10:57:43 | 3/1/2023
Năm 2022, ngành Du lịch Hòa Bình ghi nhận sự trở lại ấn tượng sau thời gian dài trầm lắng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Để có được kết quả này, ngay từ đầu năm tỉnh đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhất là nâng cấp cơ sở hạ tầng; phát triển các sản phẩm, dịch vụ; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch,... Bà Bùi Thị Niềm - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình đã có chia sẻ với Vietnam Business Forum xung quanh vấn đề này.
Thung Nai Hòa Bình
Là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Hòa Bình sẽ tiếp tục triển khai và đưa ra các giải pháp nào nhằm phát huy hiệu quả đề án phát triển du lịch?
Đề án phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 -2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 1795/QĐ-UBND ngày 20/8/2021. Đây là đề án quan trọng trong việc nâng cao hiệu quản lý nhà nước và thu hút đầu tư phát triển du lịch.
Mục tiêu phát triển chính của Đề án là: Phát huy tối đa lợi thế, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc. Chú trọng quy hoạch phát triển du lịch; ưu tiên đầu tư hạ tầng du lịch trong Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, Khu du lịch Mai Châu và những địa phương có nhiều tiềm năng. Phát triển du lịch theo hướng bền vững; tập trung phát triển dòng sản phẩm: Du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, văn hóa, sinh thái, tâm linh; du lịch thể thao, cộng đồng,... Chú trọng khai thác thị trường vùng thủ đô Hà Nội song song với mở rộng thị trường trong nước và quốc tế.
Để thực hiện các mục tiêu trên, tỉnh đã đưa ra các nhóm nhiệm vụ và giải pháp như sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của phát triển du lịch đối với phát triển kinh tế - xã hội. Phổ biến các quy định cũng như triển khai hiệu quả chương trình hành động, nghị quyết, quy hoạch, kế hoạch đề án phát triển du lịch của Trung ương và địa phương.
Thứ hai, tăng cường quản lý nhà nước về du lịch. Đẩy mạnh triển khai các quy hoạch đã được phê duyệt; tiếp tục lập quy hoạch xây dựng chung, quy hoạch phân khu du lịch. Thực hiện tốt công tác cấp phép và quản lý sau cấp phép đầu tư; kịp thời giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dự án.
Thứ ba, đầu tư xây dựng hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch. Tiếp tục ưu tiên huy động các nguồn lực đầu tư vào cơ sở hạ tầng như các tuyến đường giao thông, bến cảng du lịch, đường điện, nước, viễn thông. Đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các tập đoàn lớn, có thương hiệu đẳng cấp để đầu tư phát triển du lịch.
Thứ tư, xây dựng và triển khai thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án về phát triển du lịch; ban hành chính sách đặc thù tạo cơ sở pháp lý để hỗ trợ đầu tư phát triển sản phẩm du lịch; hỗ trợ vay vốn, tuyên truyền quảng bá, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.
Thứ năm, phát triển thị trường và nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch. Đẩy mạnh khai thác và mở rộng thị trường khách du lịch nội địa. Tập trung khai thác hiệu quả thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống từ Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản và Úc. Ưu tiên, hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái, văn hóa, cộng đồng, du lịch nghỉ dưỡng; phát triển sản phẩm du lịch có lợi thế như chơi golf, đua xe đạp địa hình, bay dù lượn, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí chất lượng cao.
Thứ sáu, đổi mới công tác quảng bá, xúc tiến du lịch hiệu quả nhằm giới thiệu các tài nguyên và điểm đến hấp dẫn của Hòa Bình. Khai thác hiệu quả hệ thống du lịch thông minh tỉnh Hòa Bình và các trang thông tin điện tử; tổ chức đón các đoàn presstrip đến khảo sát nghiên cứu; tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch trong nước và quốc tế.
Thứ bảy, tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP.Hồ Chí Minh cũng như với các tỉnh trong cả nước. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch,...
Các giải pháp đồng bộ trên sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu của Đề án trong giai đoạn tới.
Để sẵn sàng “kích cầu du lịch” sau dịch bệnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã có những phương án, hoạt động cụ thể với các sản phẩm du lịch mới, đặc sắc như thế nào, thưa bà?
Ngay sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND ngày 09/3/2022 tổ chức Chương trình kích cầu du lịch tỉnh Hoà Bình năm 2022 để chỉ đạo một số sở, ngành, cơ quan, địa phương và các đơn vị tổ chức triển khai thực hiện với các nhiệm vụ chính gồm:
Tổ chức công bố Chương trình kích cầu du lịch Hòa Bình năm 2022 với chủ đề “Hòa Bình, điểm đến du lịch an toàn - Trải nghiệm trọn vẹn” theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao tại một số địa phương để tạo thành chuỗi các sự kiện thu hút du khách.
Bên cạnh đó, tham gia các sự kiện, hoạt động văn hóa, du lịch ngoài tỉnh để giới thiệu, tuyên truyền, quảng bá cho du khách trong nước và quốc tế.
Đối với việc xây dựng các sản phẩm mới, đặc sắc, trong năm, Sở đã tổ chức đoàn famtrip và presstrip và xây dựng một số sản phẩm: Du lịch bay dù lượn, đạp xe địa hình … Thời gian tới sẽ tiếp tục xây dựng một số sản phẩm mới mạo hiểm trên Khu du lịch hồ Hòa Bình như: Leo núi vách đứng, nhảy bumgi, đạp xe địa hình, bay dù lượn và các trò chơi cảm giác mạnh dưới nước để đưa vào phục vụ du khách.
Năm 2023, Sở sẽ tổ chức các lễ hội, trong đó có Lễ hội Khai hạ Mường Bi, liên hoan làng du lịch cộng đồng các tỉnh Tây Bắc mở rộng, mời một số tỉnh có làng du lịch cộng đồng tham gia và tiếp tục tổ chức Chương trình kích cầu du lịch năm 2023.
Trân trọng cảm ơn bà!
Duy Bình (Vietnam Business Forum)
01/07/2023 đến ngày 15/9/2024
VCCI