09:17:58 | 8/5/2023
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (nay là Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026: “Nhiệm vụ bao trùm, quan trọng nhất của VCCI là làm tốt công tác tập hợp, liên kết, phát huy sức mạnh tổng lực, tinh thần đoàn kết của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam để góp phần giải quyết những bài toán, vấn đề lớn đang đặt ra cho đất nước,…”.
Phó Chủ tịch VCCI Bùi Trung Nghĩa (hàng đầu bên phải) tặng Bằng khen của VCCI cho các tập thể, cá nhân của Hiệp hội DN tỉnh Hải Dương
Thủ tướng Chính phủ đánh giá, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vững mạnh như hiện nay phải kể đến vai trò, vị thế và uy tín của VCCI. Với tư cách là tổ chức quốc gia tập hợp và đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân, người sử dụng lao động và các hiệp hội doanh nghiệp ở Việt Nam, VCCI đã có nhiều đóng góp tích cực, có tính lan tỏa, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của đất nước.
Đến nay, VCCI đã có gần 200.000 doanh nghiệp hội viên. Ban Chấp hành hoạt động hiệu quả với hơn 90 thành viên đại diện cho các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế.
Bằng những nỗ lực không ngừng, VCCI dần trở thành tổ chức xúc tiến thương mại, đầu tư lớn nhất ở Việt Nam, người bạn đồng hành của doanh nghiệp, đối tác tin cậy của Chính phủ và là một tác nhân quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.
Tăng cường hợp tác, phối hợp hỗ trợ doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực
Trong giai đoạn vừa qua, VCCI đã hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trên nhiều mặt: Tập hợp, đề xuất kiến nghị cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước; hỗ trợ nâng cao năng lực cho cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa; tư vấn về pháp lý, hội nhập, lao động,… và các vấn đề liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giải quyết những tranh chấp có thể nảy sinh trong các quan hệ kinh doanh,... Trong đó, việc tăng cường kết nối, hỗ trợ và phối hợp với các hiệp hội doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng hỗ trợ và phát triển cộng đồng doanh nghiệp.
VCCI đã sớm thực hiện tăng cường hỗ trợ gián tiếp cho doanh nghiệp thông qua việc thành lập hệ thống các hiệp hội doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố và địa phương cũng như hiệp hội doanh nghiệp ở một số lĩnh vực, ngành, nghề. VCCI cũng tăng cường các hoạt động kết nối và phối hợp với chính quyền địa phương, hiệp hội doanh nghiệp trong các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh; xúc tiến thương mại và đầu tư; thành lập Hội đồng hiệp hội doanh nghiệp ở cấp vùng; bước đầu ủy quyền, hướng dẫn các hiệp hội thực hiện chức năng đại diện cho giới sử dụng lao động tại địa phương và các hoạt động nâng cao năng lực của người sử dụng lao động.
Cùng với sự lớn mạnh của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động hỗ trợ thông qua các hiệp hội doanh nghiệp từng bước được tăng cường, định hướng và gắn với hoạt động chung của VCCI thông qua hoạt động của Ban Chấp hành VCCI mà đại diện là các hiệp hội doanh nghiệp tham gia.
Đặc biệt, tiếng nói và kiến nghị của doanh nghiệp ngành nghề hay doanh nghiệp địa phương được VCCI tổng hợp và chuyển tải tới các cơ quan quản lý bộ, ngành Trung ương và Chính phủ đã được quan tâm, giải quyết và tháo gỡ hiệu quả. Qua đó, từng bước tạo niềm tin và lan tỏa tính tích cực trong cộng đồng doanh nghiệp về triển vọng môi trường kinh doanh Việt Nam.
Để tiếp tục góp phần hoàn thiện thể chế về môi trường kinh doanh theo hướng thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, thời gian tới, VCCI sẽ tiếp tục sát cánh cùng các hiệp hội doanh nghiệp trong việc theo dõi và tập hợp các kiến nghị đối với các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực ngành nghề, thủ tục hành chính ở địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác giao ban với các hiệp hội doanh nghiệp ngành nghề và địa phương để kịp thời nắm bắt, đề xuất những giải pháp đối với những vấn đề lớn của ngành, vùng, địa phương, góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển.
VCCI sẽ tiếp tục thúc đẩy liên kết chặt chẽ hơn giữa các ngành, các vùng, giữa các hiệp hội doanh nghiệp nhằm đẩy mạnh các hoạt động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, địa phương. Tăng cường công tác phát triển doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp khởi nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại - đầu tư và nâng cao năng lực hoạt động của các hiệp hội, góp phần phát triển cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Nâng cao vai trò, vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam
Với tư cách đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, VCCI được giao tham mưu để Bộ Chính trị khóa IX ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/12/2011 về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với VCCI và đại diện cộng đồng doanh nghiệp để chỉ đạo quán triệt, xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và khẳng định chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước với sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Nghị quyết số 09 là bước đột phá về mặt nhận thức, khẳng định, tôn vinh và thúc đẩy vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đề ra các giải pháp xây dựng và phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam trong tình hình mới.
Hiện nay, VCCI được Trung ương giao phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương triển khai các nội dung trong khuôn khổ “Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế” và đã hoàn thiện dự thảo, trình Bộ Chính trị cho ý kiến về Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 09.
Thời gian tới, các hiệp hội doanh nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu và coi Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 09-NQ/TW về phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân là “kim chỉ nam”, định hướng để thấy rõ vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân và trách nhiệm của các cơ quan chính quyền và cả cộng đồng, xã hội trong việc góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân giai đoạn mới, trong thời kỳ trung tâm của cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng của các thành tựu của công nghệ số.
Đồng thời, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà VCCI đang rất chú trọng là đề cao ý nghĩa và thúc đẩy việc xây dựng đạo đức doanh nhân và văn hoá kinh doanh Việt Nam. Triển khai định hướng này, VCCI đã xây dựng Đề án “Thúc đẩy xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam giai đoạn 2021 - 2026” và đã công bố, phát động doanh nhân, doanh nghiệp cả nước thực hiện 06 Quy tắc đạo đức doanh nhân Việt Nam. Đây cũng là một trong những nội dung quan trọng góp phần vào xây dựng phẩm chất và định hướng cho thế hệ doanh nhân mới nhằm hướng tới sự phát triển bền vững và nhân văn của cộng động doanh nghiệp Việt Nam.
Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, VCCI đã, đang và sẽ luôn nỗ lực, sát cánh phát huy sức mạnh tổng lực, tinh thần đoàn kết, hợp tác của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đưa đất nước phát triển, hùng cường, thịnh vượng.
Bùi Trung Nghĩa
Phó Chủ tịch VCCI
Nguồn: Vietnam Business Forum