Thương mại điện tử: Lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng

09:26:49 | 2/3/2023

Bất chấp những khó khăn từ ảnh hưởng của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu, ngành thương mại điện tử (TMĐT) được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm mới 2023. Với tốc độ tăng trưởng 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, TMĐT Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, trở thành kênh phân phối quan trọng, quy mô thị trường đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Ước tính, có khoảng 57 - 60 triệu người Việt mua sắm trực tuyến với giá trị mua sắm bình quân đầu người 260 - 285 USD trong năm 2022.

Sách trắng TMĐT Việt Nam 2022 ghi nhận, Việt Nam có đến 74,8% người dùng Internet tham gia mua sắm trực tuyến. Các mặt hàng được mua sắm online nhiều nhất là quần áo, giày dép, mỹ phẩm (69%), thiết bị, đồ dùng gia đình (64%), đồ công nghệ và điện tử (51%)…

Việt Nam có khoảng 100 sàn TMĐT xuyên biên giới, 139 đơn vị sở hữu sàn giao dịch TMĐT. Trong số này, có 41 sàn TMĐT bán hàng, 98 sàn TMĐT cung cấp dịch vụ, 3 công ty đối tác của các nhà cung cấp nước ngoài được thay nhà cung cấp nước ngoài trả tiền cho các tổ chức, cá nhân có quan hệ giao dịch. Trong đó, thị trường có sự chạy đua và chi phối của 4 “đại gia” TMĐT là Shopee, Lazada, Tiki và Sendo. Theo Metric, tổng doanh thu của 4 sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam đạt mức 135.000 tỷ đồng. Có 566.000 gian hàng đã phát sinh đơn hàng trên 4 sàn này với hơn 1,3 tỷ đơn vị sản phẩm. Trong đó, Shopee là sàn TMĐT lớn nhất, chiếm gần 73% tổng doanh số; Lazada đạt khoảng 21%; Tiki chiếm 5%; Sendo chiếm khoảng 1% thị phần.

Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện có quy mô khoảng 250 tỷ USD, tạo không gian tăng trưởng rộng lớn cho TMĐT. Chính phủ đặt mục tiêu tăng tỷ trọng TMĐT trong tổng mức bán lẻ lên trên 20%.

Theo bà Stephanie, Phó chủ tịch Google châu Á - Thái Bình Dương phụ trách khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm nay với nền kinh tế kỹ thuật số có tốc độ phát triển nhanh nhất và TMĐT có tốc độ tăng cao nhất khu vực Đông Nam Á. Đặc biệt, trong tổng giá trị 23 tỷ USD của nền kinh tế số Việt Nam năm 2022, có tới 14 tỷ USD từ lĩnh vực TMĐT. Còn tới năm 2025, khi kinh tế kỹ thuật số Việt Nam đạt 49 tỷ USD, thì TMĐT sẽ chiếm 32 tỷ USD.

Có thể thấy, TMĐT Việt Nam đang có nhiều lực đẩy hỗ trợ tăng trưởng, như làn sóng chuyển đổi số, hạ tầng công nghệ, kết nối Internet phổ cập, vốn, thanh toán online, logistics và nguồn nhân lực,… Đặc biệt, Việt Nam đang có nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển kinh tế số và TMĐT.

Bên cạnh đà tăng trưởng và những mặt tích cực, TMĐT còn phải đối mặt với tình trạng buôn bán hàng giả, gian lận thương mại diễn biến phức tạp, cũng như những khó khăn về truy thu thuế đối với loại hình này.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng tinh vi. Nhiều đối tượng không có kho hàng hay cửa hàng, chỉ tiếp nhận đặt online; phân tán hàng hóa nhiều nơi; chỉ giao hàng với số lượng dè dặt nhỏ lẻ, khó xác định được kho hàng. Không những thế, đối tượng chỉ bán hàng qua cộng tác viên trung gian; nhiều khi trên website đăng nhiều sản phẩm nhưng thực tế chỉ nhận đơn hàng rồi đặt qua đơn vị khác để làm trung gian kiếm lời... Đặc biệt, việc các website và các trang mạng xã hội dễ dàng được tạo ra và đóng lại trong thời gian nhanh chóng khiến lực lượng chức năng rất khó kiểm soát.

Chính vì vậy, trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận thương mại điện tử là 222 triệu đồng. Cùng đó, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đồng thời, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội; tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.

Để quản lý thuế đối với TMĐT, dữ liệu khai thác từ cổng thông tin thương mại điện tử vào cuối 2022 cho thấy, có 14.875 tổ chức trong nước và 8 từ nước ngoài đăng ký bán hàng trên các sàn. Ngành thuế có thông tin của hơn 53.200 cá nhân trong nước và 4 người nước ngoài kinh doanh qua các sàn thương mại điện tử. Hơn 14,5 triệu lượt giao dịch với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng đã diễn ra thông qua các sàn nhưng theo Tổng cục Thuế, giao dịch thực tế vẫn cao hơn nhiều so với thống kê. Ngành sẽ tiếp tục phân tích, đánh giá rủi ro để có giải pháp quản lý thuế hiệu quả hơn.

Theo quy định hiện hành, sàn giao dịch thương mại điện tử phải cung cấp thông tin về người bán bao gồm họ tên, mã số thuế/định danh cá nhân/chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu, địa chỉ, số điện thoại. Riêng các sàn có chức năng đặt trực tuyến như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo còn phải cung cấp thêm doanh thu của từng người bán. Dựa trên các thông tin này, cơ quan thuế sẽ rà soát để đưa nhiều cá nhân, tổ chức vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp để điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu.

Hương Giang (Vietnam Business Forum)