Tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

15:36:38 | 10/1/2023

Cải cách môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi hơn nữa cho cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư vẫn luôn là mục tiêu mà Chính phủ phấn đấu thực hiện trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, vẫn còn những rào cản khiến doanh nghiệp chưa thực sự “xuôi chèo mát mái”.


Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Samsung tại Hà Nội được kỳ vọng sẽ là nơi nuôi dưỡng nhân tài công nghệ thông tin 
của Việt Nam, sản sinh ra những công nghệ hàng đầu thế giới

Nhiều chuyển biến tích cực

Những năm gần đây, thứ hạng của Việt Nam tiếp tục được cải thiện. Trình độ phát triển thị trường (thể hiện qua chỉ số Tự do kinh tế) tăng 6 bậc, từ vị trí 90 lên vị trí thứ 84. Phát triển du lịch và lữ hành (theo công bố của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tháng 5/2022) cải thiện 8 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 60 lên vị trí 52). Việt Nam được Diễn đàn Kinh tế Thế giới đánh giá là nền kinh tế dẫn đầu về mức độ cải thiện hiệu quả chỉ số này. Chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc duy trì thứ hạng 86, nhưng điểm số có cải thiện.

Ở trong nước, kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 của VCCI cũng cho thấy, chất lượng môi trường kinh doanh có chuyển biến tích cực so với những năm trước. Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao chính quyền nhiều tỉnh, thành phố về sự năng động, tiên phong, tinh thần làm việc có trách nhiệm và khả năng giải quyết hiệu quả các vấn đề mới, cấp bách từ thực tiễn. Gánh nặng chi phí không chính thức, thanh, kiểm tra tiếp tục có xu hướng giảm. Chất lượng lao động và cơ sở hạ tầng cũng có những cải thiện rõ rệt theo thời gian.

Đặc biệt, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) có những bước tiến mạnh mẽ. Năm 2021 và 8 tháng đầu năm 2022 đã cắt giảm, đơn giản hóa 1.758/17.687 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh (đạt tỷ lệ 10%) tại 143 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp thẩm quyền giải quyết 699/5187 TTHC trên 100 lĩnh vực (chiếm 13,47%), qua đó giúp giảm khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết TTHC.

Bên cạnh đó, cả nước đã thành lập 11.700 bộ phận Một cửa các cấp để tiếp nhận, giải quyết TTHC, trong đó có 56/63 tỉnh thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh; 53/63 địa phương thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC duy nhất. Nhiều địa phương thực hiện nâng cấp hệ thống đáp ứng yêu cầu số hóa và đã có những kết quả bước đầu. Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối, tích hợp với các hệ thống thông tin giải quyết TTHC của các bộ, ngành, địa phương, cung cấp 3.805 dịch vụ công trực tuyến, đồng bộ trạng thái hơn 129.6 triệu hồ sơ (tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ năm 2021), hơn 2.7 triệu giao dịch thanh toán trực tuyến (tăng hơn 16 lần so với cùng kỳ năm 2021).

Cùng với những cải cách trên, niềm tin về triển vọng phục hồi đã được thể hiện qua con số về thành lập doanh nghiệp. Trong 11 tháng năm 2022, cả nước có 194,7 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.


Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được VCCI công bố hàng năm giúp các địa phương thấy được những vấn đề cần tiếp tục cải cách để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh

Vẫn còn rào cản khó khăn cho doanh nghiệp

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng cộng đồng doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn do nhiều thủ tục kinh doanh chưa thuận lợi. Nhiều văn bản pháp luật hiện hành chưa đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và khả thi (nhất là trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường). Đây cũng là nguyên nhân chính làm phát sinh chi phí cho doanh nghiệp, dẫn đến khó khăn cho địa phương trong giải quyết thủ tục đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh áp lực nặng nề bởi các chi phí như: Xăng dầu, nguyên liệu đầu vào tăng, doanh nghiệp đang chịu rất nhiều gánh nặng chi phí khác như: Chi phí tuân thủ các quy định về điều kiện kinh doanh, phí hạ tầng cảng biển,… Đó là chưa kể đến việc triển khai dịch vụ công trực tuyến còn nhiều hạn chế, thiếu sự kết nối liên thông giữa các cơ quan quản lý nhà nước,...

Trước những biến động khó đoán định trên thế giới khiến chi phí đầu vào tăng cao, thị trường sụt giảm nghiêm trọng, theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm sản xuất, giảm lao động. Số lượng doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng, kéo theo nhiều hệ lụy xã hội. Tuy vậy, trong khi doanh nghiệp rất cần trợ lực từ những gói cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, thì mức độ quan tâm của một số bộ, ngành, địa phương dường như chùng xuống. Nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa đáp ứng yêu cầu như Chính phủ đã chỉ đạo và cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng.

 “Ở một số lĩnh vực, rào cản thậm chí còn nặng nề hơn, không chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp mà cả với cán bộ thực thi. Vì thế, niềm tin của doanh nghiệp vào cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh còn mong manh”, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết.

Bên cạnh đó, theo báo cáo PCI 2021 của VCCI, một số vấn đề cần tiếp tục cải thiện để môi trường kinh doanh thuận lợi hơn là: Cải cách thủ tục cấp các loại giấy phép kinh doanh; cải thiện tiếp cận đất đai, mặt bằng kinh doanh cho doanh nghiệp hay triển khai hiệu quả và thực chất hơn nữa Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa,…

Cần coi cải thiện môi trường kinh doanh là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên

Để tiếp tục tạo chuyển biến mạnh hơn về môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ ngành địa phương cần coi doanh nghiệp là trung tâm thực hiện cải cách thể chế, coi cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên. Các bộ, ngành, địa phương cần tập trung kiên quyết cắt giảm mạnh mẽ hơn nữa, đơn giản hóa TTHC, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực; gắn cải cách TTHC với xây dựng Chính phủ điện tử. Thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động thực thi nhằm đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quy định, chính sách. Cần có cơ chế tạo động lực khuyến khích sáng tạo, đảm bảo an toàn để các cán bộ, công chức yên tâm thực thi công vụ.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; tăng cường năng lực của hệ thống cơ quan, tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp như hệ thống dịch vụ phát triển kinh doanh, vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Các hoạt động đối thoại, trao đổi với người dân và doanh nghiệp cần thực chất hơn và giải quyết ngay được các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp chứ không chỉ là lắng nghe vấn đề của doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu quả công tác hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khai tác, tận dụng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do,….

Đặc biệt, cần nỗ lực khôi phục lại niềm tin thị trường, niềm tin của nhà đầu tư; tăng cường quản lý, điều tiết thị trường bằng các giải pháp thị trường, không bằng mệnh lệnh hành chính, tránh thay đổi luật pháp theo lối “giật cục”, khó đoán định, làm đứt gãy hoạt động bình thường của thị trường,...

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trong thời điểm hiện nay không chỉ giúp Việt Nam tăng cơ hội thu hút đầu tư mà còn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và của cả nền kinh tế trước các bất ổn toàn cầu kèm theo nguy cơ suy thoái kinh tế hiện hữu. Đây có thể coi là động lực và là “chìa khóa” cho sự tăng trưởng trong năm 2023 và những năm tới.

Quỳnh Anh  (Vietnam Business Forum)