09:49:05 | 10/7/2023
Xúc tiến, kêu gọi đầu tư là một trong những nhiệm vụ quan trọng để tiếp cận và thu hút thành công nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các địa phương và khu vực, Bình Phước xác định, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư (XTĐT) là bước đột phá quan trọng nhằm thu hút đầu tư, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội. Ông Nguyễn Đức Thành - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Phước đã có một số chia sẻ với Vietnam Business Forum.
![]() |
Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư của tỉnh năm 2022 và 5 tháng đầu năm 2023?
Với sự tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư cũng như chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, Bình Phước đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu, quyết định đầu tư. Trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) góp phần nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Năm 2022, tỉnh thu hút đầu tư trong nước với số vốn đăng ký 10.800 tỷ đồng, đạt 108% kế hoạch. Số doanh nghiệp thành lập mới trong năm đạt 1.150 doanh nghiệp, tăng 7,9% so với năm 2021, đạt 104,5% kế hoạch năm. Thu hút đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 150 triệu USD, đạt 37,5% kế hoạch.
5 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã cấp mới được 11 dự án với tổng số vốn cấp mới là 1.855 tỷ đồng. Điều chỉnh tăng vốn cho 06 dự án với số vốn điều chỉnh tăng là 876,67 tỷ đồng. Như vậy, tổng vốn đầu tư trong nước thu hút 5 tháng 2023 là 2.731,67 tỷ đồng, bằng 45,5% về số dự án và bằng 63,74% về số vốn so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế đến ngày 14/5/2023 toàn tỉnh có 1.218 dự án với số vốn gần 118,5 nghìn tỷ đồng.
Đặc biệt, trong 5 tháng đầu năm, tỉnh thu hút được 11 dự án FDI với số vốn cấp mới là 566,491 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn cho 19 dự án với số vốn tăng là 37,137 triệu USD. Tổng thu hút đầu tư cấp mới và tăng thêm 5 tháng là 603,628 triệu USD, bằng 78,6% về số dự án và tăng gấp 14,8 lần về số vốn so với năm 2022. So với cả nước, Bình Phước đang đứng thứ 8/63 tỉnh thu hút đầu tư FDI.
Lũy kế đến hết tháng 5/2023, trên địa bàn tỉnh có 377 dự án FDI, với số vốn đầu tư là 4.030.290.817 USD. Với những kết quả đó, 5 tháng đầu năm 2023, Bình Phước hiện là 01 trong 10 địa phương thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất cả nước (theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT). Điều này cho thấy môi trường đầu tư của tỉnh đã được cải thiện thực chất và cạnh tranh mạnh mẽ. Đó là kết quả của sự nỗ lực, đồng hành cùng các nhà đầu tư, sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, chính quyền địa phương các cấp.
Thời gian tới, tỉnh chú trọng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, giao thông, kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ đào tạo tuyển dụng,… để tiếp tục đón các nhà đầu tư có vốn đầu tư quy mô lớn, hiệu quả kinh tế - xã hội cao vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghi thức khánh thành nhà máy Hayat Kimya Việt Nam tại Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Becamex Bình Phước vào tháng 3/2022
Bình Phước đã xây dựng chương trình XTĐT chủ động, có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với quy hoạch ngành, lĩnh vực, định hướng phát triển của tỉnh thời kỳ 2021-2030; đồng thời đa dạng hóa phương thức XTĐT để tăng hiệu quả thu hút đầu tư ra sao, thưa ông?
Trong thời gian qua, với chức năng nhiệm vụ được giao, Sở KH&ĐT đã chủ động tham mưu UBND tỉnh xây dựng chương trình XTĐT. Chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh luôn được Sở KH&ĐT theo dõi, cập nhật tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành kịp thời, phù hợp với đặc thù của tỉnh nhà, nhằm tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, luôn được cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao. Chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đã góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh, nhất là ở khu vực nông thôn, đặc biệt khó khăn.
Những năm gần đây, bên cạnh trực tiếp tổ chức, tham gia các hoạt động XTĐT trong và ngoài nước, Bình Phước áp dụng linh hoạt phương thức XTĐT trực tuyến, đặc biệt trong thời gian chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh chủ động trực tiếp tổ chức các sự kiện giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư tại tỉnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bình Phước tham gia các Chương trình XTĐT trực tuyến do Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH&ĐT tổ chức.
Sở cũng đã chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương lập danh mục dự án kêu gọi đầu tư trình UBND tỉnh phê duyệt, trong đó chọn lọc các dự án ưu tiên theo từng giai đoạn, phù hợp với với chính sách khuyến khích, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư của tỉnh.
Theo kết quả đánh giá Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022, trong 10 chỉ số thành phần, Chỉ số Gia nhập thị trường tăng 0,81 điểm (từ 6,26 lên 7,07 điểm), tăng 28 bậc (từ vị trí 53/63 lên vị trí 25/63 tỉnh, thành phố). Đánh giá của ông về Chỉ số Gia nhập thị trường của Bình Phước thời gian qua? Sở sẽ thực hiện các giải pháp, hoạt động nào nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn điểm số, thứ hạng chỉ số trên thời gian tới?
Theo kết quả PCI năm 2022, Chỉ số Gia nhập thị trường của Bình Phước tăng 0,81 điểm (từ 6,26 lên 7,07 điểm), tăng 28 bậc từ vị trí 53/63 lên vị trí 25/63 tỉnh, thành phố). Trong đó, có 01 chỉ tiêu “Tỷ lệ doanh nghiệp phải chờ hơn ba tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục để chính thức hoạt động” giảm từ 6%, thứ hạng 57/63 xuống còn 0%, Bình Phước cùng với 37 tỉnh, thành có kết quả tốt nhất cả nước. Đạt được kết quả này, trong năm qua Bình Phước đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể:
Về đăng ký doanh nghiệp, Sở thực hiện toàn bộ nhiệm vụ đăng ký doanh nghiệp tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh theo nguyên tắc: (1) tiếp nhận, (2) thẩm định,
(3) phê duyệt, (4) đóng dấu, (5) trả kết quả tại chỗ hoặc (6) phối hợp với Bộ phận trả kết quả gửi về theo đường bưu điện theo yêu cầu, không để doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc đi lại. Toàn bộ thủ tục hành chính thực hiện trực tuyến 100% trên Hệ thống quản lý doanh nghiệp quốc gia (dịch vụ công trực tuyến toàn trình trong thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử).
Về đăng ký đầu tư, Sở đã tham mưu UBND tỉnh giải pháp phối hợp giữa các cơ quan để thực hiện tốt Quy chế phối hợp giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có sử dụng đất ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong khi quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang chờ được thông qua, việc áp dụng Quy chế phối hợp đã được triển khai thực hiện chặt chẽ, kịp thời giữa Sở KH&ĐT cùng với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan thực hiện đúng pháp luật, trả kết quả cho tổ chức, cá nhân đảm bảo thời gian quy định.
Công tác tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả được thực hiện 100% tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; công tác phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan để giải quyết hồ sơ thực hiện 100% trên Cổng dịch vụ công quốc gia, dưới sự giám sát của Văn phòng UBND tỉnh. Qua đó, công tác giải quyết thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư dự án có sử dụng đất ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn đảm bảo đúng hạn và trước hạn so với quy định.
Thời gian tới, Sở KH&ĐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, thực hiện đúng pháp luật và luôn theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện nghiêm Quy chế phối hợp của UBND tỉnh, đảm bảo chất lượng và thời gian giải quyết cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Trân trọng cảm ơn ông!
Duy Bình (Vietnam Business Forum)