09:52:38 | 20/12/2022
Tỉnh Bắc Giang đang tích cực đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, ứng dụng hiệu quả các công nghệ cốt lõi trong quản lý điều hành, phát triển chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, đẩy nhanh chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý của doanh nghiệp (DN). Ông Nguyễn Gia Phong - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) tỉnh Bắc Giang đã có cuộc trao đổi với Vietnam Business Forum.
![]() |
Sau hơn 2 năm triển khai Nghị quyết số 111-NQ/TU ngày 11/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang về chuyển đổi số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bắc Giang đã đạt kết quả nổi bật nào, thưa ông?
Năm 2022, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung rà soát, xây dựng, sửa đổi, bổ sung, ban hành 01 Nghị quyết, 16 Quyết định, 23 Kế hoạch, 26 văn bản chỉ đạo về chuyển đổi số để cụ thể hóa văn bản do Trung ương ban hành và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Trong đó, tập trung chỉ đạo triển khai có hiệu quả 06 định hướng xuyên suốt và 22 nhiệm vụ, giải pháp vừa mang tính trung hạn, vừa mang tính ưu tiên triển khai trong năm 2022 của Bộ TTTT; chỉ đạo ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các chỉ tiêu quan trọng được giao chủ trì thực hiện trong năm 2022
Kết quả, năm 2022, Bộ TTTT xếp hạng chỉ số chuyển đổi số - DTI tỉnh Bắc Giang năm 2021 đứng thứ 10/63 tỉnh, thành phố (tiếp tục giữ hạng). Những kết quả nổi bật trong thực hiện Nghị quyết năm 2022 cụ thể như sau:
Về phát triển hạ tầng số: Sở TTTT tiếp tục đầu tư, duy trì, quản trị, vận hành Trung tâm Tích hợp dữ liệu, Hệ thống Hội nghị truyền hình, mạng truyền số liệu chuyên dùng, mạng WAN hoạt động ổn định, thông suốt đáp ứng 24/7 để phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, các ngành và giải quyết công việc của các cơ quan, đơn vị.
Về phát triển các hệ thống nền tảng số, các ứng dụng, cơ sở dữ liệu, dịch vụ số của tỉnh: Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh Bắc Giang (LGSP) đã kết nối đến nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) với 9 dịch vụ; đến các bộ, ngành trung ương, kết nối nội tỉnh thông qua LGSP 03 dịch vụ.
Kho dữ liệu số tỉnh Bắc Giang đã xây dựng, vận hành chính thức từ ngày 10/10/2022; Cổng thông tin không gian (SDI) đang được xây dựng để tạo nền tảng triển khai các ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý phát triển đô thị nhằm thúc đẩy tiến trình xây dựng phát triển đô thị thông minh.
Về phát triển thương mại điện tử (TMĐT), hỗ trợ DN chuyển đổi số: Trong năm 2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã hỗ trợ 312 DN công nghệ số thành lập; tổ chức 05 khóa đào tạo chuyển đổi số cho DN; hỗ trợ khoảng 30 DN nhỏ và vừa tỉnh Bắc Giang tham gia vào Chương trình Chuyển đổi số DN. Đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhận được hồ sơ đề xuất hỗ trợ chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số cho 13 DN.
Sở TTTT đã tổ chức 10 hội nghị tập huấn hỗ trợ hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn; phấn đấu đưa 100% sản phẩm OCOP đáp ứng tiêu chí 3 sao của tỉnh Bắc Giang lên sàn TMĐT Postmart.vn và Voso.vn. Số hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn TMĐT đạt 113.670 hộ (trong đó, sàn Postmart.vn là 85.344 hộ, sàn Voso.vn là 28.326 hộ).
Quá trình xây dựng chính quyền số của Bắc Giang hiện đáp ứng nhu cầu người dân, DN trên địa bàn tỉnh ra sao, thưa ông?
Bắc Giang là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công để phục vụ người dân và doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được thuận lợi. Sở TTTT được UBND tỉnh giao vận hành phần mềm Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Bắc Giang, đây là hệ thống phần mềm được phát triển trên cơ sở hợp nhất hệ thống thông tin Một cửa điện tử và Cổng dịch vụ công. Sở TTTT đang thực hiện bổ sung các phân hệ chức năng phục vụ nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.
