Kiến tạo môi trường kinh doanh trong sạch, bình đẳng cho cộng đồng doanh nghiệp

10:35:08 | 13/12/2022

Sau 4 năm chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc, toàn lực lượng quản lý thị trường (QLTT) đã không ngừng lớn mạnh, chuyên nghiệp và ngày càng khẳng định vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Có thể nói đây là “lá chắn thép” bảo vệ thị trường sản xuất của doanh nghiệp (DN) chân chính, từng bước nhận được đánh giá tích cực từ phía người dân và cộng đồng DN.  Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng Cục Quản lý thị trường xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới, độ mở cửa của thị trường hàng hóa Việt ngày càng lớn. Vậy nhân tố nào giúp lực lượng QLTT kiểm soát được thị trường mà vẫn tạo điều kiện cho DN phát triển?

Nhằm đáp ứng yêu cầu của xã hội, ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 34/2018/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Quản QLTT trực thuộc Bộ Công Thương. Sau 4 năm hoạt động theo mô hình ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, bên cạnh việc tập trung sắp xếp, kiện toàn tổ chức, bổ nhiệm cán bộ, ổn định tư tưởng cho công chức, người lao động để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, Tổng cục QLTT xác định việc hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật để xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh về tổ chức, hoạt động của lực lượng QLTT; tăng cường tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức cho công chức, người dân, doanh nghiệp để giảm thiểu vi phạm; đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, đặc biệt về chuyên môn, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu cần tập trung thực hiện để cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, góp phần bình ổn thị trường và tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp, cụ thể:

Tổng cục QLTT đã tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 05 nghị định và 12 thông tư về tổ chức, hoạt động của lực lượng QLTT, hiện đang tổng kết thực hiện 05 năm thực hiện Pháp lệnh QLTT.

Đẩy mạnh số hoá, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, tạo bước đột phá trong công tác quản lý điều hành và kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính. Đến nay, phần lớn các hoạt động chỉ đạo, điều hành, lưu trữ đều được số hóa trong toàn lực lượng. Đặc biệt, việc triển khai Hệ thống xử lý vi phạm hành chính (INS) từ 01/01/2022, đã làm thay đổi căn bản công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch và phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Tổng cục.

Cùng với đó, Tổng cục QLTT cũng cử gần 4.000 lượt công chức tham gia đào tạo, tập huấn nâng trình độ về lý luận chính trị, quản lý Nhà nước và chuyên môn, nghiệp vụ; tổ chức sát hạch chuyên môn với 100% công chức thuộc các phòng, đội; tăng cường kiểm tra, giám sát, phát hiện xử lý nghiêm công chức vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ; phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Quốc dân xây dựng chương trình, tuyển sinh và tổ chức đào tạo trình độ đại học ngành QLTT.

Xây dựng đưa vào hoạt động nhiều công cụ, phương tiện truyền thông hiệu quả, như: Cổng thông tin điện tử Tổng cục QLTT liên thông với 63 cục QLTT các địa phương. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng với các chương trình thu hút sự quan tâm của dư luận như Chương trình “Thật và Giả” trên VTV1, Chương trình “Tuyên chiến với gian lận thương mại” trên VOV1. Đồng thời, Tổng cục QLTT cũng xây dựng mối quan hệ thân thiết, thường xuyên trao đổi, hợp tác thông tin với hàng chục cơ quan báo chí khác. Đặc biệt, việc thành lập Tạp chí QLTT - Cơ quan ngôn luận của Tổng cục sau 64 năm hình thành và phát triển là một dấu ấn quan trọng trong công tác thông tin truyền thông của Tổng cục QLTT.

Đồng thời, hàng năm, Tổng cục QLTT đều có Thư khen ghi nhận và khích lệ  các DN, hộ kinh doanh có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.


Đại sứ quán Hàn Quốc làm việc với Tổng cục Quản lý thị trường

Vậy hành lang pháp lý để lực lượng QLTT hoạt động nhằm lành mạnh thị trường, bảo vệ DN sản xuất chân chính được cụ thế hóa như thế nào, thưa ông?

Hiện nay, có 55 nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính; trong đó, 32 nghị định (chiếm khoảng 58%) quy định thẩm quyền xử phạt của QLTT.

Sau 4 năm hoạt động theo mô hình tổ chức mới, Tổng cục QLTT cũng đã tham mưu, xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành 05 nghị định và 12 thông tư về tổ chức, hoạt động của lực lượng QLTT, đặc biệt như: Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 99/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí; Nghị định số 33/2022/NĐ-CP ngày 27/5/2022 quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh QLTT.

Đặc biệt, ngày 10/12/2021, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ký ban hành Thông tư số 22/2021/TT-BCT quy định về quản lý, sử dụng biểu mẫu trong hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính và thực hiện các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng QLTT làm căn cứ quan trọng để lực lượng QLTT áp dụng hoàn toàn ấn chỉ điện tử thống nhất trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm kể từ 01/02/2022, chuyển đổi số một cách căn bản, toàn diện hoạt động nghiệp vụ của lực lượng.

Đây là những văn bản pháp luật rất quan trọng, tạo hành lang pháp lý để lực lượng QLTT thực thi nhiệm vụ.

Tuy nhiên, việc các nghị định liên quan đến xử phạt hành chính thường xuyên được sửa đổi, bổ sung; có độ trễ nhất định so với sự thay đổi của các văn bản pháp luật về quản lý nhà nước; giữa các lĩnh vực do nhiều bộ, ngành quản lý xây dựng có sự chồng lấn, trùng lặp, chưa đồng bộ, bất cập, thậm chí cùng một nội dung vi phạm nhưng nhiều văn bản quy định xử lý khác nhau gây khó khăn cho cơ quan áp dụng xử phạt cần được rà soát, hoàn thiện để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh cho hoạt động của các lực lượng chức năng nói chung, lực lượng QLTT nói riêng.


Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại đầu tư Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh (KOTRA) và Cục Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc (KIPO) tổ chức Hội thảo "Thực trạng và giải pháp nhận diện hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ từ góc nhìn Doanh nghiệp Hàn Quốc" vào tháng 10/2022

Trong bối cảnh hội nhập, việc gian lận hàng hóa xuất xứ, hàng giả rất phức tạp, làm ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của DN, lực lượng QLTT đã và sẽ thực hiện những biện pháp gì để hỗ trợ cộng đồng DN?

Thực hiện Kế hoạch đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng hoá xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, 63 cục QLTT đã tổ chức tuyên truyền, tập trung vào hoạt động ký cam kết đối với gần 100.000 cơ sở kinh doanh trong việc không kinh doanh hàng hóa vi phạm. Đưa vào hoạt động phòng trưng bày nhận diện hàng thật - hàng giả với các sản phẩm đa dạng như hóa mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng tiêu dùng, gia dụng, đồ uống,… nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong việc mua các sản phẩm chính hãng, rõ nguồn gốc xuất xứ. Đồng thời, tạo mối liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, người tiêu dùng với cơ quan quản lý nhà nước trong ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sản phẩm hàng giả, hàng vi phạm, hạn chế mức thấp nhất khả năng lưu thông trên thị trường.

Tuy nhiên, tôi cũng nhấn mạnh: DN Việt Nam cần tích cực tìm hiểu pháp luật liên quan tới xuất xứ hàng hóa tránh thiệt hại cho DN, đơn cử như trường hợp sản phẩm gạo ST25 của Doanh nghiệp Tư nhân Hồ Quang Trí phải đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến giả mạo nhãn hiệu tại thị trường nội địa. Tổng cục QLTT đã trao đổi, hướng dẫn đại diện DN tiến hành hoàn thiện hồ sơ để bảo hộ cho sản phẩm, cũng như hoàn thiện thủ tục về chất lượng sản phẩm nhằm góp phần phòng chống việc làm giả, làm nhái.

Nhằm hỗ trợ DN và kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại, tới đây, Tổng cục QLTT sẽ xây dựng trình Chính phủ và dự kiến tổ chức thực hiện 03 đề án lớn từ năm 2023, là: Đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử giai đoạn 2021 - 2025; Đề án nâng cao năng lực của cơ quan QLTT trong xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp hành chính; Đề án ứng dụng công nghệ số và kỹ thuật tiên tiến nhằm truy xuất nguồn gốc sản phẩm công nghiệp thuộc các lĩnh vực ưu tiên phát triển. Đồng thời, sẽ tiếp tục chủ động, rà soát và phối hợp với DN để bảo hộ nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm hàng hóa.

Ngoài nhiệm vụ đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, lực lượng QLTT còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hợp lực cùng các lực lượng chức năng chống buôn lậu qua biên giới. Ông có thể cho biết đôi nét về công tác này, đặc biệt là với Hàn Quốc - một trong những đối tác quan trọng hàng đầu về thương mại và đầu tư lớn của Việt Nam?

Việc tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng và các bộ, ngành có liên quan đã được lực lượng QLTT quan tâm triển khai. Đặc biệt, sau khi hoạt động theo mô hình ngành dọc, thống nhất từ Trung ương đến địa phương, công tác này càng được Tổng Cục QLTT chú trọng, đẩy mạnh.

Điều này được cụ thể hóa thành các quy chế phối hợp như: Tổng cục QLTT đã ký kết phối hợp với các đơn vị lớn như: Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Hội chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu thành phố Hà Nội, Bưu điện Việt Nam, Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng cục Du lịch Việt Nam,…

Trong thời gian tới, Tổng cục QLTT tiếp tục tăng cường sự phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Thanh tra chuyên ngành... Đặc biệt là tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Hàn Quốc là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam. Ngày càng nhiều hàng hóa của các DN Hàn Quốc như Samsung, Amorepacific, Han Cosmetics,... được bán tại thị trường Việt Nam trên các kênh thương mại truyền thống và thương mại điện tử. Trong bối cảnh đó, đã xuất hiện hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, gây thiệt hại cho người tiêu dùng Việt Nam và các doanh nghiệp Hàn Quốc. Chúng tôi luôn giữ cơ chế tham vấn, liên lạc thường xuyên hoặc tổ chức sự kiện, hội thảo liên quan tới hàng thật - hàng giả. Trong khuôn khổ chương trình hợp tác thường niên, cuối năm 2021, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA) đã phối hợp với Tổng cục QLTT tổ chức hội thảo với chủ đề “Thực trạng và Giải pháp nhận diện hàng hóa giả mạo, vi phạm sở hữu trí tuệ từ góc nhìn doanh nghiệp Hàn Quốc năm 2021”. Hay gần đây nhất là đoàn của Đại sứ quán Hàn Quốc làm việc với Tổng cục QLTT nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm nhãn hiệu của Hàn Quốc tại Việt Nam.

Việc trao đổi thông tin này là rất cần thiết và quý báu để hỗ trợ chúng tôi trong việc phát hiện, xử lý hàng hóa giả mạo, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh mà ở đó DN trong và ngoài nước đều được bảo vệ và phát triển.

Trân trọng cảm ơn ông!

Lê Hiền (Vietnam Business Forum)