Giải đáp nhiều vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục thuế, hải quan

11:14:32 | 5/12/2022

Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu, đề xuất các giải pháp phù hợp tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp. Trước mắt, sẽ tập trung triển khai quyết liệt và hiệu quả các giải pháp về thuế, phí, lệ phí; đồng thời tổng kết, đánh giá việc thực hiện theo tình hình thực tiễn.

Cải cách để phục vụ tốt hơn

Vừa qua, Bộ Tài chính đã phối hợp với VCCI tổ chức hội nghị "Đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế - hải quan 2022".

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công nhấn mạnh: Sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid - 19, chương trình đối thoại năm nay được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Sự kiện nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình vận hành cơ chế quản lý nhà nước đối với ngành Thuế, Hải quan hoặc phát sinh từ thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp. Đây cũng là cơ hội để củng cố quan hệ giữa cơ quan thuế, hải quan với cộng đồng doanh nghiệp trong chia sẻ thông tin, cùng nhau thảo luận các cơ chế hợp tác phù hợp, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động của cả cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Cao Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh: Để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, tham mưu với Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời tiếp tục triển khai các giải pháp về gia hạn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất. Dự kiến năm 2022 sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí là khoảng 233 nghìn tỷ đồng (trong đó: Số tiền thuế, phí, lệ phí được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng; số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng). Có thể thấy, đây là năm mà các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân về thuế, phí và lệ phí với quy mô lớn nhất, phạm vi áp dụng rộng nhất trong nhiều năm qua. 

Đặt trong bối cảnh nguồn thu ngân sách nhà nước bị ảnh hưởng lớn, trong khi đó vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, cho đầu tư phát triển và đặc biệt là chi an sinh xã hội, công tác phòng chống dịch bệnh,... thì việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ trên càng thể hiện sự quyết tâm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân.

Bộ Tài chính đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung là hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính (TTHC), hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Cụ thể: Từ năm 2014 đến nay (08 năm liên tiếp), Bộ Tài chính luôn xếp trong nhóm 03 bộ đứng đầu về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) do Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ công bố, trong đó các năm 2014, 2015, 2016, 2018, 2019, 2020 và 2021 xếp thứ 2 trong nhóm các bộ, cơ quan ngang bộ.

Trong lĩnh vực thuế, tiếp tục mở rộng phạm vi triển khai hệ thống khai, nộp và hoàn thuế điện tử. Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc với  99,9% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ; 98,9% doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử; 99% doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử. Đặc biệt, hệ thống hóa đơn điện tử đã chính thức áp dụng trên phạm vi toàn quốc từ ngày 01/7/2022 với toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp đang hoạt động, có sử dụng hóa đơn chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử và toàn bộ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai đã đăng ký, chuyển đổi sử dụng hóa đơn điện tử theo quy định; Triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho Nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/03/2022 để tạo thuận lợi cho khai, nộp thuế và quản lý thuế cho nhà cung cấp nước ngoài, ứng dụng Etax Mobile,...

Trong lĩnh vực hải quan, tiếp tục đẩy mạnh triển khai cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN; quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt, hướng tới xây dựng mô hình hải quan thông minh. Qua đó, giúp giảm thiểu giấy tờ, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện các TTHC trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, thay đổi căn bản phương thức quản lý kiểm tra chuyên ngành, tiến tới hội nhập quốc tế và phát triển các dịch vụ hải quan số.

Lắng nghe và giải quyết  vướng mắc

Tại hội nghị, lãnh đạo các vụ, đơn vị chức năng đã giới thiệu những những chính sách thuế, hải quan mới ban hành từ tháng 11/2021 đến nay, đồng thời trực tiếp giải đáp các vướng mắc của doanh nghiệp.

Đại diện Hiệp hội Sắn Việt Nam kiến nghị hoàn thuế giá trị gia tăng cho một số doanh nghiệp trong ngành, vì đây là 1 trong 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu năm 2021 đạt 1,35 tỷ USD với sự tham gia của 1,2 triệu lao động, nếu không kịp thời tháo gỡ thì doanh nghiệp sẽ rất khó khăn. Tổng cục Thuế cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu trên tinh thần cầu thị, giải quyết khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm ăn chân chính và tránh thất thu ngân sách nhà nước.

Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Thành Công Việt Nam phản ánh vướng mắc liên quan đến quy định tại Thông tư 11/2022/TT-BKHCN ngày 10/8/2022 của Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật ban hành quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô. Công ty cho rằng, việc bãi bỏ quy định về mức độ rời rạc của bộ linh kiện sẽ tạo lỗ hổng hành lang pháp lý, không khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư dây chuyền máy móc thiết bị, cũng như đầu tư vào các ngành công nghiệp phụ trợ. Điều này khiến các doanh nghiệp cắt giảm công đoạn sản xuất do nhập các bộ phận linh kiện bán thành phẩm liền khối lớn, dẫn đến cắt giảm lực lượng lao động, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của xã hội.

Theo đó, Công ty này kiến nghị bổ sung quy định về mức độ rời rạc vào các nghị định hoặc có hướng dẫn cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp yên tâm sản xuất, đầu tư dây chuyền máy móc, thiết bị. Bởi theo Công ty Cổ phần sản xuất ô tô Thành Công Việt Nam, trong giai đoạn chuyển tiếp, giữ nguyên các quy định về mức độ rời rạc, các doanh nghiệp tiếp tục được hưởng thuế suất ưu đãi và được hưởng ưu đãi hoàn thuế theo Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 101/2021/NĐ-CP.

Liên quan đến thực hiện quy định tại Nghị định 101/2021/NĐ-CP, đơn vị này kiến nghị bổ sung hướng dẫn rõ ràng việc áp dụng ưu đãi theo Quyết định 229/QĐ-TTg ngày 4/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ đối với các đối tượng được nêu trong Quyết định, tránh các trường hợp không thống nhất gây tranh cãi.

Chia sẻ về những giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Bộ Tài chính khẳng định, sẽ tiếp tục cải cách trên mọi mặt: Hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách TTHC theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn.

Lê Hiền (Vietnam Business Forum)