Tết Nguyên đán - Tết đoàn viên

09:50:02 | 19/1/2023

Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán không chỉ là khoảng thời gian chuyển giao giữa năm cũ và năm mới Âm lịch mà nó còn chứa đựng nhiều ý nghĩa tâm linh, văn hóa. Đây cũng là dịp đoàn viên của mọi gia đình, bởi mỗi khi Tết đến xuân về, dù làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu, mọi người đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình, cùng nhau thắp nén hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên.

Do cách tính Âm lịch là lịch theo chu kỳ vận hành tròn khuyết của mặt trăng nên Tết Nguyên đán thường đến muộn hơn Tết Dương lịch (ngày 1 tháng 1 đầu năm). Do quy luật 3 năm nhuận 1 tháng của Âm lịch nên ngày đầu năm của Tết Nguyên đán không bao giờ trước ngày 21/1 Dương lịch và sau ngày 19/2 Dương lịch mà thường rơi vào khoảng cuối tháng 1 đến giữa tháng 2 Dương lịch. Toàn bộ dịp Tết Nguyên đán hàng năm thường kéo dài từ 7 - 8 ngày cuối năm cũ và 7 ngày của đầu năm mới (tức là từ 23 tháng Chạp đến hết mùng 7 tháng Giêng).

Tết Nguyên đán có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự trường tồn trong cuộc sống, khao khát của con người về sự hài hòa Thiên - Địa - Nhân. Với người Việt, Tết vừa gần gũi, vừa linh thiêng. Gần gũi vì Tết là một sinh hoạt văn hóa mỗi năm một lần, gắn liền với những bước đường đời của con người ngay từ lúc sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Linh thiêng là bởi theo quan niệm phương Đông, đây là khoảng thời gian trời đất có sự giao hòa và con người trở nên gần với thần linh, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới, giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây.

Tết Nguyên đán là lễ hội truyền thống lớn nhất trong năm của người Việt. Tết đến xuân về không chỉ là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt, được nhận lì xì “mừng tuổi”, mà nó còn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc, thể hiện sự gắn kết trong cộng đồng, gia tộc và gia đình, hướng về cội nguồn. “Về quê ăn Tết", đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn. Điều đó đã trở thành nếp sống, truyền thống tốt đẹp, bền vững bao năm qua của người Việt.

Trong đêm giao thừa, trên bàn thờ ông bà, tổ tiên luôn nghi ngút khói hương để thể hiện sự biết ơn của con cháu dành cho những người đã mất. Đặc biệt, trong mâm cỗ Tết không thể thiếu các món ăn truyền thống như giò, chả, thịt mỡ, dưa hành, đặc biệt là bánh chưng hay bánh tét,... Bánh chưng vừa thể hiện văn hóa lúa nước (lúa gạo chứ không phải lúa mì), vừa có hình vuông, tượng trưng cho đất; cùng với bánh dày hình tròn, tượng trưng cho trời, thể hiện lòng hiếu thảo, được dâng lên ông bà, tổ tiên.

Một ý nghĩa Tết Nguyên đán mà ai ai cũng biết, đó chính là ngày rước tài lộc. Bởi nhiều người Việt quan niệm rằng Tết đến cũng là ngày ông Thần Tài gõ cửa từng nhà để ban tiền tài, thịnh vượng. Vì vậy, mọi người luôn luôn tranh thủ trong dịp này để mở rộng cổng nhà chào đón rước tài lộc vào nhà, cũng như rước những điều may mắn tốt đẹp. Đa số nhiều gia đình thường mở cửa suốt cả ngày để chào đón niềm vui, sự phấn khởi cùng những hy vọng về tiền tài luôn đầy ắp.

Về nhiều làng quê vào dịp Tết Nguyên đán sẽ cảm nhận rõ ràng nhất về sự đổi thay với quang cảnh đường làng ngõ xóm xanh - sạch - đẹp với những con đường hoa, những bức tranh bích họa, những khẩu hiệu đẹp mắt, tạo không gian trong lành, thân thiện, chứa đựng những thông điệp nhân văn, tốt đẹp.

Trong những năm gần đây, bối cảnh xã hội, thời đại có những chuyển biến nhanh, nhất là với quá trình hội nhập toàn cầu, sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, internet, mạng xã hội đã có tác động ít nhiều đến suy nghĩ, lối sống của người dân. Điều này đã mang lại cho không khí Tết cổ truyền những hương vị mới, kết hợp hài hòa giữa những yếu tố truyền thống và hiện đại. Với nhiều gia đình, Tết đến không chỉ là dịp dành sự quan tâm cho người thân, gia đình, mà còn chú trọng đến việc “ăn Tết”, “chơi Tết”, “thưởng Tết du xuân”.

Đại sứ Argentina tại Việt Nam Luis Pablo Maria Beltramino 

Năm 2023, Việt Nam và Argentina sẽ kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Chính phủ hai nước đang xây dựng kế hoạch hoạt động kỷ niệm trong năm tới như các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao, các chương trình xúc tiến thương mại và hướng tới ký kết các thỏa thuận đang đàm phán. Đại sứ quán hai nước sẽ phát hành các ấn phẩm giới thiệu về đất nước, văn hóa, con người hai nước. Một ca sĩ nổi tiếng Argentina sẽ được mời biểu diễn tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh. Chúng tôi cũng dự định tổ chức triển lãm ảnh phong cảnh Việt Nam và Argentina. Bên cạnh đó, chúng tôi vẫn duy trì các hoạt động thường niên nhằm quảng bá ẩm thực và văn hóa Argentina như biểu diễn tango, ngày thịt bò hay ngày rượu vang. Đó là một vài sự kiện nổi bật trong năm sau.

Năm ngoái khi tôi sang Việt Nam, đất nước các bạn đang thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 nên tôi chưa có nhiều trải nghiệm về Tết cổ truyền Việt Nam. Trong năm mới này, tôi đưa cả gia đình tới Việt Nam và cả nhà tôi đều rất háo hức được khám phá, tận hưởng một cái Tết cổ truyền Việt Nam tại Hà Nội. Tôi rất ấn tượng với ẩm thực ngày Tết Việt Nam và mong muốn được thưởng thức các món ăn truyền thống đó cùng gia đình và nhân viên làm việc tại Đại sứ quán trong dịp Tết này. 

Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam Ann Mawe

Tôi bắt đầu nhiệm kỳ Đại sứ tại Việt Nam vào tháng 9 năm 2019 và chúng tôi đã tổ chức đón năm mới tại đây vào cuối năm 2019. Tuy nhiên, vì đại dịch, chúng tôi phải giảm quy mô các sự kiện trong hai năm sau đó. Chúng tôi sẽ tổ chức sự kiện lớn hơn trong năm nay. Tôi rất lạc quan về tương lai. Sau đại dịch, rất nhiều doanh nghiệp Thụy Điển muốn đến Việt Nam và Đại sứ quán luôn nhận được rất nhiều yêu cầu hỗ trợ. Nếu trước đây là các doanh nghiệp lớn thì bây giờ có các doanh nghiệp vừa, các doanh nghiệp kỳ lân cùng một số loại hình doanh nghiệp khác đang tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm một số dự án đầu tư từ cả Việt Nam và Thụy Điển.

Tôi rất thích những trải nghiệm năm mới tại Việt Nam. Tôi rất thích “bánh chưng” ngày Tết nhưng tôi phải dùng bánh chưng chay, chiếc áo dài truyền thống của các bạn cũng rất thanh lịch, duyên dáng và tôi cũng thích mặc áo dài. Tôi rất thích đi dạo để cảm nhận không khí đón năm mới của người dân địa phương. Và tôi nghĩ Tết truyền thống là dịp ý nghĩa cho gia đình, bạn bè quây quần bên nhau, dành thời gian cho những người thân yêu của mình.

Đại sứ Italia tại Việt Nam Antonio Alessandro

Tôi đã sống và làm việc tại Việt Nam 4 năm và có dịp đón Tết cổ truyền Việt Nam. Tôi cho rằng Tết là một ngày lễ trọng đại của người Việt Nam, nhất là những người yêu ẩm thực. Trong những món ăn ngày Tết tôi từng thưởng thức, tôi đặc biệt thích “bánh chưng” không chỉ ở hương vị mà còn ở cách bày biện. Bánh được gói bằng lá dong, tôi thấy bánh chưng không chỉ rất đẹp mắt mà còn rất chắc chắn và thân thiện với môi trường.

Tôi rất thích ẩm thực Việt Nam đồng thời thường xuyên thưởng thức món ăn Việt. Tôi thấy các món ăn truyền thống Việt Nam rất thanh đạm, tốt cho sức khỏe. Tết cũng là dịp để mọi người quây quần bên nhau, các thành viên trong gia đình và bạn bè thưởng thức những món ăn ngon cùng nhau. Tôi cũng nhận thấy ẩm thực Ý và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng bởi hai nước đều có nền ẩm thực lâu đời phong phú, đa dạng. Cả hai nền ẩm thực đều chú trọng đến chất lượng, độ tươi ngon. Chế độ ăn của người Việt và người Ý đều không sử dụng nhiều đường hay thành phần chất béo, rất tốt cho sức khỏe. Tôi hy vọng rằng, với nhiều nét tương đồng, ẩm thực của Ý cũng sẽ được sử dụng trong dịp Tết cổ truyền Việt Nam để bữa ăn thêm phần đa dạng trong ngày lễ đặc biệt này.

Nguồn: Vietnam Business Forum