08:29:28 | 19/12/2022
Giai đoạn vừa qua, năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam đã có cải thiện rõ rệt. Tốc độ tăng NSLĐ bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt khoảng 5,8%/năm, cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011-2015 trước đó. Năm 2021, tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam khoảng 4,7%, cao nhất trong các nước ASEAN. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là nước có mức NSLĐ thấp và khoảng cách khá xa so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Tăng NSLĐ là điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, sau hơn 35 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận trong phát triển kinh tế - xã hội. Ngay cả trong thời kỳ khó khăn do dịch COVID-19, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tăng trưởng dương. Quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng theo hướng cải thiện chất lượng tăng trưởng.
Những thành công trong quá khứ đã thúc đẩy Việt Nam hướng tới các mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao chất lượng cuộc sống cao hơn. Việt Nam cũng xác định các trụ cột chính để hiện thực hóa khát vọng vươn cao, trong đó, nhấn mạnh duy trì tăng trưởng cao dựa trên thúc đẩy năng suất lao động, nuôi dưỡng nền kinh tế đổi mới sáng tạo, để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế gắn với độc lập, tự chủ.
Với những yêu cầu đó, tăng NSLĐ là yếu tố quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong dài hạn và là điều kiện tiên quyết để giúp Việt Nam thu hẹp trình độ phát triển với các nước trong khu vực, hướng tới mục tiêu là nước phát triển với thu nhập cao vào năm 2045.
Theo Báo cáo của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong giai đoạn 2011 - 2021, khung chính sách nền tảng cho cải thiện NSLĐ đã được ban hành theo nhiều nhóm hướng tới ổn định kinh tế vĩ mô và nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và các chính sách cụ thể hỗ trợ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Quan trọng hơn cả, tư duy chính sách về mô hình, hoạt động kinh tế mới đã bước đầu hoàn thiện, nhấn mạnh đến NSLĐ, đổi mới sáng tạo và động lực cho doanh nghiệp.
Ở cấp độ tổng thể nền kinh tế, NSLĐ của Việt Nam có sự cải thiện đáng kể, tăng 2,5 lần, từ 70,3 triệu đồng/lao động năm 2011 lên 171,8 triệu đồng/lao động năm 2021. Tốc độ tăng trưởng NSLĐ trong 10 năm 2011-2020 đạt 6,0%, trong đó, giai đoạn 2011-2015 đạt 5,5% và giai đoạn 2016-2020 đạt 6,4% (vượt mục tiêu kế hoạch đề ra là 5,0%).
Tuy vậy, NSLĐ của Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và chênh lệch có xu hướng gia tăng. Trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, mặc dù NSLĐ thấp nhưng tốc tăng tăng tương đối cao do quá trình chuyển dịch cơ cấu. Trong khi đó, NSLĐ của khu vực công nghiệp - xây dựng thấp và không ổn định, chủ yếu do tham gia ở phân khúc giá trị gia tăng thấp và sử dụng nhiều lao động, chưa thể hiện vai trò dẫn dắt và thúc đẩy tăng trưởng. NSLĐ của khu vực dịch vụ giữ xu hướng tăng nhưng thiếu ổn định và dựa nhiều vào các ngành dịch vụ truyền thống.
Theo vùng kinh tế trọng điểm, NSLĐ không đồng đều, tập trung ở một số thành phố lớn (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu,...) và chủ yếu ở hai vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và phía Nam. Đáng lưu ý, tốc độ tăng NSLĐ có xu hướng giảm dần, các địa phương “dẫn dắt” trong vùng chưa phát huy hết vai trò lan tỏa, chưa đóng vai trò thúc đẩy và lôi kéo tăng trưởng của vùng. NSLĐ của khu vực doanh nghiệp đạt 309,9 triệu đồng/lao động năm 2020, tăng 93,1% so với năm 2011; mức chênh lệch NSLĐ giữa các loại hình doanh nghiệp ngày càng tăng.
Báo cáo cũng cho thấy những rào cản chính đối với doanh nghiệp trong thúc đẩy NSLĐ hiện nay chủ yếu là sự bất định khi đầu tư vào công nghệ; năng lực đổi mới phản ánh qua chất lượng quản lý còn yếu kém; lực lượng lao động thiếu những kỹ năng cần thiết và thiếu nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, thể chế, chính sách vẫn chưa hoàn thiện, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp thực hiện các giải pháp và chưa xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong đảm bảo thực hiện thực chất và hiệu quả.
