho các giải pháp về sản xuất sạch hơn, tiết kiệm tài nguyên, cũng như cải thiện điều kiện sống và làm việc của người lao động.
Bộ chỉ số này cũng sẽ giúp cơ quan quản lý Nhà nước cấp trung ương có một bức tranh tổng thể về hiện trạng về PTBV của các KCN Việt Nam, giúp việc hoạch định chính sách một cách khoa học và thúc đẩy các mô hình KCN bền vững hơn, liên kết giữa các doanh nghiệp, ngành hàng chặt chẽ hơn, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường và góp phần giúp Việt Nam đạt được các cam kết quốc tế liên quan.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ thành lập hiệp hội các KCN bền vững ở cấp trung ương và địa phương, cũng là một trong những mục tiêu chính của Chương trình, sẽ góp phần tạo cơ chế chia sẻ, học hỏi, hỗ trợ và có tiếng nói chung trên hành trình hướng tới PTBV.
Anh Mai (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI