15:51:07 | 19/12/2022
Xuất phát điểm từ một “vùng trũng” nhưng bằng quyết tâm, nỗ lực không ngừng của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và nhân dân trong tỉnh, những năm qua ngành Du lịch tỉnh Bắc Giang đang khởi sắc mạnh mẽ. Để xây dựng thương hiệu du lịch Bắc Giang là điểm đến hấp dẫn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc theo tinh thần Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch tỉnh đang tham mưu, thực hiện nhiều giải pháp khắc phục các “điểm nghẽn”. Trao đổi của Vietnam Business Forum với ông Đỗ Tuấn Khoa - Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang xung quanh về vấn đề này.
Khung cảnh mùa Xuân tại bản Bắc Hoa, xã Tân Sơn, huyện Lục Ngạn
Quy hoạch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mở ra các tiềm năng, lợi thế và cơ hội phát triển gì với ngành Du lịch, thưa ông? Đâu là những sản phẩm nổi bật và chủ trương thu hút đầu tư trong lĩnh vực này?
Bắc Giang là tỉnh đầu tiên trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (theo Quyết định số 219/QĐ-TTg, ngày 17/02/2022). Đây là kết quả, nỗ lực không ngừng của cả hệ thống chính trị; là tiền đề quan trọng, mở ra các cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Quy hoạch là căn cứ để tỉnh Bắc Giang lập quy hoạch các không gian du lịch; xây dựng các khu, điểm đến và cũng là tiền đề để các nhà đầu tư nghiên cứu triển khai dự án. Từ đó, tỉnh sẽ lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng, đầu tư các dự án lớn, xây dựng nhà hàng, khách sạn, công trình văn hóa, thể thao,... Công tác xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch, chất lượng nguồn nhân lực cũng được quan tâm và nâng cao.
Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế, Bắc Giang xác định tập trung xây dựng và khai thác 04 sản phẩm du lịch chính gồm: (1) Du lịch văn hóa - tâm linh; (2) du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; (3) du lịch vui chơi, giải trí, thể thao (golf); (4) du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, làng nghề truyền thống, sản phẩm nông nghiệp, nông thôn và các di sản văn hóa được UNESCO công nhận. Trong đó, du lịch văn hóa - tâm linh và thể thao golf là hai sản phẩm chủ lực hứa hẹn trở thành lĩnh vực quan trọng.
Tỉnh đang hoàn thiện các chủ trương, chính sách và thực hiện nhiều giải pháp, hoạt động như: Tạo điều kiện để doanh nghiệp gặp gỡ, trao đổi về các danh mục dự án đầu tư; tìm hiểu, lắng nghe nhu cầu của nhà đầu tư để điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp, đặc biệt là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho các dự án sớm triển khai.
Tỉnh cũng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản phẩm du lịch; tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo, các chương trình farmtrip; đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trên các kênh thông tấn, báo chí gắn với nền tảng số.
Với những chính sách phù hợp, sẽ đưa du lịch lên tầm cao mới, khẳng định thương hiệu điểm đến của du lịch Bắc Giang.
Chùa Vĩnh Nghiêm
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết số 112-NQ/TU ngày 15/6/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch 298/KH-UBND ngày 28/6/2022 của UBND tỉnh triển khai Nghị quyết số 112-NQ/TUđã đạt được kết quả nổi bật nào, thưa ông?
Thực hiện Nghị quyết số 112 - NQ/TU, dưới sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phát triển du lịch; chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch, phấn đấu, nỗ lực của các sở, ngành, địa phương cùng sự tham gia tích cực của doanh nghiệp và nhân dân, Bắc Giang đã tạo được một số chuyển biến tích cực.
Năm 2022, tỉnh đã chỉ đạo thẩm định và công nhận thêm 01điểm du lịch, nâng tổng số khu, điểm du lịch của tỉnh lên 12 (01 khu du lịch cấp tỉnh và 11 điểm du lịch). Toàn tỉnh hiện có 26 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành du lịch (08 lữ hành quốc tế; 16 lữ hành nội địa) và 02 chi nhánh lữ hành; 445 cơ sở dịch vụ lưu trú du lịch (21 khách sạn 1 sao; 08 khách sạn 2 sao; 06 khách sạn 3 sao; 01 khách sạn 4 sao và các cơ sở kinh doanh nhà nghỉ du lịch). Tổng lượt du khách cả năm đạt 1.350.000 lượt, trong đó có 15.500 lượt khách quốc tế; doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 650 tỷ đồng; công suất sử dụng phòng lưu trú ước đạt 75%.
Có được kết quả trên là nhờ tỉnh đã ban hành các chủ chương cụ thể và chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá các chương trình văn hóa, du lịch, thương mại, đầu tư;... Đồng thời chú trọng quy hoạch, đầu tư, đưa các chỉ tiêu phát triển du lịch lồng ghép trong các chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội.
Bắc Giang còn dành nguồn lực tài chính đáng kể cho các hoạt động du lịch như: Phân bổ 09 tỷ đồng cho in, tái bản các ẩn phẩm, chuyến khảo sát, hội thảo, xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch, hoạt động của Hiệp hội du lịch; phân bổ 47 tỷ đồng thực hiện các dự án có tác động tích cực đến sự phát triển du lịch,…
Mùa Vải Thiều tại huyện Lục Ngạn
Để Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 - 2030 triển khai có hiệu quả, ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh đang tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp nào? Đâu là những “điểm nghẽn” cần tập trung tháo gỡ?
UBND tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt Đề án phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2022 - 2030 nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng, làm tiền đề, thúc đẩy các loại hình du lịch mới, phát huy các giá trị tài nguyên sẵn có.
Để Đề án triển khai có hiệu quả, thời gian tới, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục tham mưu: (1) Tổ chức thành công Tuần văn hóa du lịch tỉnh Bắc Giang năm 2023; (2)hoàn thiện và trình UBND tỉnh dự thảo Đề án "Phục dựng con đường Hoằng Dương phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử"; (3) hoàn thiện và trình UBND tỉnh Nghị quyết của HĐND tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030; (4) hoàn thiện phần mềm hệ thống thông tin quản lý du lịch thông minh; (5) hoàn thiện và trình UBND tỉnh dự thảo "Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang ứng phó linh hoạt, thích ứng trạng thái bình thường mới đối với đại dịch Covid-19 giai đoạn 2022-2030, tầm nhìn 2050"; (6) tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Giai đoạn 2022-2030, tỉnh tập trung phát triển các mô hình du lịch cộng đồng kết hợp với du lịch văn hóa, lịch sử tâm linh; du lịch trang trại nông nghiệp, sinh thái, trải nghiệm (farmstay); du lịch ẩm thực, mua sắm;… đồng thời quảng bá rộng rãi qua công nghệ số.
Qua đó, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo hấp dẫn, thu hút du khách và khẳng định thương hiệu điểm đến du lịch Bắc Giang.
Trân trọng cảm ơn ông!
Ngô Khuyến (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI