Đến nơi sản xuất sợi chuối đầu tiên tại Việt Nam.

14:15:08 | 10/5/2023

Cây chuối là loại cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp và đem lại nguồn thu cho người dân xã Khai Thái – Phú Xuên – Hà Nội. Tại đây, cây chuối chủ yếu trồng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi, còn thân chuối gần như 100% là chặt bỏ, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường Hợp tác xã Thương mại và Dịch vụ (HTX TM&DV) nông nghiệp Khai Thái đã thành lập  cơ sở sản xuất sợi chuối đầu tiên tại Việt Nam mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thị trường sợi chuối đã hình thành và phát triển khoảng gần 20 năm nay. Đây là một thị trường sôi động, phát triển liên tục với những quốc gia xuất khẩu sợi chuối thô hàng đầu thế giới như Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, mỗi năm thu hàng tỷ USD. Trong khi đó, tại Việt Nam, cây chuối hiện nay chỉ chủ yếu dùng để lấy quả, một số ít tận dụng được lá khô, lá tươi, hoa tươi. Thân chuối gần như 100% là chặt bỏ, gây lãng phí và thậm chí gây ô nhiễm môi trường, người trồng chuối thậm chí phải mất chi phí cho việc đốn hạ, vứt bỏ thân chuối sau thu hoạch.

Qua thống kê sơ bộ, hiện tại Việt Nam có khoảng 150.000ha chuối lấy quả có diện tích lớn, quy mô trang trại, nông trại, nếu tính cả diện tích nhỏ lẻ của các hộ gia đình, các giống chuối không lấy quả như: Chuối lá, chuối hột, chuối rừng thì diện tích cây chuối của nước ta trên 200.000 ha. Diện tích chuối đó tương đương với khoảng 200.000 tấn sợi mỗi năm, với giá sợi thô thấp nhất trên thị trường quốc tế hiện nay là khoảng 3,5 USD/kg thì số lượng sợi trên tương đương khoảng 700 triệu USD.

Cây chuối từ lâu đã gắn bó với đất và người dân Khai Thái. Để tận dụng thế mạnh của xã, tháng 7/2020, HTX Thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Khai Thái chuyên sản xuất, chế biến cây chuối thành sợi đầu tiên tại Việt Nam được thành lập, với tiền thân là các tổ sản xuất trên địa bàn.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Chủ tịch HĐQT HTX, cho hay tận dụng lợi thế của xã Khai Thái là vùng chuyên canh cây chuối rộng hàng trăm ha, tôi đã tìm hiểu để phát triển nghề rút sợi tơ chuối và làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ loại tơ này, với mục tiêu chế biến sợi chuối thô để sản xuất ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng, giấy các loại như giấy in tiền, giấy gói hàng, đến những vật liệu cao cấp dùng trong công nghiệp ô tô, du thuyền… có giá trị kinh tế cao.

 Để đảm bảo chất lượng nguồn nguyên liệu, HTX ứng dụng canh tác theo quy trình sản xuất sạch, an toàn sinh thái, điển hình như trong việc sử dụng phân bón, các hộ loại bỏ hóa chất, phân bón hóa học độc hại, chỉ sử dụng phân hữu cơ, phân chuồng ủ hoai. Trong công tác bảo vệ cây trồng, HTX sử dụng các loại thuốc vi sinh, hoạt chất tự chế từ nguyên liệu thân thiện với môi trường, đặc biệt, khi chuối ra buồng, đậu quả, HTX ứng dụng kỹ thuật bao trái với túi chuyên dụng để ngăn chặn sâu bệnh, qua đó giảm thiểu lượng thuốc sử dụng. Về việc lấy tơ, HTX làm sạch thân cây chuối (sau khi đã thu hoạch quả) rồi đưa vào máy xẻ để thực hiện công đoạn tách, phân loại bẹ, tiếp đó, cho vào máy tuốt sợi và tiếp tục phơi nắng cho khô. Từ sợi tơ chuối, những người thợ thủ công ở Khai Thái đã tết, bện thành nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ như: Túi, giỏ, sọt, làn, khay, thảm... với kiểu dáng độc đáo, phong phú, tùy theo đơn đặt hàng của đối tác. Sợi chuối có đặc tính dẻo dai, thấm hút tốt, khả năng kháng nấm mốc; sản phẩm từ tơ chuối thoáng khí, rất nhẹ, cách âm, cách điện…

