Trách nhiệm xã hội: Đạo đức cơ bản của doanh nhân

12:50:51 | 23/12/2022

Một trong những nội dung cơ bản của Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế chính là nâng cao trách nhiệm của doanh nhân trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.

Tôn trọng chuẩn mực đạo đức thì luôn thành công trên thương trường

Thep PGS.TS Đặng Quang Định, Viện Triết học, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, trách nhiệm xã hội- được hiểu là bổn phận của cá nhân cũng như của cộng đồng xã hội đối với những quyết định và hành động nhằm làm tăng nghĩa vụ và quyền lợi đối với mỗi thành viên trong xã hội. Trách nhiệm xã hội còn được coi là trách nhiệm đạo đức của mỗi cá nhân trong việc giải quyết những vấn đề chung, được thể hiện thông qua các yếu tố, như sự tôn trọng luật pháp, trách nhiệm với môi trường sống, trách nhiệm trong mối quan hệ giữa các thành viên trong cộng đồng…

Tuy nhiên, “những mặt trái của kinh tế thị trường có thể khiến con người chỉ biết đến lợi ích mà quên đi trách nhiệm của mình đối với những người xung quanh và xã hội. Lợi ích cá nhân, tâm lý làm giàu nhanh, làm giàu bằng mọi giá… đã dẫn đến hiện tượng nhiều chủ thể kinh tế coi thường kỷ cương phép nước, lừa đảo, tham ô, tham nhũng… Do vậy, giáo dục ý thức trách nhiệm và thực hiện trách nhiệm xã hội cần phải được đặt ra như một yêu cầu tất yếu đối với mọi công dân, mọi tổ chức và toàn thể xã hội, trong đó có doanh nhân. Một khi doanh nhân biết quan tâm đến hiệu quả, đến các giá trị đích thực, trọng chữ tín, tôn trọng con người và môi trường tự nhiên thì hoạt động của họ sẽ thu hái được thành công và nhận được sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng xã hội”, PGS.TS Đặng Quang Định phân tích.

Sự nghiệp đổi mới ở Việt Nam trong những năm qua đã cho thấy những cá nhân, doanh nghiệp thành công trên thương trường thì hoạt động của họ luôn có sự tôn trọng những chuẩn mực đạo đức và tuân thủ pháp luật. Đó chính là ý thức về trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi công dân trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, là sự thể hiện thái độ chính trị tích cực cũng như lối ứng xử văn minh trong thời đại mới. Đây cũng chính là sức mạnh của mỗi cá nhân, của xã hội, là nhân tố tạo ra năng lực cạnh tranh hiệu quả trong nền kinh tế thị trường, trong sự hội nhập và giao lưu với khu vực và quốc tế. Trong thời đại ngày nay, nhân loại tiến bộ đã ý thức được rằng, những giá trị, chuẩn mực đạo đức và yêu cầu trách nhiệm đạo đức vẫn luôn là vấn đề có ý nghĩa hết sức cần thiết đối với bất kỳ xã hội nào, thời đại nào. Việc đánh giá trình độ phát triển, sự tiến bộ của xã hội luôn luôn gắn liền với những chuẩn mực giá trị, yêu cầu đạo đức bởi đó chính là nền tảng tinh thần, là nội lực thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.

Nghị quyết 09-NQ/TW chỉ rõ, những năm qua đội ngũ doanh nhân trong khu vực doanh nghiệp nhà nước ngày một trưởng thành, chất lượng được nâng lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đội ngũ doanh nhân trong khu vực ngoài nhà nước ngày càng đông đảo, thể hiện tính năng động, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đội ngũ doanh nhân đã phát huy tinh thần dân tộc, ý thức trách nhiệm với xã hội, từng bước nâng cao được uy tín, thương hiệu sản phẩm, thương hiệu doanh nghiệp, góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế. Nhiều doanh nhân đã tích cực tham gia các chương trình xã hội, chương trình xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, chương trình vì cộng đồng, gắn bó hơn với giai cấp công nhân, nông dân và đội ngũ trí thức, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tuy nhiên, PGS.TS Đặng Quang Định đánh giá, trước yêu cầu mới của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đội ngũ doanh nhân Việt Nam còn không ít hạn chế, bất cập, nhất là về kiến thức, sự am hiểu pháp luật và năng lực kinh doanh, kinh nghiệm quản lý, khả năng cạnh tranh và hội nhập. Một bộ phận doanh nhân còn thiếu văn hóa kinh doanh và trách nhiệm xã hội, chưa tự giác tuân thủ pháp luật, lợi dụng những kẽ hở của pháp luật để trục lợi, móc nối với những phần tử thoái hóa, biến chất trong bộ máy quản lý nhà nước, vì lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, làm trầm trọng thêm các tiêu cực xã hội. Vì vậy, một trong những quan điểm chỉ đạo của Nhà nước đã xác định là xây dựng đội ngũ doanh nhân lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, nâng cao trình độ, kiến thức toàn diện của doanh nhân, chú trọng nâng cao phẩm chất đạo đức, ý thức công dân, trách nhiệm xã hội và tinh thần dân tộc của đội ngũ doanh nhân, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cần nhiều chính sách phù hợp hơn nữa

Để tạo điều kiện cho doanh nhân thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, theo PGS.TS Đặng Quang Định, Nhà nước cần có nhiều chính sách, pháp luật phù hợp hơn nữa đối với doanh nhân, nhằm phát huy mạnh mẽ khát vọng của doanh nhân trong thời kỳ mới.

Trong đó, cần quan tâm hơn nữa, đối xử bình đẳng với kinh tế tư nhân. Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ngày 03/6/2019 đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, để kinh tế tư nhân được đối xử bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh, ngày càng trở thành động lực của nền kinh tế, đóng góp ngày càng lớn vào sự nghiệp đổi mới, phát triển của kinh tế - xã hội đất nước.

Bên cạnh đó, cần triển khai có hiệu quả các chính sách liên quan vấn đề thu hút, sử dụng, trọng dụng, đãi ngộ doanh nhân thật sự phù hợp, để họ toàn tâm, toàn ý đóng góp cho sự phát triển đất nước… Cần quán triệt, thực hiện nghiêm túc, sáng tạo, đạt hiệu quả cao nội dung Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế. Có chính sách và triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho doanh nhân đầu tư nghiên cứu đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nghiên cứu thiết kế, thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ mới. Chú trọng đầu tư phát triển doanh nghiệp trong các khu công nghệ cao;  Phát huy hiệu quả các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, vùng chuyên canh sản xuất, chế biến nông, lâm, thuỷ hải sản, đặc biệt là tăng cường liên kết, hợp tác đầu tư giữa các doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân, nông dân và các nhà khoa học; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển lực lượng doanh nhân khu vực nông nghiệp, nông thôn; cải thiện khả năng tiếp cận thông tin tài chính, công nghệ và thị trường của doanh nhân ở khu vực này; chú trọng gắn kết chặt chẽ, bảo đảm hài hoà lợi ích giữa nhà kinh doanh và nhà nông.

Ngoài ra, theo PGS.TS Đặng Quang Định, cần đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính đối với doanh nhân, doanh nghiệp, nêu cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nhân, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích và có biện pháp bảo vệ các doanh nhân đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Đồng thời, cần có quan điểm đột phá phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, phát huy tính tích cực chính trị, năng lực lao động và tinh thần yêu nước, cống hiến, tinh thần trách nhiệm của con người Việt Nam nói chung, doanh nhân nói riêng.

Quỳnh Anh (Vietnam Business Forum)