09:43:40 | 7/2/2023
Kon Tum được biết đến là địa phương có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, độc đáo với các yếu tố đặc thù về địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu cùng nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc. Tỉnh đặt mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo vệ tài nguyên, giải quyết tốt vấn đề việc làm và an sinh xã hội.
Nhà thờ Chánh tòa nằm trên đường Nguyễn Huệ, TP.Kon Tum
Tiềm năng lớn
Nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, Kon Tum được thiên nhiên ưu đãi với những thắng cảnh đẹp. Tỉnh sở hữu một “Đà Lạt thứ hai” là thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) nằm ở độ cao 1.200m so với mực nước biển. Măng Đen được ví như “nàng thơ” của vùng đại ngàn Tây Nguyên với kiểu khí hậu ôn đới quanh năm mát mẻ, được rừng nguyên sinh bao bọc nên cảnh sắc thiên nhiên vừa hùng vĩ, vừa nên thơ. Ngoài ra, Vườn quốc gia Chư Mom Ray với hệ sinh thái đa dạng và độc đáo, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh với loại sâm quý được ghi vào sách đỏ, rừng đặc dụng Đăk Uy, thác Pa Sỹ, hồ Đăk Ke, các điểm suối nước nóng Đăk Tô - Thác Đăk Lung, lòng hồ Yaly, Khu du lịch Đăk Bla,... là những “mỏ vàng” để Kon Tum phát triển loại hình du lịch sinh thái, trải nghiệm hay du lịch thể thao mạo hiểm.
Kon Tum cũng là vùng đất có lịch sử lâu đời với truyền thống cách mạng hào hùng và lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. So với các tỉnh Tây Nguyên, Kon Tum có 7 dân tộc bản địa đã hình thành nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, mang đậm bản sắc văn hóa đặc trưng của các tộc người thiểu số, thể hiện ở các loại hình như văn hóa luật tục, văn hóa cư trú, lễ hội, các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống, ẩm thực, trang phục, ngôn ngữ - chữ viết,... Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là “Kiệt tác di sản truyền khẩu và phi vật thể của nhân loại” là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng, nhằm mang lại lợi ích thiết thực về vật chất và tinh thần cho người dân, cộng đồng xã hội, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Chương trình biểu diễn áo dài và thời trang thổ cẩm Tây Nguyên năm 2022 tại Măng Đen, huyện Kon Plông
Toàn tỉnh hiện có 23 di tích được xếp hạng, trong đó các di tích lịch sử, cách mạng của tỉnh đã được xếp hạng cấp quốc gia như: Di tích lịch sử ngục Kon Tum (TP.Kon Tum), di tích lịch sử ngục Đăk Glei (huyện Đăk Glei); di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh (huyện Đăk Tô), di tích chiến thắng Plei Kần (huyện Ngọc Hồi),… giúp cho du khách tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên cũng như truyền thống đấu tranh của các dân tộc. Các công trình tôn giáo có kiến trúc, nghệ thuật độc đáo như: Nhà Thờ Gỗ, Tòa Giám mục,... cũng là điểm đến hấp dẫn đông đảo du khách.
Ngoài ra, Kon Tum có biên giới tiếp giáp với hai nước bạn Lào và Campuchia, có 1 cửa khẩu quốc tế và 2 cửa khẩu phụ thông thương với Lào. Đặc biệt, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, có cột mốc quốc giới chung ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia ở vị trí ngã ba Đông Dương, đây là điều kiện hết sức thuận lợi để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế trong phát triển du lịch tỉnh Kon Tum, kết nối du lịch giữa các tỉnh Tây Nguyên sang các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia.
Ngày Tết Làng tại nhà rông Kon Jơ Ri, xã Đăk Rơ Wa, TP.Kon Tum
Giải pháp đưa du lịch Kon Tum “cất cánh”
Để phát triển du lịch, tỉnh Kon Tum đã triển khai nhiều biện pháp, cụ thể như chú trọng đầu tư phát triển đồng bộ hạ tầng du lịch chất lượng cao, thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược. Qua đó, đã hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp, các trung tâm mua sắm của các tập đoàn lớn có uy tín trong nước, làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị và ngành du lịch Kon Tum.
Hiện tỉnh Kon Tum có 153 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 2.183 phòng. Công suất sử dụng phòng qua các năm tăng đều từ 65 -75%. Tỉnh Kon Tum đã công nhận 10 điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, trong đó huyện Kon Plông có 6 điểm; huyện Đăk Hà có 1 điểm và TP.Kon Tum có 3 điểm. Một số sản phẩm du lịch nổi bật đã được tỉnh xây dựng, duy trì tốt như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa - lịch sử; du lịch văn hóa - tâm linh,... Số lượng du khách và thu nhập xã hội từ du lịch ngày càng tăng. Tổng lượt khách giai đoạn 2011 - 2015 đạt 985,284 lượt (khách quốc tế đạt 331,186 lượt, khách nội địa đạt 654,098 lượt); tổng lượt khách giai đoạn 2016 - 2020 đạt 1,808,353 lượt (trong đó khách quốc tế đạt 645,130 lượt, khách nội địa đạt 1,163,223 lượt). Doanh thu du lịch bình quân hàng năm đạt trên 200 tỷ đồng.
Tòa Giám mục Kon Tum nằm trên đường Trần Hưng Đạo, TP.Kon Tum
Năm 2021, tỉnh Kon Tum ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có 47 dự án thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Tỉnh ưu tiên xúc tiến thu hút đầu tư các dự án vào khu vực có tiềm năng như: Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, huyện Kon Rẫy, huyện Tu Mơ Rông. Ưu tiên phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch trải nghiệm và khám phá; du lịch văn hóa, cộng đồng; du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, khu du lịch thể thao, vui chơi, giải trí,… hướng tới hoàn thiện hệ sinh thái du lịch xanh theo chuỗi giá trị. |
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI xác định: “Đẩy mạnh phát triển du lịch với nhiều loại hình” là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Với quan điểm phát triển là khai thác đa dạng tiềm năng, lợi thế về du lịch của địa phương gắn với bảo vệ bền vững tài nguyên, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU đưa ra quan điểm, mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, phát triển ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao trong cả nước, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Trên cơ sở đó, tỉnh Kon Tum tiếp tục đầu tư và thu hút đầu tư các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách. Thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; tăng cường các hoạt động xúc tiến quảng bá, hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước; nâng cao chất lượng và phát triển các sản phẩm du lịch, ưu tiên sản phẩm du lịch đặc trưng, có bản sắc riêng; phát triển du lịch gắn với bảo vệ tài nguyên, cảnh quan môi trường; mở rộng và phát triển thị trường.
Nguồn: Vietnam Business Forum
03/4/2025
Khách sạn New World (76 Lê Lai, Quận 1, TP.HCM)
26 - 29/3/2025
Khu 2 Trung tâm Triển lãm Nangang thành phố Đài Bắc