Phần nước ép từ thân cây chuối được kết hợp với quả chuối chín để ủ enzyme sinh học thành nước dinh dưỡng dùng tưới rau, cây ăn quả; bã từ thân chuối được tận dụng ủ thành phân vi sinh bón cho cây trồng, vừa cung cấp vi chất lại thân thiện với môi trường. Trung bình một tấn thân chuối thu được 10 - 15 kg sợi chuối, sau khi phơi khô, tết, bện thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ xuất khẩu, giá trị kinh tế được nâng lên rất nhiều. Chỉ trong 1 năm hoạt động, từ 2 - 3 lao động ban đầu, đến thời điểm hiện tại, quy mô của HTX TM&DV nông nghiệp Khai Thái đã mở rộng thêm 3 cơ sở sản xuất tại thôn Lập Phương và Vĩnh Trung, tạo việc làm cho 30 lao động địa phương, đảm nhận các phần việc từ chặt chuối, vận chuyển, tuốt sợi, ép bã, ngâm ủ nước thân chuối, quả chuối để làm chế phẩm sinh học hữu cơ, sản xuất một số đồ thủ công mỹ nghệ, gia dụng bằng sợi chuối. Trong đó, người có thu nhập thấp nhất là 4,5 triệu đồng/tháng; người có thu nhập cao lên tới cả chục triệu đồng mỗi tháng, đáng nói, công việc tết, bện sản phẩm từ tơ chuối không quá nặng nhọc nên người cao tuổi cũng có thể tham gia.

Đại diện UBND xã Khai Thái cho biết, trong thời gian tới xã sẽ tích cực hỗ trợ nhân rộng các mô hình sản xuất điểm, ứng dụng canh tác an toàn sinh thái trên nhiều loại cây trồng khác. Nhân rộng mô hình tại một số thôn trên địa bàn xã nhằm được thu gom được nhiều hơn nữa các phụ phẩm nông nghiệp trên các diện tích trồng chuối của địa phương; đồng thời giải quyết bài toán khó về môi trường cho vùng chuyên canh chuối hiện nay của địa phương.

Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tơ chuối của HTX TM&DV nông nghiệp Khai Thái đã đạt  sản phẩm OCOP  4 sao năm 2021 gồm: Đèn sợi chuối; tảo sái sợi chuối; túi sách sợi chuối; lọ hoa sợi chuối; giỏ đựng đồ con cú sợi chuối; cọ cốc chén sợi chuối. Thời gian tới, HTX sẽ tiếp tục phát triển để các sản phẩm từ sợi chuối có thể trở thành sản phẩm mũi nhọn của địa phương, đạt mức 5 sao của Chương trình OCOP và sẵn sàng tham gia vào các chương trình quốc gia trong phát triển nông nghiệp nông thôn cũng như làm tăng chất lượng mặt hàng nông sản vùng… Qua đó, hỗ trợ các địa phương cách làm sợi chuối, giúp người dân có thêm cơ hội việc làm, góp phần phát triển kinh tế gia đình cũng như phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ hòa nhập.

Theo Chi cục trưởng , Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Chí nhận xét, HTX TM&DV nông nghiệp Khai Thái là mô hình đầu tiên tại Việt Nam sản xuất sợi từ thân cây chuối. Thành công từ mô hình này mở ra một ngành kinh tế nông nghiệp mới, “biến” thân chuối bỏ đi sau thu hoạch trở thành nguồn lợi có giá trị… Những sản phẩm của HTX được làm từ sợi chuối có nét độc đáo, mang đậm sức sáng tạo của người dân Khai Thái, không chỉ tạo ra những sản phẩm có giá trị cao, thân thiện với môi trường mà còn góp phần làm cho đời sống người dân nơi đây thêm đủ đầy, sung túc.

Có thể thấy, quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, thân thiện môi trường, đã giúp nông dân địa phương tự tin phát triển sản xuất, thích ứng thị trường.

Trang thông tin có sự phối hợp của Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội

Bảo Đan (Vietnam Business Forum)