Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-CP năm 2023 ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW năm 2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Mục tiêu của Nghị quyết là phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa...

Phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp; tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế; phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%; nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu...

Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn

Để đạt được mục tiêu này, các nhà quản lý đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thúc đẩy sự phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, trong quý I/2023, bình quân một tháng có gần 20,1 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tức là khoảng 1.000 doanh nghiệp đăng ký “khai tử” mỗi ngày.

Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê), cho rằng, những khó khăn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt đã được thể hiện rõ qua những số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp quý 1/2023 khi lần đầu tiên trong các quý 1 từ trước đến nay, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao hơn số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Cụ thể, những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt bao gồm sự giảm sút trong tiêu dùng của các nước trên thế giới; chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục đứng trước nguy cơ bị gián đoạn, đứt gãy, dẫn tới nhiều hệ lụy cho hoạt động xuất nhập khẩu và tăng trưởng kinh tế;  sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm ở một số ngành như ngành dệt, may, da giày, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế, sản xuất kim loại…

Bên cạnh đó, giá xăng dầu liên tục biến động, chi phí logistics quá cao; lãi suất ngân hàng điều chỉnh tăng khiến chi phí sản xuất của doanh nghiệp tăng từ 5 – 10%; và đặc biệt là những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp…

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý Kinh tế Trung ương - CIEM) cho rằng, từ năm 2020 đến nay, nhiều yếu tố tiêu cực tác động đến doanh nghiệp, môi trường kinh doanh, như dịch bệnh, chiến tranh, thị trường… làm giảm cơ hội thành lập doanh nghiệp mới trong khi lượng rời thị trường tăng lên.


Chính sách cụ thể hướng tới thuận lợi hơn cho doanh nghiệp còn rất chậm.

Cần "trợ lực" để doanh nghiệp phát triển

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ có nhiều chỉ đạo, quyết tâm để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp. Như tại Nghị quyết 45, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất khung pháp luật nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu quả hoạt động và cơ chế, chính sách thúc đẩy hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo bà Thảo, hành động cụ thể, chính sách cụ thể hướng tới thuận lợi hơn cho doanh nghiệp còn rất chậm. Dù mục tiêu 1,5 triệu doanh nghiệp thể hiện mong muốn, quyết tâm của Chính phủ trong cải thiện môi trường kinh doanh cũng như tinh thần khởi nghiệp, song không dễ đạt được nếu như không có nỗ lực cải cách, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

Phân tích về vấn đề này, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực nhận định, hiện cả nước mới có hơn 786.000 doanh nghiệp tư nhân, con số này không những không đạt mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020 mà còn cách rất xa con số mong muốn, 1,5 triệu vào năm 2025.

Theo ông Lực, khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang trong hành trình tiến tới trở thành động lực của nền kinh tế, chứ chưa thực sự là động lực. Do đó, mục tiêu đề ra thực sự có nhiều thách thức.

Ông Lực cho rằng, cần nhiều giải pháp đồng bộ từ phía nhà quản lý và cả tự thân doanh nghiệp. Về phía cơ quan quản lý, cần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư. Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách để khuyến khích hộ kinh doanh nâng cấp thành doanh nghiệp...

Chia sẻ về giải pháp, TS. Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng, việc thực thi doanh nghiệp thành lập mới, các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh cần quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, bởi đây chính là “trợ lực” quan trọng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Còn ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bày tỏ mong muốn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua tập trung cải cách thủ tục hành chính ở một số lĩnh vực còn gây phiền hà cho doanh nghiệp như: đất đai, thuế, xây dựng… Đồng thời, tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh tra, kiểm tra theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro, tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp...

Đồng quan điểm, bà Phí Thị Hương Nga cũng cho rằng bên cạnh sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới, nâng cao năng lực quản trị nhằm tiết giảm chi phí sản xuất… phía Chính phủ, Bộ ngành và địa phương cần mở rộng hoặc nâng tần suất gặp gỡ, đối thoại nhiều hơn với doanh nghiệp để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, từ đó đề ra những giải pháp khắc phục, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, theo bà Hương Nga, cần tiếp tục duy trì chính sách hỗ trợ năm 2023, nhất là chính sách gia hạn giảm thuế giá trị gia tăng 2% như một cách thêm động lực giúp doanh nghiệp tiếp tục đà phục hồi khi Nghị định 15 về việc giảm 2% thuế suất giá trị gia tăng với các nhóm hang hóa, dịch vụ… hết hiệu lực.

Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp