09:49:50 | 20/4/2023
Làng gốm sứ Kim Lan thuộc huyện Gia Lâm (Hà Nội) từ lâu đã được nhiều người biết đến là một làng gốm cổ. Nơi đây có hàng trăm hộ gia đình đang ngày đêm miệt mài giữ cho các lò gốm luôn đỏ rực lửa.
Nếu như Bát Tràng nổi tiếng với sản phẩm gốm mỹ nghệ thì Kim Lan được coi là quê hương của đồ gốm gia dụng. Điều làm nên sự khác biệt của gốm Kim Lan đó là sản phẩm không cầu kì về chi tiết mà đơn giản, hài hòa, tạo sự tiện dụng. Các sản phẩm của làng gốm phong phú và đa dạng, từ kích thước nhỏ như ống đựng tăm, chân nến cho tới cỡ lớn như vại muối dưa, đôn, chậu cây cảnh… Ngoài bát đĩa, ấm chén và những đồ thông dụng trong đời sống hàng ngày, nghệ nhân gốm Kim Lan còn sản xuất những sản phẩm giá trị như độc bình, lư, đỉnh, đèn thờ… với hai loại men truyền thống là men ngọc, men rạn. Ngoài ra còn chú trọng phát triển các sản phẩm gốm phục vụ xây dựng như gạch, ngói trang trí, con tiện lan can… Mỗi gia đình ở Kim Lan chọn cho mình một sản phẩm thế mạnh, nhà làm chậu cảnh thì chuyên chậu cảnh, nhà nào làm xiên hoa thì chuyên xiên hoa…
Làng gốm Kim Lan ngày nay cho ra đời nhiều chủng loại sản phẩm chất lượng cao, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà đã vươn ra thị trường lớn trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Gốm Kim Lan xưa nổi danh bởi được làm thủ công từng công đoạn rất tỉ mỉ. Sản phẩm nặn xong, đem nhúng vào nước hỗn hợp được làm từ nguyên liệu tự nhiên như tro trấu, vôi bột, bột đá nghiền hay đất trắng rồi đem nung sẽ cho ra thành phẩm có nước men ngọc, trắng trong, mềm mịn. Nếu muốn có men rạn thì giảm bớt lượng tro trấu. Giờ đây, có công nghệ hiện đại và các loại hóa chất hỗ trợ, người làm gốm không phải vất vả làm men thủ công như xưa, nhưng vẫn tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất truyền thống. Trước đây, đa số các cơ sở sản xuất gốm ở làng Kim Lan sử dụng lò than để nung nhưng vài năm gần đây đã chuyển sang sử dụng lò gas, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng, đồng thời nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhờ chuyển đổi công nghệ, đã giảm hơn 80% lượng khí thải CO2 và tiết kiệm khoảng 70% năng lượng tiêu thụ.
Đồ gốm Kim Lan xưa giá trị là bởi được làm thủ công, với công thức chế tác đơn giản với nguyên liệu tự nhiên, gồm: Tro trấu, vôi bột, bột đá nghiền; hoặc tro trấu, vôi bột, đất trắng, trộn rồi lọc lấy nước hỗn hợp. Bình hoa, bát, đĩa, ấm chén… sau khi nặn vuốt xong sẽ được nhúng vào nước hỗn hợp ấy rồi đem nung, sẽ cho ra sản phẩm có nước men trắng bóng, độ bền cao; nếu muốn có men rạn, thì giảm lượng tro trấu…
Anh Đào Văn Thịnh ở xóm 7 Kim Lan cho biết, trước đây không có vốn, cả làng có tới hơn 300 lò gốm bằng than, ngày nắng nóng cả làng như một cái “lò bát quái”, khói bụi mù mịt. Sản phẩm bị hỏng khá nhiều, chi phí công sản xuất cũng tăng cao. Nhưng từ khi chuyển sang lò nung bằng gas, đời sống của nhân dân ở đây khá lên rất nhiều, sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, vừa tiết kiệm năng lượng, vừa bảo vệ môi trường.Giai đoạn từ năm 2014 - 2017, tại đây nở rộ một phong trào thi đua xây dựng lò mới, chuyển đổi công nghệ. Bà con ai nấy cũng đều rất phấn khởi, tích cực mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Đến nay hầu hết các hộ đều đã dùng lò gas thay cho lò đốt truyền thống.
Với 50 chuyến lò gas mỗi năm, đạt doanh thu trên 2 tỷ đồng, gia đình anh Nguyễn Đắc Dũng, thôn 5 xã Kim Lan cho ra thị trường hàng vạn sản phẩm chậu và ang đất đỏ, tạo việc làm và thu nhập cao cho hàng chục lao động nông thôn. Tương tự, tại các hộ sản xuất khác, thu nhập từ việc kinh doanh gốm Kim Lan khá ổn định, tạo sinh kế cho nhiều lao động trong và ngoài khu vực.
Nghệ nhân Phạm Nguyên ở thôn 3 (xã Kim Lan), có thâm niên làm nghề gốm hàng chục năm cho biết: Hiện cả thôn có 430 hộ dân thì có 45 hộ làm gốm. Với người thợ gốm bình thường, ngày công trung bình đạt 300 nghìn đồng. Riêng với các thợ xếp gốm vào lò đòi hỏi kỹ thuật và nặng nhọc, ngày công có thể đạt 1 triệu đồng.
Chủ tịch UBND xã Kim Lan Nguyễn Thị Huệ cho biết: Toàn xã hiện có khoảng 500 hộ sản xuất, doanh nghiệp, hợp tác xã mua bán, dịch vụ, sản xuất kinh doanh gốm sứ, đáp ứng việc làm cho hơn 3.500 lao động. Những năm gần đây, gốm sứ Kim Lan đã có những chuyển biến tích cực. Toàn xã có 356/364 hộ chuyển đổi công nghệ sản xuất từ lò hộp (đốt bằng than) sang lò đốt bằng gas gắn công nghệ điều khiển từ xa bằng máy tính, điện thoại thông minh; số hộ sản xuất hàng sứ xuất khẩu ngày càng nhiều.
Để đẩy mạnh thương hiệu làng gốm Kim Lan, xã đang tập trung tuyên truyền để người dân hiểu và tự tin sử dụng nhãn hiệu tập thể “Gốm sứ Kim Lan” dán vào các sản phẩm để người tiêu dùng nhận diện và quảng bá cho sản phẩm địa phương. Xã Kim Lan cũng đã thành lập hội gốm sứ, có hợp tác xã chuyên ngành về gốm sứ đại diện cho các hộ thành viên khi ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với đối tác. Đặc biệt, trong các năm gần đây, xã chú trọng hỗ trợ các chủ thể chuẩn hóa sản phẩm để dự thi trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.
Anh Phạm Nguyên cho biết thêm: "Gia đình tôi xác định cần có hướng đi riêng cho sản phẩm, cần khẳng định thương hiệu gốm của quê hương. Chính bởi vậy, gia đình đã dán logo “Gốm cổ Kim Lan” lên từng sản phẩm khi đưa ra thị trường. Tôi tin rằng, với những sản phẩm chất lượng tốt, mẫu mã đa dạng, giá cạnh tranh, gốm Kim Lan sẽ khẳng định được vị thế trên thị trường và nghề gốm ở Kim Lan - làng gốm cổ lâu đời ở Hà Nội sẽ phát triển".
Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội
Đình Bảo (Vietnam Business Forum)