Cải cách mạnh mẽ nền tảng về thể chế
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, trước những điểm nghẽn trên, đề có thể tăng NSLĐ, trong thời gian tới cần triển khai thực hiện quyết liệt các nội dung như cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực có thể huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả nhất, thúc đẩy hỗ trợ khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế; tiếp tục thu hút FDI một cách chọn lọc, ưu tiên các dự án chất lượng cao, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, tham gia vào dòng chảy thương mại toàn cầu, biến dòng chảy đó thành động lực cho cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh và NSLĐ. Cùng với đó là thúc đẩy và hình thành các động lực từ các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng dựa trên hạ tầng kết nối, cơ chế đặc thù, thúc đẩy thu hút công nghệ mới, bao gồm công nghệ số, đổi mới sáng tạo; lựa chọn ưu tiên phát triển một số ngành có tiềm năng. Tập trung cải thiện hiệu quả thị trường lao động, thiết lập cơ chế đủ mạnh để thu hút nhân tài, mở rộng, phổ cập nâng cao chất lượng cơ sở đào tạo nguồn nhân lực.
Đồng thời, theo Thứ trưởng, cần tiếp tục thay đổi mạnh mẽ cơ chế thực thi, khuyến khích các sáng kiến, phong trào thúc đẩy sản xuất quốc gia, nâng cao năng lực quản trị nhà nước, năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp, nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh, xây dựng cơ chế mới, để mọi lao động đều được trao cơ hội, qua đó phát huy tối đa năng lực của mình, đóng góp vào sự thịnh vượng chung của nền kinh tế.
Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ hướng tới mục tiêu coi NSLĐ là động lực, nền tảng cho tăng trưởng nhanh, bền vững; trên cơ sở tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư, chuyển đổi số và thông qua thúc đẩy liên kết vùng và phát triển vùng; từ đó góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh, mức độ độc lập, tự chủ và sức chống chịu của nền kinh tế. Chương trình quốc gia về tăng NSLĐ dự kiến đặt ra một số chỉ tiêu như tốc độ tăng NSLĐ bình quân từ 6,5-7,0%/năm; tốc độ tăng NSLĐ của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố lớn cao hơn trung bình cả nước; Nâng cao tỷ trọng đóng góp của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng; Phấn đấu nằm trong nhóm hàng đầu của ASEAN về tốc độ tăng NSLĐ vào năm 2030; Năng lực Đổi mới sáng tạo (của WIPO) thuộc nhóm 40 nước đứng đầu; Chính phủ điện tử (của Liên hợp quốc) thuộc nhóm 60 nước đứng đầu. Để thực hiện được mục tiêu đề ra, Chương trình đưa ra các nhóm giải pháp cụ thể liên quan đến cơ chế, chính sách thực hiện phong trào thúc đẩy NSLĐ quốc gia; ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; huy động nguồn lực; cải thiện giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng nhân lực; phát triển vùng và liên kết vùng; nhóm giải pháp về ngành; hợp tác quốc tế… Ông Gregogy Leon, Giám đốc Phòng Phát triển kinh tế và Quản trị nhà nước, USAID NSLĐ là tác nhân chính của nền kinh tế. NSLĐ của Việt Nam đang ở mức thấp so với nhiều quốc gia trong khu vực. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do doanh nghiệp trong nước vẫn sử dụng nhiều lao động; gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, tăng cường năng lực quản lý và nâng cao chất lượng sản phẩm, tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực và toàn cầu. USAID đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nữ làm chủ và nhóm yếu thế làm chủ thông qua tiếp cận công nghệ và vốn để nâng cao năng lực cạnh tranh, thông qua các hoạt động trực tiếp với doanh nghiệp, các hoạt động thị trường và cải cách hành chính cũng như các giải pháp tác động đến toàn bộ mô hình tăng trưởng của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy chuyển đổi mô hình kinh doanh, từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp chính thức và mở rộng quy mô cho các doanh nghiệp nhỏ. Từ đó đưa ra các giải pháp đồng bộ về tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường áp dụng công nghệ trong các ngành nghề… |
Quỳnh Chi (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI