Đổi mới nhận thức và tư duy về phát triển du lịch

13:56:40 | 14/11/2022

Nhắc đến tỉnh Bình Dương, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến vùng đất công nghiệp phát triển năng động, một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu  hút nhiều nhà đầu tư, lao động trong và ngoài nước. Nhưng không chỉ vậy, Bình Dương còn có nhiều tiềm năng để phát triển ngành dịch vụ du lịch.


Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch

Tỉnh Bình Dương có bề dày văn hóa, lịch sử lâu đời. Hiện toàn tỉnh có 63 di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 13 di tích cấp quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, địa phương còn có các nghề thủ công truyền thống nổi tiếng không chỉ trong tỉnh mà cả khu vực Đông Nam Bộ như: Nghề làm gốm sứ, sơn mài, chạm khắc gỗ, đan mây tre lá; tài nguyên du lịch tự nhiên tương đối đa dạng với hệ thống sông ngòi, rừng, núi, hồ… Tỉnh định hướng phát triển ngành du lịch tập trung đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan, nghỉ dưỡng cho đối tượng khách là các chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động đến sinh sống, làm việc tại tỉnh và các tỉnh, thành phố trong Vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.

Thời gian qua, tỉnh đã tuyên truyền nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, các doanh nghiệp du lịch đến cộng đồng dân cư về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội. Xác định du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính chất liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao, có tính nhân văn sâu sắc, tạo việc làm, đóng góp vào hội nhập kinh tế, góp phần tạo động lực cho các ngành khác phát triển. Nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, doanh nghiệp trong ứng xử văn minh, thân thiện với khách du lịch, bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng dịch vụ và xây dựng thương hiệu du lịch Bình Dương. Đổi mới tư duy, phát triển du lịch theo quy luật kinh tế thị trường, bảo đảm nhất quán từ quan điểm, mục tiêu, đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong thời gian tới.

Vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh đã tham mưu thành lập Quỹ hỗ trợ về xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng và ban hành quy chế thành lập và sử dụng Quỹ hỗ trợ về xúc tiến quảng bá du lịch; chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch mới; phát triển nguồn nhân lực du lịch. Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ phát triển du lịch. Trong đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh chú trọng hạ tầng giao thông thủy nội địa để phục vụ phát triển du lịch ven sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Tăng cường số lượng phòng lưu trú đạt tiêu chuẩn nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ; khuyến khích các cơ sở kinh doanh lưu trú cải tạo, nâng cấp hệ thống chất lượng dịch vụ để phục vụ du khách. Phát triển hệ thống khách sạn cao cấp phục vụ khách du lịch chi tiêu cao cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú của tỉnh Bình Dương.


Khu du lịch sinh thái Thủy Châu

Với sản phẩm du lịch, tỉnh tập trung xây dựng, khai thác, phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng (tham quan làng nghề truyền thống), nhóm sản phẩm du lịch chính (du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, tham quan tìm hiểu các di tích, khu công nghiệp, nhà máy sản xuất, tìm kiếm cơ hội đầu tư). Đồng thời, củng cố duy trì các sản phẩm, dịch vụ hiện có, từng bước xây dựng cơ sở vật chất, các điều kiện để phát triển nhóm sản phẩm du lịch bổ trợ.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xác định lại thị trường khách để đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch. Theo đó, tập trung xúc tiến, tuyên truyền quảng bá vào các phân khúc thị trường mục tiêu dưới nhiều hình thức. Phối hợp với Ban Quản lý các khu công nghiệp cung cấp thông tin cần thiết về du lịch cho các chuyên gia và người lao động, phối hợp với các cơ sở đào tạo để cung cấp thông tin về loại hình du lịch tham quan tìm hiểu về hệ thống các di tích để thu hút khách là đối tượng học sinh, sinh viên,...

Xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến văn hóa ứng xử đối với khách du lịch và môi trường, tài nguyên. Tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm tăng cường tính liên kết giữa các ngành, vùng, địa phương, giữa khối Nhà nước và tư nhân trong phát triển du lịch.

Chín tháng đầu năm 2022, ngành Du lịch tỉnh Bình Dương ước phục vụ 1.530.000 lượt khách (trong đó có 225.000 khách quốc tế, 1.305.000 lượt khách nội địa), so với kế hoạch đạt 102% (1.500.000 lượt), so với cùng kỳ năm 2021 tăng 306% (500.000 lượt); doanh thu du lịch ước đạt 1.040 tỷ đồng, đạt 86,7% so với kế hoạch (1.200 tỷ đồng), tăng 260% so với cùng kỳ năm 2021 (400 tỷ đồng).

Chủ động tổ chức và tham gia các hội nghị, hội thảo trong và ngoài nước về xúc tiến đầu tư, phát triển du lịch; tranh thủ các diễn đàn du lịch, kinh tế quốc tế để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá cho du lịch tỉnh.

Xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu du lịch tỉnh Bình Dương gắn với khẩu hiệu “Trải nghiệm và cảm nhận”. Nghiên cứu xây dựng kế hoạch, chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, phát triển du lịch thông minh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ đặt tour, phòng lưu trú, thanh toán,…

Hoàng Ngọc: Vietnam Business Forum