Cùng với cả nước, Bắc Giang đang tập trung triển khai các phần việc theo Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06). Qua khai thác, sử dụng các tiện ích liên quan, công tác giải quyết TTHC cho người dân đã nhanh, hiệu quả hơn.
Thực hiện Đề án 06, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện tích hợp 25/25 dịch vụ công thiết yếu toàn phần lên Cổng Dịch vụ công quốc gia để phục vụ nhu cầu giao dịch của nhân dân. Bắc Giang là một trong 14 tỉnh được Bộ Công an triển khai chia sẻ kết nối giữa Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ giải quyết TTHC cho công dân.
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh tiếp nhận hơn 46 nghìn hồ sơ thuộc nhóm 25 dịch vụ công thiết yếu, tỷ lệ nộp trực tuyến khoảng 60%. Trong đó đã xác thực gần 1,4 nghìn thông tin công dân từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ giải quyết TTHC. Toàn tỉnh đã thiết lập được hơn 40 nghìn tài khoản định danh điện tử cho cán bộ, công chức, viên chức.
Theo ông, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số của các DN tỉnh Bắc Giang có thuận lợi và khó khăn gì, đâu là “nút thắt” cần tháo gỡ?
Hoạt động chuyển đổi số ở các DN thời gian qua được thực hiện khá mạnh mẽ trên cơ sở ứng dụng CNTT vào sản xuất, kinh doanh, xuất phát từ nhu cầu nội tại của chính DN và hiệu ứng tác động của chủ trương, chính sách mà tỉnh đề ra.
Bắc Giang là địa phương có kết quả nổi bật về doanh thu CNTT, số lượng DN và lực lượng lao động CNTT. Mặt khác, các DN viễn thông chú trọng đầu tư phát triển, nâng cấp hạ tầng mạng lưới, mở rộng loại hình dịch vụ theo hướng hiện đại, đồng bộ, bao phủ cả ở vùng sâu, vùng xa.
Về phát triển công nghiệp CNTT: Đến nay, toàn tỉnh có 1690 DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT, điện tử viễn thông; giá trị sản xuất đạt 244.358 tỷ đồng (tăng 39.927 tỷ đồng so với năm 2021); thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đạt 1.003.090 triệu đồng; nhân lực ICT là 194.586 người (tăng 16.499 người). Một số doanh nghiệp tiêu biểu là: Công ty TNHH Fuhong Precision Component Bắc Giang, Công ty TNHH New Wing Interconnect Technology, Công ty TNHH Hosiden Việt Nam, Công ty TNHH Luxshare-ICT Việt Nam, Công ty TNHH SiFlex Việt Nam.
Tuy nhiên, do chuyển đổi số là hoạt động mới, phức tạp, có nhiều nội dung cần thực hiện nên vẫn còn không ít DN, nhất là DN nhỏ và vừa thụ động, mức độ thực hiện hạn chế, gặp rào cản. Nhiều DN còn lúng túng, chưa xác định rõ lộ trình, kế hoạch chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số, triển khai số hóa để đổi mới, đáp ứng xu hướng phát triển.
Hầu hết các DN trên địa bàn tỉnh có quy mô vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, nguồn nhân lực, phương pháp quản lý điều hành phần lớn vẫn theo mô hình truyền thống; việc ứng dụng công nghệ số, TMĐT vào quá trình quản lý, điều hành và hoạt động sản xuất kinh doanh còn chưa chủ động do ngại thay đổi, khó tiếp cận hệ thống CNTT hiện đại. Hầu hết các DN, đơn vị tham gia sàn TMĐT không có nhân viên quản trị mạng, dữ liệu CNTT, quản trị các sản phẩm, gian hàng của mình trên sàn giao dịch, dẫn đến khó khăn, hạn chế trong việc tiếp nhận các thông tin, đơn hàng và giải quyết đơn hàng cho khách hàng. Các hoạt động TMĐT ở các vùng nông thôn, miền núi còn chưa phát triển, việc mua hàng trực tuyến hay thực hiện các giao dịch trên internet còn xa lạ với hầu hết người dân vùng sâu, vùng xa.
Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: Vietnam Business Forum